"Đến hẹn lại lên", mỗi năm cứ vào dịp Tết Hàn thực, ngày mùng 3/3 Âm lịch, các gia đình Việt lại rộn ràng chuẩn bị mâm cỗ cúng đầy đủ, chuẩn phong tục nhất để tưởng nhớ tổ tiên.
Nhưng liệu mấy ai biết Tết Hàn thực xuất phát từ đâu và mâm cúng Tết Hàn thực cần chuẩn bị những gì để đủ đầy, trọn vẹn?
Tết Hàn thực là Tết ăn đồ lạnh.
Nguồn gốc Tết Hàn thực?
Tết Hàn thực theo nghĩa chữ Hán. "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn. Tết Hàn thực là Tết ăn đồ lạnh. Lễ tết này có nguồn gốc từ Trung Quốc thời nhà Tấn khi Tấn Văn Công không may đốt rừng thiêu chết Giới Tử Thôi - một trung thần đi theo phò tá suốt 19 năm trời. Vậy nên để tưởng nhớ, vua Tấn ban lệnh 3/3 - 5/3 âm lịch hàng năm dân phải kiêng đốt lửa, chỉ được ăn đồ nguội.
Và từ sự giao lưu văn hóa nên vào ngày 3/3 âm lịch, người Việt cũng tổ chức lễ Tết này. Người Việt xưa đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng cho món ăn nguội để thờ cúng tổ tiên, đất trời. Vì thế, ngoài cái tên Tết Hàn thực, ngày 3/3 âm lịch còn là ngày Tết bánh trôi bánh chay của người Việt.
Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực gồm những gì?
Bánh trôi, bánh chay
Món bánh trôi, bánh chay không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Hàn thực. Số lượng "chuẩn" để bày trên mâm cúng là 5 hoặc 3 bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay. Vì theo phong thủy, số lẻ tượng trưng cho may mắn (dương). Cho nên khi gia chủ dâng lên ban thờ sẽ thể hiện mong muốn cầu xin gặp được nhiều may mắn.
Bên cạnh đó, bánh trôi được làm bằng bột nếp, có nhân bằng đường. Bánh chay cũng làm bằng bột nếp, nhân đậu xanh nấu chín. Các nguyên liệu hầu hết đều là sản vật từ mùa lúa bội thu nên khi dâng cúng còn mang một lời cầu mong mưa thuận gió hòa.
Bánh trôi bánh chay phải màu trắng mới "chuẩn" truyền thống.
Tuy nhiên ngày này, nhiều chị em thích trổ tài chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay nhiều màu sắc với các hình dáng khác nhau để dâng cúng. Tuy đẹp mắt là vậy nhưng theo các chuyên gia văn hóa, điều này hoàn toàn không đúng với nguyên gốc và ý nghĩa của ngày Tết Hàn thực.
Bánh trôi "chuẩn" truyền thống phải có màu trắng, hình tròn đầy thể hiện cho khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn tròn đầy và tinh khiết trong cuộc sống.
Hương, hoa và trầu cau
Không thể thiếu trầu cau, hương hoa.
Dù mâm lễ cúng Tết Hàn thực to hay nhỏ, gia chủ cũng không thể thiếu nén hương, hoa tươi và trầu cau để trên ban thờ.
Ly nước sạch
Mỗi lần thắp hương gia tiên, gia chủ đừng quên thay một ly nước sạch để trên bàn thờ. Dịp Tết Hàn thực cũng vậy, cần phải có một ly nước sạch. Nước là thể hiện cho tâm ý của gia chủ.
Mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả
Tùy từng mùa và điều kiện mỗi nhà, gia chủ có thể chọn 5 loại quả có màu sắc khác nhau để đại diện cho ngũ hành dâng cúng tổ tiên. Mâm ngũ quả tròn đầy thể hiện tấm lòng thơm thảo và ước mong những điều tốt lành sẽ đến với gia đình.
Ngoài các món trên, gia chủ còn có thể chuẩn bị thêm tiền vàng, 3 hoặc 5 chén trà để mâm cũng sao cho trọn vẹn và tinh tươm nhất.
An Chi
Theo Vietnamnet