Tư vấn khách mua đủ thứ
Chị Phạm Thùy Liên ở phố Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cách đây hơn một tháng, chị có đến siêu thị điện máy gần nhà để chọn mua một chiếc tủ lạnh. Hai ngày sau, nhân viên giao hàng của siêu thị chở tủ lạnh đến giao cho gia đình chị.
Vừa lắp đặt và hướng dẫn sử dụng tủ lạnh mới xong, nhân viên giao hàng của siêu thị này lấy ngay ra một thiết bị điện nhỏ bằng nửa viên gạch, nói “đây là thiết bị bảo vệ tủ lạnh, chị mua dùng để đảm bảo tủ lạnh được bền và tránh cháy chập”.
Nhân viên này giải thích, đây là vật kết nối giữa tủ lạnh với nguồn điện. Khi nguồn điện gặp sự cố, thiết bị sẽ tự động ngắt để tủ lạnh không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi ga tủ lạnh gặp vấn đề, vượt quá chỉ số trên đồng hồ đo của thiết bị bảo vệ thì thiết bị cũng tự ngắt nguồn điện vào tủ lạnh.
Khách mua tủ lạnh được tư vấn mua thêm thiết bị bảo vệ tủ lạnh giá 280.000 đồng/sản phẩm
Nghe thấy vậy, chị Liên liền gật đầu mua thiết bị bảo vệ tủ lạnh với giá 285.000 đồng. Bởi chị nghĩ, nhân viên siêu thị tư vấn thì có thể tin tưởng được, và chị cũng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm mà siêu thị này bán.
Tương tự, chị Bùi Thị Phương Mai ở Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, nhà chị vừa mua máy giặt cửa trước tại một siêu thị trên đường Nguyễn Trãi. Hôm sau, nhân viên của siêu thị đến giao hàng và lắp đặt máy giặt cho nhà chị cũng lôi từ trong túi ra một chiếc “áo” máy giặt và một chiếc chân đế để kê máy giặt rồi tư vấn: nếu dùng “áo” này phủ lên máy giặt thì sẽ tránh được ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào máy, từ đó tăng được độ bền cho máy giặt.
Riêng với chân đế máy giặt, họ nói kê dưới máy sẽ sạch sẽ hơn, đặc biệt là máy để ngoài ban công, nếu mưa to ban công không thoát nước kịp thì cũng ko sợ ngập lên máy giặt.
"Được nhân viên tư vấn như vậy, tôi cũng gật đầu mua chiếc “áo” máy giặt với giá 150.000 đồng, mua chiếc chân đế máy giặt giá 300.000 đồng bởi cũng nghĩ, siêu thị là nơi bán hàng uy tín, thường sẽ tư vấn cho khách lựa chọn những thứ tốt nhất", chị Mai nói.
Nhân viên giao hàng tư vấn cho khách mua thêm áo máy giặt để bảo vệ máy tốt hơn với giá 150.000 đồng/sản phẩm
Thế nhưng, một tuần sau đó, nhân viên chăm sóc khách hàng của siêu thị có gọi điện hỏi chị có hài lòng với sản phẩm máy giặt và nhân viên phục vụ có nhiệt tình không. Lúc ấy, chị mới kể chuyện nhân viên giao hàng có tư vấn bán “áo” và chân đế máy giặt cho khách thì mới vỡ lẽ, đó không phải là của siêu thị mà là nhân viên giao hàng tranh thủ bán phụ kiện kèm theo kiếm thêm.
“Đáng chú ý hơn, nhân viên chăm sóc khách hàng của siêu đó còn nói rằng, với máy giặt cửa trước, họ khuyên không nên dùng chân đế vì nếu nếu dùng máy sẽ rung và kêu rất to, ảnh hưởng đến độ bền của máy”, chị Mai chia sẻ.
Kiếm tiền triệu mỗi ngày
Chia sẻ với PV, chị Hoàng Thị Hải Lan, nhân viên tư vấn bán hàng tại một siêu thị trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội), thừa nhận, có những nhân viên của siêu thị trong lúc đi giao hàng cho khách tranh thủ bán thêm các thiết bị, phụ kiện để kiếm tiền lời.
Theo chị Lan, nếu là những thiết bị, phụ kiện dùng kèm theo đồ điện máy mà siêu thị bán, nhân viên tư vấn sẽ tư vấn luôn cho khách hàng tại siêu thị, chẳng hạn như kiểu mua Smart TV có nên mua thêm bàn phím hay không... Còn nếu nhân viên giao hàng điện máy cho khách xong mới tư vấn khách mua thêm đồ thì đa phần đồ đó tự nhân viên bán.
“Ngoài ra, nếu là hàng của siêu thị thì sẽ đăng thông tin trên website của siêu thị, nếu không thấy thì là do nhân viên giao hàng tự bán”. Chị Lan nói và cho biết, khá nhiều khách hàng gọi điện thoại đến hỏi siêu thị có bán “áo” máy giặt, có bán chân đế để máy giặt không vì họ thấy nhân viên giao hàng tư vấn mua,...
Nhờ vào mánh vừa giao hàng vừa kết hợp bán thêm linh kiện, phụ kiện mà nhân viên giao hàng của siêu thị có thể kiếm được một khoản tiền khá mỗi ngày (ảnh minh họa)
Nhiều trường hợp, nhân viên còn đánh tráo hàng của siêu thị để bán loại hàng khác kiếm lời. Ví như, siêu thị có bán thiết bị bảo vệ tủ lạnh của hãng S. giá 250.000 đồng/sản phẩm. Nhưng khi giao hàng, họ sẽ tư vấn cho khách mua thiết bị bảo vệ tủ lạnh của một hãng khác. Làm vậy, nhân viên sẽ thu tiền lời rất cao bởi, hàng họ bán cho khách thực chất là hàng giá rẻ, và việc này nếu khách không kiểm tra kỹ sẽ nhầm tưởng hàng mà mình mua là của siêu thị bán.
Là nhân viên giao hàng một siêu thị ở Cầu Giấy (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Trường chia sẻ, nhân viên giao hàng của siêu thị thường ăn theo sản phẩm như giao nồi cơm điện được 20.000 đồng, máy giặt được 70.000 đồng, quạt điện được 30.000 đồng,... Giao nhiều thì được ăn nhiều, giao hàng ít thì được ăn ít. Thế nên thu nhập khá bấp bênh, không cố định bao giờ.
Để tồn tại được, theo anh Trường, nhân viên giao hàng như các anh thường bán thêm vài loại phụ kiện đi kèm với máy.
“Món hàng dễ bán nhất chính là thiết bị bảo vệ tủ lạnh, chân đế máy giặt, áo máy giặt”, anh nói. Khách hàng thích thì mua, không thích thì thôi, các anh cũng không ép. Và cũng tùy từng khách mới tư vấn mua thêm linh kiện, phụ kiện.
Bán được một thiết bị bảo vệ tủ lạnh, nhân viên giao hàng lãi 140.000 đồng, áo máy giặt lãi 80.000 đồng, chân máy giặt hay chân máy tủ lạnh lãi 100.000 đồng. Tính ra, một ngày tiền lời thu được cũng tầm 500.000-1.000.000 đồng tùy vào lượng khách mua ít hay nhiều, anh Trường tiết lộ.
Theo Vietnamnet