Trong những năm gần đây, thị trường mỹ phẩm trong nước chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu, sản phẩm có nguồn gốc nội địa. Nhiều sản phẩm, thương hiệu có chất lượng tốt đã khẳng định được uy tín, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những sản phẩm không minh bạch thông tin, quảng cáo quá sự thật, có dấu hiệu kém chất lượng…

Mới đây, ngày 14/10, Cục Quản lý Dược đã ban hành Công văn số 3434/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm Cerina không đạt tiêu chuẩn chất lượng của Công ty TNHH MTV sản xuất dược - mỹ phẩm GAMMA.

Theo đó, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thông báo, đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Cerina (nhãn hàng GAM MA), hộp 1 tuýp 50g, trên nhãn ghi số lô CKTT010624; số công bố: 001966/21/CBMP-HCM. Sản phẩm này do doanh nghiệp tư nhân sản xuất hóa mỹ phẩm GAMMA chịu trách nhiệm đưa ra thị trường, với địa chỉ văn phòng và nhà máy tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân dẫn đến quyết định thu hồi là do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, có chứa thành phần 2-phenoxyethanol không được kê khai trong công thức sản phẩm. Bên cạnh đó, thông tin về tên và địa chỉ của tổ chức chịu trách nhiệm cũng không chính xác.

Trước vấn đề trên, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Cerina (nhãn hàng GAM MA) - hộp 1 tuýp 50g nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm. Đồng thời, tiến hành thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát, xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.


Sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Đây chỉ là một trong rất nhiều mỹ phẩm kém chất lượng đã được cơ quan chức năng phát hiện và đưa ra cảnh báo trong thời gian qua. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, chỉ tính từ đầu tháng 8 đến nay, Cổng Thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược đã đưa ra 11 công văn về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Sự “phát triển” của các sản phẩm kém chất lượng không chỉ làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn đẩy các doanh nghiệp sản xuất có tâm vào tình thế khó khăn, bị động. Các thương hiệu uy tín trong nước, nỗ lực xây dựng hình ảnh và chất lượng sản phẩm, lại thường gặp khó khăn trong cạnh tranh với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém nhưng lại quảng cáo thổi phồng công dụng.

Thời gian qua, Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều ca bệnh bị biến chứng vì sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mỹ phẩm mua trên mạng mà chưa có sự kiểm chứng về nguồn gốc sản phẩm. Theo Bác sỹ Phan Ngọc Huy - Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh, những biến chứng thường gặp của các bệnh nhân sau khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc thường bị viêm da tiếp xúc dị ứng với biểu hiện bong tróc vảy, đỏ da, ngứa. Trong trường hợp nặng, làn da có thể bị viêm tiết dịch dễ dẫn đến nhiễm trùng và tạo sẹo xấu…

Để giải quyết tình trạng này, cần có sự chung tay của cả cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trước hết, các cơ quan quản lý cần siết chặt kiểm tra và xử lý nghiêm các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Điều này không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất có tâm.

Bên cạnh đó, nhằm hướng đến một thị trường mỹ phẩm phát triển bền vững và an toàn cho người tiêu dùng, chính người tiêu dùng cần tự trau dồi về kiến thức về các sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp trước khi sử dụng; lựa chọn và sử dụng các sản phẩm của những cơ sở uy tín. Chỉ khi mọi người cùng nhận thức rõ ràng và hành động đúng đắn thì vấn nạn mỹ phẩm giả, kém chất lượng mới được giải quyết triệt để.

Theo Công Thương