Trước đây gia đình của anh Phan Minh Luận ngụ xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang sản xuất các loại cá phổ biến như cá điêu hồng, rô đồng, cá tra…

Sau hơn 10 năm nuôi trồng không còn đạt hiệu quả như trước, năm 2017 anh Phan Minh Luận quyết định chuyển đổi sang nuôi các loài cá quý hiếm, như: Cá tra dầu, cá hô, trà sóc, hồng vỹ, cá hải tượng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.


Cá hồng vỹ được anh Luân nuôi và có giá trị kinh tế cao (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Trong cái khó ló cái khôn"

Theo anh Luận, cá hô, cá tra dầu thường sống ở lưu vực sông Mekong. Trước đây,  các loại cá này từng xuất hiện nhiều ở Việt Nam nhưng do khai thác, đánh bắt quá mức dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.

Thỉnh thoảng người dân vẫn bắt được một vài con "thủy quái" với cân nặng từ 50kg đến hơn 100kg nhưng số lượng rất hiếm. Chính vì lượng ngày càng khan hiếm nhiều người không tiếc tiền bỏ ra hàng triệu đồng để thưởng thức cá ngon.

Thấy được tiềm năng trên cộng với cơ hội đi nhiều quốc gia đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Indonesia… Anh Luận tìm được nguồn cung cá giống, cá thịt ổn định nên quyết định chuyển đổi sang nuôi cá độc lạ.

Thời gian đầu anh kinh doanh theo hình thức thương lái, anh Luận mua cá lớn ở nước ngoài về bán lại, lấy công làm lời. Tuy nhiên, khâu vận chuyển cá chẳng dễ dàng. Mỗi chuyến vận chuyển bằng đường bộ, anh tốn từ 70-80 triệu đồng/chuyến.

Chưa kể, dọc đường còn phải sang đổi nhiều phương tiện từ qua xe, qua cửa khẩu rất gian nan. Mặt khác, cá phải được thay oxy liên tục để giữ tươi sống nhưng cung đường khá vất vả nên lượng cá thất thoát không ít. Thậm chí có những chuyến anh Luận phải chịu lỗ vì cá về đến nơi đã chết.


Anh Phan Minh Luận bên con cá tra dầu nặng 30kg (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Thấy cực quá, làm mãi mà chẳng có lời nên hơn 4 năm trước tôi quyết định chuyển sang mua cá giống về tự chăm sóc, nuôi lớn rồi bán cho khách hàng", anh Luận chia sẻ.

Cũng theo anh Luận, ban đầu anh nuôi thử nghiệm các giống "thủy quái" trong bể xi măng và ao đất. Nuôi được một thời gian, anh nhận thấy cá thích hợp phát triển trong môi trường rộng lớn ngoài ao đất nên đã mở rộng thêm cơ sở chăn nuôi.

Hiện chàng trai 8x có 3 cơ sở sản xuất gồm một trại cá trưng bày, một ao nuôi trung chuyển rộng 1ha ở Tiền Giang và một ao rộng ươm 7ha ở Đồng Tháp.


Cá hô đã được anh Luận nuôi và cho sinh sản nhiều lứa (Ảnh: Bảo Kỳ).

Thu nhập tiền tỷ mỗi năm

Bật mí về bí quyết nuôi thành công "thủy quái" của mình, anh chủ 35 tuổi cho biết, do khí hậu và thổ nhưỡng, nguồn nước của Việt Nam khá tương đồng với Thái Lan nên việc nuôi các giống cá như cá hô, cá tra dầu, cá hồng vỹ… không quá khó.

Khi mới đem về cần nuôi cách ly vài ngày để cá quen môi trường nước rồi mới thả ra ngoài ao đất nuôi thương phẩm.

Riêng cá hải tượng, anh Luận chỉ nuôi trong bể xi măng bán cho khách chơi cá cảnh chứ không bán cá thương phẩm, cá giống vì loại cá này rất hung dữ và là sinh vật ngoại lai nếu nuôi đại trà ngoài tự nhiên sẽ gây nguy hiểm cho nguồn lợi thủy sản của nước ta.


Cá tra dầu giống (Ảnh: Bảo Kỳ)

"Bình quân mỗi ao cá tôi thả 2.000 cá hô, 2.000 cá tra dầu số còn lại tôi thả cá chép koi và cá hồng vỹ để nó ăn lượng thức ăn thừa trong hồ", anh Luận cho hay.

Cũng theo anh Luận, do cá giống mua về có nguồn gốc tự nhiên để cá thích nghi trong điều kiện ao đất cần phải xử lý sạch mầm bệnh trong ao trước, xung quanh thành ao được lót bạt.

Vị trí ao nên chọn những địa điểm gần nguồn nước để dễ thay nước, lọc ao. Nguồn thức ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp, bình quân cho ăn mỗi ngày một cữ vào 8-9h hoặc 16-17h, lượng thức ăn được tiếp nạp khoảng 2-5% trọng lượng cơ thể cá.

"Tốc độ sinh trưởng và phát triển của cá trong ao đất rất tốt. Đặc biệt đối với cá tra dầu có thể lớn gấp 5 lần cá tra thường. Bình quân nuôi tầm một năm cá tra dầu có thể đạt trọng lượng hơn 10kg, đủ thể trọng để bán cá giống", chủ trại cá "thủy quái" chia sẻ.


Một trang trại ươm cá rộng 1ha của anh Luận (Ảnh: Bảo Kỳ).

Được biết, thời gian gần đây anh Luận đã học được kỹ thuật ép đẻ cho cá hồng vỹ, cá hô và đã có một số đàn sinh sản. Tuy nhiên, cá tra dầu giống vẫn còn phụ thuộc vào nguồn giống ở nước ngoài vì anh chưa tìm ra kỹ thuật sinh sản nhân tạo cho cá.

Từ năm 2019, mô hình nuôi cá độc lạ của anh Luận "đi vào quỹ đạo". Bình quân mỗi năm anh cung cấp khoảng 20 tấn cá hô, cá tra dầu thương phẩm cho nhà hàng, quán ăn. Giá thành cá dao động từ 300.000 đồng đến hơn 500.000 đồng tùy loại, trừ hết chi phí anh Luận có thể "đút túi" hơn một tỷ đồng mỗi năm.

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch UBND xã Long Định - cho biết, mô hình nuôi cá của gia đình anh này đã góp phần phát triển rất nhiều cho kinh tế địa phương. Những giống cá được chọn nuôi đều là loại cá độc lạ, quý hiếm nên có giá trị kinh tế cao.

"Nếu bà con nào có nhu cầu chuyển đổi sang nuôi cá như hộ anh Luận phía địa phương sẽ phối hợp với cơ sở để hỗ trợ tập huấn cho bà con kỹ thuật nuôi trồng hoặc vay vốn sản xuất", bà Nga nói thêm.

Theo Dân Trí