Cây Táo Nở Hoa hiện phát sóng đến tập 22. Bộ phim của đạo diễn Thạch Thảo được đánh giá là điểm sáng của phim truyền hình miền Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nữ đạo diễn Thạch Thảo về quá trình làm phim.

"Biên kịch Việt đang thiếu"

- Sau "Gạo Nếp Gạo Tẻ", chị tiếp tục làm "Cây Táo Nở Hoa" - đều là kịch bản được Việt hóa và cùng tạo dấu ấn với khán giả. Phải chăng kịch bản chuyển thể dễ tạo nên một bộ phim hay?

Kịch bản là cốt lõi của một bộ phim. Kịch bản tốt, bộ phim mới có cơ hội tiếp cận khán giả. Kịch bản tốt quyết định 50% đến 60% cơ hội để có phim hấp dẫn.

Ba năm qua, tôi tìm kiếm kịch bản trong nước, đọc 6, 7 kịch bản nhưng không tìm được sự rung động. Đến khi xem phim What's Wrong? Poongsang!, tôi thấy đề tài và cách khai thác nhân vật rất thú vị nên thuyết phục nhà sản xuất mua kịch bản.

Khi làm phim từ một kịch bản Hàn Quốc, tôi và đội ngũ biên kịch cũng học được cách viết của họ. Không phải tôi cổ xúy cho việc mua kịch bản Hàn Quốc nhưng ở thời điểm này, đây là cách để có một bộ phim an toàn.

‘Mất 9 tháng tìm, tốn 150 triệu đồng cho tiệm sửa xe ở Cây Táo Nở Hoa’-1
Đạo diễn Võ Thạch Thảo đánh giá biên kịch Việt Nam đang thiếu.

- Khi "rã" kịch bản gốc, chị cùng team biên kịch đã học hỏi được những gì?

Biên kịch của Hàn Quốc có thể họ chọn đề tài không mới nhưng cách khai thác sâu và có những phá cách nhất định. Ở bộ phim này, tác giả đã chuyển đổi vị trí trung tâm từ bố mẹ sang người anh. Cách đặt vấn đề như thế có sự thú vị.

Ngoài ra bộ nhân vật của họ có cá tính rất chắn chắn, tạo nên sự đáng tin, có sức sống riêng. Nhờ vật nhân vật tốt nên thoại trở nên tự nhiên, gần gũi, không bị gượng ép.

Một số kịch bản của Việt Nam tôi từng được đọc cũng có ý tưởng tốt nhưng lại chưa biết cách triển khai, cấu trúc kịch bản không vững nên dễ mất kiểm soát nội dung (nhất là ở giai đoạn sau của kịch bản).

Ngoài ra cách tạo nhân vật không sâu, thiếu cá tính và dễ bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của người viết nên thoại không gần gũi, dễ bị “một màu”.

Nhưng không thể phủ nhận làm phim ở Hàn Quốc có những ưu thế hơn so với Việt Nam. Đó là biên kịch Hàn Quốc được cọ xát với khán giả.

Họ chỉ quay trước một số tập, xem phản ứng của khán giả thế nào để chọn cách phát triển phù hợp, thú vị hơn. Ở đây có cảm giác khán giả được cùng “sáng tạo” với người làm phim.

Nhưng ở Việt Nam không có phim trường, không có cơ hội vừa làm vừa lắng nghe ý kiến khán giả. Lắng nghe ý kiến khán giả giúp người làm phim đi đúng hướng hơn.

- Biên kịch của Việt Nam không chỉ thiếu mà còn yếu?

Tôi thấy một thực tế thế là không thiếu kịch bản chỉ thiếu kịch bản hay. Trong suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã cố gắng tìm những kịch bản Việt Nam tốt để đưa vào sản xuất nhưng rất ít kịch bản đạt được chất lượng và tạo sự đột phá.

Rõ ràng, ở giai đoạn này biên kịch ở Việt Nam đang thiếu và có hạn chế về mặt kỹ năng (đặt biệt là lớp biên kịch trẻ). Tôi nghĩ khi vốn sống, kỹ năng không đủ, thói quen viết lách không nhiều, người biên kịch khó tạo nên phản xạ tốt.

- Từng viết kịch bản, chị thử lý giải vì sao phim ảnh Việt lại thiếu biên kịch như thế?

Không thể hoàn toàn trách biên kịch khi kinh phí dành cho họ không cao. Cát-xê trung bình một tập phim hiện biên kịch nhận 8 triệu đồng. Mỗi phim thường có 2-3 người viết.

Trước khi bắt tay viết, họ phải dành thời gian nghiên cứu, vài tháng đến vài năm. Thu nhập như thế khiến họ khó dồn hết tâm sức cho mỗi kịch bản.

Trong khi đó, ở Hàn Quốc, biên kịch nhận hàng chục có khi cả trăm nghìn USD/ tập phim. Mức chênh lệch sáng tạo là quá lớn.

Câu hỏi đặt ra tại sao nhà sản xuất Việt không thể bỏ nhiều tiền đầu tư làm phim? Bởi nếu họ bỏ nhiều tiền thì không biết lấy lại vốn bằng cách nào. Giống như phim điện ảnh, số tiền đầu tư cho mỗi phim ít nhất phải một triệu USD. Và bài toán lấy lại vốn với nhà đầu tư như một canh bạc.

200 bối cảnh

- Gia tăng một số tuyến nhân vật, kéo dài thời lượng phim gần gấp đôi kịch bản gốc có phải là một cách giúp nhà sản xuất thu hồi vốn nhờ quảng cáo?

Việc gia tăng đó hoàn toàn nằm ở quyết định của team biên kịch. Trong quá trình làm kịch bản, team cảm thấy nhân vật thú vị, có nội tâm, sẽ gia tăng.

Chúng tôi cũng muốn có một số thay đổi so với bản gốc, để tạo sự mới mẻ hơn, khó đoán với khán giả.

- Cụ thể "Cây Táo Nở Hoa" được đầu tư như thế nào?

Tổng kinh phí đầu tư cho phim có lẽ cao gấp đôi mặt bằng chung ở thị trường phim truyền hình miền Nam. Trong phim có 200 bối cảnh nội và ngoại.

Với những trường đoạn khó, đòi hỏi diễn viên tập trung thể hiện cảm xúc tôi mong muốn được quay trong phim trường. Đa số cảnh tâm lý diễn ra trong ngôi nhà Hạnh và Ngọc nên chúng tôi đã dựng luôn ngôi nhà ở phim trường. Để có ngôi nhà nhà dễ thương đó, team thiết kế đã phải làm việc trong suốt một tháng.

Riêng bối cảnh ngoại, trong đó tiệm sửa xe khiến chúng tôi mất nhiều công sức. Ban đầu, tôi chọn được một tiệm sửa xe có bối cảnh ưng ý. Tuy nhiên, ở đây rất ồn ào, không đảm bảo cho việc thu tiếng trực tiếp.

Vì vậy, team thiết kế phải đi tìm một tiệm sửa xe khác. Và team đã tìm kiếm ròng rã trong 9 tháng.

Yêu cầu của bối cảnh là tiệm sửa xe ở một khu lao động, đảm bảo không bị tiếng ồn, ít xe qua lại. Sở dĩ phải mất nhiều thời gian như vậy vì tiệm được mặt này thì mất mặt khác. Có tiệm rất phù hợp nhưng gia đình không đồng ý. Thời gian quay 20 ngày, họ sợ đảo lộn công việc, cuộc sống.

Cuối cùng, team thiết kế tìm được một tiệm ở quận Tân Phú. Ban đầu, tôi cũng không đồng ý quay vì quá ồn. Nhà sản xuất đã đưa ra giải pháp nhờ dân phòng, bảo vệ, chốt chặn hai đầu, giảm lượng xe để hạn chế tiếng ồn.

Và để có tiệm ngôi nhà cũ và tiệm sửa xe như vậy, nhà sản xuất phải đầu tư 150 triệu đồng.

‘Mất 9 tháng tìm, tốn 150 triệu đồng cho tiệm sửa xe ở Cây Táo Nở Hoa’-2
Nữ đạo diễn tiết lộ về qua trình đầu tư cho Cây Táo Nở Hoa.

- Những cảnh tình cảm, cao trào giữa Ngọc và Hạnh luôn chạm đến cảm xúc người xem. Hậu trường những cảnh đó có gì đáng nhớ với chị?

Một phim tốt tổng hợp của nhiều yếu tố kịch bản, diễn viên, nhạc phim hay, nhà sản xuất có tâm… nhưng phim dở là do lỗi của đạo diễn. Tôi may mắn gặp dàn diễn viên giỏi và tâm huyết với công việc.

Có lẽ rất lâu trong cuộc đời tôi mới gặp được dàn diễn viên như vậy. Bây giờ, nhắc lại tôi vẫn xúc động.

Anh Thái Hòa lạ lắm. Anh sống phóng khoáng, chân thành, có sự cộc cằn nhưng hết mình vì vai diễn. Hình ảnh anh làm việc luôn thúc đẩy cả ê-kíp diễn viên cố gắng.

Chị Hồng Ánh là người có năng lượng tích cực tràn đầy. Bên ngoài, chị cá tính, nghiêm khắc nhưng bên trong tình cảm. Chị quan sát, xây dựng tình yêu thương với người chồng sâu sắc. Nên mỗi cảnh quay, cảm giác giữa họ có tình vợ chồng rất lớn.

Anh Thái Hòa và chị Ánh là bậc thầy về diễn xuất, nghiêm túc với công việc. Tôi không ngạc nhiên khi họ đạt được thành công, chạm đến cảm xúc của khán giả.

- Khán giả khóc nhiều về cặp Ngọc - Hạnh, còn chị?

Trên phim trường, ít khi tôi bị xúc động vì nghĩ bản thân cần giữ sự bình tĩnh để làm việc. Nhưng có cảnh anh chị ngồi nói chuyện với nhau rất đơn giản, nhưng hai người nói tới đâu, tôi khóc tới đó.

Họ nói những lời dằn vặt, yêu thương, quan tâm, ẩn chứa tình yêu cả cuộc đời dành cho nhau nên cảm thấy đau đớn lắm.

‘Mất 9 tháng tìm, tốn 150 triệu đồng cho tiệm sửa xe ở Cây Táo Nở Hoa’-3
Thạch Thảo cho rằng nội lực của Thái Hòa và Hồng Ánh còn rất mạnh.

- Nhiều ý kiến cho rằng với nội lực diễn xuất của Thái Hòa, Hồng Ánh, dàn diễn viên trẻ còn khá xa mới đuổi kịp. Chị nói gì về điều này?

Anh Thái Hòa và chị Hồng Ánh nằm trong top đầu về diễn xuất rồi. Tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác với họ trong tương lai. Tôi biết nội lực của họ còn dồi dào lắm. Chỉ cần anh chị có vai tốt, hiểu thật sự tâm lý của nhân vật, họ còn diễn hay hơn nữa.

Còn Trương Thế Vinh đã có một vai diễn hay, lột xác hoàn toàn với trước đây. Song Luân rất cố gắng vì bạn ấy biết mình chưa giỏi. Nhiều khi diễn không được, bạn ấy về nhà dằn vặt, không ngủ được. Thúy Ngân và Nhã Phương cũng rất cầu thị, nỗ lực cho vai diễn của mình.

Với tôi, một người diễn viên tài năng là một người vừa phải có cảm xúc vừa phải có kỹ thuật diễn tốt. Điều này đặc biệt quan trọng trong phim truyền hình.

Vì đó là bộ phim dài, thời gian quay dàn trải nên người diễn viên cần phải điều tiết hai yếu tố đó, cộng thêm sự trải nghiệm, sức bền để đạt được hiệu quả diễn xuất tốt.

Một diễn viên có cảm xúc không thì sẽ khó cân bằng nhịp độ diễn, còn chỉ có kỹ thuật không thì sẽ khô khan, thiếu sức sống. Vậy nên chỉ khi nào họ vận dụng kỹ thuật trở thành kỹ năng của riêng bản thân họ có được thì bạn sẽ trở thành một diễn viên tuyệt vời.

Ví dụ, anh Thái Hòa có kỹ năng diễn mắt rất tốt thì chắc hẳn trước đó anh đã tập và va vấp nhiều. Đến một thời điểm, kỹ thuật đó sẽ hoàn thiện, trở thành kỹ năng của anh. Đây là một điển hình tốt để các bạn diễn viên trẻ học hỏi.

Nhiều diễn viên chỉ làm tốt ở những lần đầu quay. Làm lại nhiều họ bị mất cảm xúc. Anh Thái Hòa ngược lại. Lần đầu diễn, anh bung cảm xúc. Đến lần thứ hai, anh sẽ hoàn thiện tất cả lỗi ở lần đầu. Đến lần thư ba, anh cân lại với cả bạn diễn để tạo nên sự nhịp nhàng.

"Mang giới tính vào công việc sẽ khiến mình bị nhỏ bé"

- Làm việc với dàn diễn viên nổi tiếng và "lái" được họ diễn theo ý mình, chị hẳn rất “rắn”?

Tới phim trường, tôi có vóc dáng nhỏ nhất đoàn. Có lẽ trước một cô gái nhỏ bé người ta cũng có xu hướng bảo vệ, tránh làm tổn thương. Ngoài ra, tôi cũng thừa nhận mình khá lì. Có lúc tôi lì đúng, có lúc sai.

Nhưng rắn, lì không có nghĩa áp đặt mọi người theo ý mình bất chấp. Tôi không có xu hướng tạo xung đột. Tôi muốn kết thúc xung đột bởi làm phim vốn rất cực và căng thẳng rồi. Muốn làm được việc, tôi nghĩ mình phải biết mềm mỏng, lên xuống đúng lúc.

‘Mất 9 tháng tìm, tốn 150 triệu đồng cho tiệm sửa xe ở Cây Táo Nở Hoa’-4
Thạch Thảo cho hay không nên phân biệt giới tính trong công việc đạo diễn.

- Tình huống mâu thuẫn với diễn viên, chị xử lý thế nào ngay lúc đó?

- Có lần tôi và anh Thái Hòa bị mâu thuẫn. Tôi không biết góp ý thế nào với anh. Tôi cảm thấy ngại ngùng vì anh là người lớn. Anh còn luôn đặt câu hỏi: "Em muốn gì? Cảnh này anh Ngọc muốn gì? Em phải tìm ra câu trả lời anh mới làm được". Mỗi lần anh đặt câu hỏi, tôi hồi hộp, đôi khi không diễn tả đúng, đủ để thuyết phục được anh.

Vì khi không thỏa mãn câu hỏi, anh mới cộc tính. Sau này, tôi hiểu tính anh, thẳng thắn nói điều mình muốn.

- Để theo đuổi công việc, nhiều nữ đạo diễn thừa nhận họ phải đánh đổi tình cảm, gia đình, còn chị?

Tôi may mắn có người bạn trai ở bên cạnh, đủ hiểu và chia sẻ công việc với mình. Anh ấy làm cùng nghề, hiểu tôi say mê công việc này.

Anh biết tôi mệt mỏi trên phim trường nên thường chuẩn bị đồ ăn dinh dưỡng. Mỗi ngày, anh đều tranh thủ đưa đón tôi đi làm. Đôi khi anh cũng chịu đựng những cáu gắt, lạnh lùng do tôi bị áp lực công việc. Nhưng tôi nghĩ mình cần lập lại cân bằng và công bằng trong mọi chuyện.

- Nữ quyền, sự công bằng trong nghề làm phim là điều không ít nữ đạo diễn từng lên tiếng. Chị nghĩ gì về vấn đề này ở Việt Nam?

Tôi nghĩ không nên có sự phân biệt giới tính giữa đàn ông và phụ nữ trên phim trường đâu. Điều duy nhất có ý nghĩa là bạn mang chức danh gì. Tôi không mang giới tính vào công việc bởi nó sẽ khiến mình bị nhỏ bé.

Tại sao gọi Võ Thạch Thảo không phải đạo diễn mà phải là nữ đạo diễn. Bạn không cần người khác thương bạn chỉ vì bạn là phụ nữ, mà bạn cần sự công bằng khi làm việc. Tôi nghĩ mình hãy làm đúng công việc của đạo diễn. Và nếu mình sai thì phải chịu trách nhiệm.

Về sức khỏe thì phụ nữ có hạn chế hơn đàn ông. Nghề làm phim đòi hỏi có sức khỏe kinh khủng. Nên đôi khi, tôi không biết mình làm được bao nhiêu phim nữa.

Nhiều người khen tôi là đạo diễn giỏi nhưng tôi không thấy như vậy. Tôi tự nhận mình là đạo diễn lỳ lợm và tâm huyết thôi. Tôi mới làm được bộ phim kể câu chuyện tròn trịa theo kịch bản nhưng vẫn thiếu sự bứt phá.

Tôi vẫn khát khao làm bộ phim của người Việt, được kể một câu chuyện với phong cách kể thú vị hơn. Tôi phải biết mình làm được gì và đang ở đâu mới có cơ hội thay đổi.

Theo Zing