Con sông Nho Quế (Hà Giang) như dải lụa xanh len giữa hai dãy núi, thời gian gần đây bỗng ngập tràn bóng dáng của những bộ cổ phục từ... các vùng lãnh thổ khác. Diện trang phục Tây Tạng, Mông Cổ trở thành trào lưu với một bộ phận giới trẻ khi tới các điểm du lịch trong nước.
Tại Sa Pa, Mộc Châu hay Hà Giang, những cửa hàng cho thuê trang phục nước ngoài mọc lên ngày càng nhiều. Mức giá cho thuê dao động từ 150.000 tới 400.000 đồng/bộ, tuỳ theo nhu cầu của du khách. Dịch vụ trang điểm, làm tóc giống những phụ nữ Mông Cổ, Tây Tạng cũng xuất hiện.
Những bức ảnh du khách diện trang phục ngoại lai "check-in" tại sông Nho Quế xuất hiện ngày càng nhiều.
Nhiều bạn trẻ chọn trang phục của nước ngoài khi chụp ảnh tại địa danh nổi tiếng của Việt Nam.
Blogger có tiếng về du lịch Khoai Lang Thang mới đây thẳng thắn lên tiếng về việc du khách chọn trang phục Mông Cổ chụp hình trên sông Nho Quế (Hà Giang).
Anh kêu gọi du khách đến sông Nho Quế, Hà Giang hay bất cứ cảnh đẹp tự nhiên nào của Việt Nam, hãy hạn chế mặc trang phục truyền thống của những nước khác.
"Gần đây Khoai Lang Thang thấy nhiều bạn mặc đồ Tây Tạng, Mông Cổ khi chụp với sông Nho Quế. Một người bạn ngoại hỏi Khoai là: Nho Quế có phải của Việt Nam không?. Thật lòng nghe câu hỏi đó cùng những tấm hình bạn ấy đưa, Khoai cũng có chút buồn”, nam blogger giãi bày.
Xét theo khía cạnh giáo dục, mặc quần áo không chỉ để đẹp mà còn thể hiện tầm văn hóa của từng cá thể, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.
Dòng trạng thái của Khoai Lang Thang trên mạng xã hội nhận hơn 100.000 lượt yêu thích và hơn 2.000 lượt chia sẻ.
Phần lớn đồng tình với quan điểm của anh. Nhiều người để lại bình luận kêu gọi khách du lịch nên tôn trọng văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc Việt Nam.
Một quầy cho thuê trang phục truyền thống của nước ngoài tại Hà Giang.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng việc ăn mặc, chụp ảnh theo trào lưu là điều hết sức bình thường với thanh niên. Tuy nhiên, xét theo khía cạnh giáo dục, mặc quần áo không chỉ để đẹp mà còn thể hiện tầm văn hóa của từng cá thể.
“Cách ăn mặc nói lên bạn là ai, trí tuệ của bạn ở đâu, tâm hồn dân tộc của bạn ở đâu. Với thanh niên du khách thế hệ mới, tôi tin các bạn hấp thu giá trị văn hóa dân tộc rất nhanh. Bởi đất nước ta ở đâu cũng đẹp, trang phục dân tộc ở miền nào cũng đẹp. Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa đẹp đẽ”, anh nêu quan điểm.
Trang phục dân tộc được khuyến khích sử dụng khi du khách có nhu cầu chụp ảnh kỷ niệm.
Chuyên gia văn hoá Ngô Văn Giá nhận định việc thuê, mặc trang phục dân tộc nước ngoài tại các địa điểm du lịch Việt Nam là hành động thiếu ý thức văn hóa, không có lòng tự trọng dân tộc. “Đáng ra người Việt phải mặc trang phục dân tộc Việt Nam, trang phục truyền thống của người Việt", chuyên gia chia sẻ quan điểm.
Việc mặc trang phục nước ngoài là hành động nông nổi, quay lưng lại với trang phục, văn hóa truyền thống dân tộc, chuyên gia Ngô Văn Giá.
Để xảy ra tình trạng cho thuê, bán trang phục nước ngoài tràn lan tại các địa điểm du lịch là do các nhà quản lý văn hóa của các địa phương chưa quan tâm sát sao.
“Các cơ quan quản lý phải khẩn trương làm việc với các cơ sở cho thuê, bán trang phục dân tộc nước ngoài, bởi điều này liên quan đến thuần phong mỹ tục, gìn giữ bản sắc văn hóa”, ông kiến nghị.
Thực trạng này là hồi chuông cảnh tỉnh cho những nhà quản lý văn hóa về việc giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa, đặc biệt là việc giữ gìn bản sắc dân tộc.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang chỉ đạo chính quyền địa phương tuyên truyền tới các hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê trang phục, không cho thuê trang phục cổ trang, trang phục nước khác mà tập trung vào trang phục các dân tộc của tỉnh Hà Giang, nếu có cách tân vẫn phải bảo đảm phù hợp.
Theo Tiền Phong