Ở bên một người chồng vô tâm, cư xử thiếu công bằng với gia đình nhà ngoại, bất cứ người vợ nào cũng cảm thấy thất vọng, hụt hẫng trong lòng.
Người chồng bảo thủ ích kỷ
Cùng mang tâm sự ấy, mới đây một người vợ trẻ đã vào mạng xã hội chia sẻ câu chuyện hôn nhân của mình: "Chồng em tư tưởng bảo thủ không ai sánh bằng.
Lúc nào anh ấy cũng nghĩ phụ nữ lấy chồng là hết trách nhiệm với nhà ngoại nên mỗi khi bên nhà đẻ em có việc, bố mẹ gọi hai đứa về là kiểu gì anh cũng cằn nhằn tỏ ra khó chịu".
Người vợ kể
Cô cũng từng nhiều lần phân tích nặng nhẹ với chồng nhưng anh không thay đổi. Thậm chí anh còn quản lý rất chặt về kinh tế, sợ vợ giấu tiền mang về nhà đẻ: "Tuy chồng để em cầm tài chính nhưng vợ chi tiêu thế nào đều phải ghi sổ sách để hàng tháng anh ấy kiểm tra đối chiếu.
Ức chế ở chỗ, anh ấy chỉ chặt chẽ với vợ và nhà vợ chứ với bên nội thì anh ấy rộng rãi lắm. Thi thoảng về chơi, anh mua biếu ông bà nội đủ thứ kể cả tivi, tủ lạnh mà không bàn qua với vợ thì không sao. Trong khi đó, có lần bố em ốm nhập viện, em biếu 3 triệu mà anh ấy hằn học, vợ chồng cãi vã, chiến tranh lạnh nửa tháng".
Mâu thuẫn bùng nổ
Sống bên người chồng lúc nào cũng phân biệt đối xử thiếu công bằng với nhà ngoại khiến cô mệt mỏi, ức chế vô cùng. Cô càng nhẫn nhịn thì sự ích kỷ, bảo thủ của chồng càng lớn hơn. Cho tới khi cô không thể chịu được nữa thì mâu thuẫn vợ chồng cũng chính thức bùng nổ.
Cô kể: "Đợt nắng nóng vừa rồi em về thăm nhà đẻ thấy điều hòa của bố mẹ hỏng. Bố em mới nằm viện gần 2 tháng, hiện vẫn phải thuốc thang tẩm bổ mỗi ngày nên ông bà chưa có tiền thay điều hòa mới.
Nhà nóng, bố mẹ ngồi ăn cơm mồ hôi chảy thành dòng, em thương quá về bàn với chồng mua biếu ông bà 1 cái điều hòa mới nhưng anh ấy cứ lờ đi như không. Em nhắc đi nhắc lại 2, 3 lần chồng vẫn không phản ứng. Vài hôm sau thấy trời nóng quá, em quyết định tự vào mạng đặt mua.
Chiều hôm đó, đúng lúc siêu thị điện máy gọi điện để check thông tin chuyển hàng thì chồng em đi làm về.
Nghe vợ nói chuyện điện thoại, anh giật luôn máy của em bảo với họ là hủy đơn rồi quay ra quát: 'Cô coi chồng không còn tồn tại hay sao mà dám tự ý vượt quyền mua đồ cho nhà đẻ như thế. Kiểu phụ nữ đâu lấy chồng rồi mà suốt ngày lo bòn rút tiền của mang về cho ngoại. Nếu cô muốn lo cho bố mẹ đẻ thế thì dọn về ở với họ đi'.
Sự phũ phàng của chồng em khi ấy giống như giọt nước làm tràn ly. Không thèm đôi co với anh ấy nửa lời, em quay về phòng đóng cửa. Chồng em nghĩ vợ đã sợ nên cũng yên tâm ra ngoài xem tivi nhưng chưa đầy nửa tiếng sau đã có người gọi cửa nói tới tháo chuyển điều hòa.
Chồng em ngơ ngác hỏi vợ thế là thế nào, em cười bảo: 'Chắc anh chưa quên cái điều hòa trong phòng ngủ nhà mình là của bố mẹ tôi mua cho chúng ta hồi mới cưới chứ.
Giờ tôi thuê người tháo mang về bên đó lắp cho họ coi như 1 công đôi việc vì đằng nào tôi với anh cũng ly hôn, tôi dọn đồ của nhà tôi về dần là vừa. Như thế kể ra tôi cũng tiết kiệm được 1 khoản. Thôi anh ký vào đơn đi, mai tôi gửi ra tòa giải quyết sớm'.
Chồng em nhìn lá đơn trên tay vợ mà mặt tái đi vì biết rằng em không đùa. Anh vội vàng đưa cho người thợ lắp đặt điều hòa 200 nghìn, nói khéo bảo họ về rồi xuống giọng nhận sai nhưng em không nói gì.
Sáng mai em ngồi làm trên cơ quan thì mẹ đẻ gọi điện bảo chồng em mua biếu ông bà cái điều hòa mới, đang lắp đặt. Lúc ấy em mới nguôi nguôi chứ không chắc em ly hôn rồi cũng nên".
Theo dõi câu chuyện, hầu hết mọi người đều không đồng tình với cách cư xử thiếu công bằng giữa hai bên nội ngoại của anh chồng trên. Do vậy, phản ứng gay gắt của vợ anh rất được mọi người ủng hộ, tán thành.
Mong rằng sau chuyện lần này, anh thực sự đã nhận ra khuyết điểm của bản thân để sửa chữa. Có như thế tổ ấm vợ chồng anh mới hòa thuận mãi mãi.
Theo Pháp luật và bạn đọc