'Mắt biếc': Tấm áo đẹp cho chuyện tình bi thương bậc nhất của Nguyễn Nhật Ánh

Phiên bản điện ảnh của "Mắt biếc" đã thỏa lòng người hâm mộ Nguyễn Nhật Ánh khi thổi hồn vào những câu chữ day dứt của chàng giáo Ngạn và mối tình đơn phương đẫm nước mắt.

Những tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh từ lâu đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả, ngay cả trong từng trang sách học cho đến những bộ phim lý thú. Từ loạt Kính vạn hoa, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) cho đến Cô gái đến từ hôm qua (2017) đều được đón nhận nồng nhiệt.

Riêng Victor Vũ từng rất thành công với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh nhờ bối cảnh đẹp như tranh vẽ và anh đã phát huy hoàn hảo thế mạnh đó với Mắt biếc.


Trailer phim "Mắt biếc"

Giống với nguyên tác, Mắt biếc xoay quanh Ngạn (Trần Nghĩa) – một chàng trai hiền lành đến từ vùng quê nghèo Đo Đo. Anh yêu cô bạn thân từ thuở bé có đôi “mắt biếc” Hà Lan (Trúc Anh) nhưng không dám ngỏ lời. Sau, cả hai lên thành phố để tiếp tục việc học. Hà Lan liền bị chốn phố thị phồn hoa cám dỗ và rơi vào vòng tay của Dũng (Trần Phong) – một thanh niên nhà giàu, chơi bời lêu lỏng.

Khi biết tin người yêu có thai, gã liền bỏ rơi Hà Lan để chạy theo một cô gái khác. Cô đành bỏ ngang việc học rồi sinh ra Trà Long. Tuy nhiên, “mắt biếc” cũng chẳng về lại Đo Đo mà gửi con gái cho mẹ nuôi dùm.

Vì yêu Hà Lan, Ngạn về lại quê cũ làm giáo viên và hết lòng chăm sóc Trà Long. Bi kịch xảy ra khi cô bé lớn lên và nảy sinh tình cảm với Ngạn còn anh thì mãi chẳng quên được hình bóng Hà Lan.

Mắt biếc: Tấm áo đẹp cho chuyện tình bi thương bậc nhất của Nguyễn Nhật Ánh-1

Câu chuyện tình nhiều day dứt

Mắt biếc có lẽ là một trong những tác phẩm nổi tiếng và khác biệt nhất của Nguyễn Nhật Ánh khi chỉ toàn là bi kịch. Tình yêu của Ngạn, sự ham mê phù phiếm của Hà Lan đã khiến cho cả hai và cô con gái Trà Long phải đau khổ suốt nhiều năm trời. Tác phẩm của Victor Vũ đã rất trung thành với tiểu thuyết khi truyền tải đầy đủ những cảm xúc tiếc nuối, hụt hẫng, tan nát ấy.

Mắt biếc: Tấm áo đẹp cho chuyện tình bi thương bậc nhất của Nguyễn Nhật Ánh-2

Bộ phim có tiết tấu khá chậm, đặc tả cảnh, chú trọng diễn xuất, lời thoại và theo chân dàn nhân vật quen thuộc như Ngạn, Hà Lan và Trà Long từ khi còn bé đến lúc trưởng thành. Đan xen trong đó là một vài phân cảnh hồi tưởng ngắn để người xem thấu hiểu được tình cảm của chàng thầy giáo si tình. Anh vẫn là nhân vật chính nhưng tác phẩm đã không còn là những lời tâm sự của Ngạn nữa.

Dưới ngôn ngữ điện ảnh, phim trở nên đa chiều và thuyết phục hơn. Tuy nhiên, đây không phải sự thay đổi duy nhất Victor Vũ mang đến cho Mắt biếc.

Anh khéo léo thêm vào Hồng (Thảo Tâm) – cô bạn học theo đuổi Ngạn từ những ngày đầu. Cô nàng không chỉ là điểm nhấn giúp phim bớt sự sầu thảm nhờ những câu thoại hay mà còn cho thấy được tình yêu của “anh giáo” chung thủy ra sao dù chỉ từ một phía.

Mắt biếc: Tấm áo đẹp cho chuyện tình bi thương bậc nhất của Nguyễn Nhật Ánh-3

Kết phim cũng được chỉnh sửa thêm để có thể gây ấn tượng mạnh hơn về mặt cảm xúc. Ngoài ra, ca khúc Có chàng trai viết lên cây của Phan Mạnh Quỳnh càng làm cho sự tiếc nuối thêm phần chua xót. Phần giai điệu da diết và câu từ bi ai được lồng ghép khéo léo để lấy nước mắt ở những phân đoạn then chốt. 

Một điểm cộng khác của Mắt biếc chính là bối cảnh đẹp miên man từ Huế cho tới làng quê nghèo Đo Đo hay rừng hoa sim tím ngát. Ê kíp phim đã khá tinh ý chọn được những bộ trang phục, phương tiện cổ, phục dựng từng con phố hay chiếc áo sơ mi cũ nát một cách chuẩn sát. Nhiều ca khúc quen thuộc của thập niên 1970 cũng xuất hiện.

Tuy nhiên, yếu tố này vẫn còn nhiều hạt sạn như việc ở Huế nhưng các nhân vật lại không có bất kì ai nói tiếng Trung. Ngạn có vẻ khá... giàu khi sở hữu chiếc xe máy ở thời điểm xe đạp đã đáng giá cả một gia tài. Ngoài Có chàng trai viết lên cây, các bài hát mới còn lại đều không thực sự ấn tượng.

Mắt biếc: Tấm áo đẹp cho chuyện tình bi thương bậc nhất của Nguyễn Nhật Ánh-4

Tất cả đều tròn vai, trừ Trúc Anh

Xuất hiện trong Ngốc ơi tuổi 17 chỉ mới ít ngày trước, Trúc Anh khiến khán giả lo lắng về mặt diễn xuất trước một tác phẩm nặng kí như Mắt biếc. Và cuối cùng thì cô không làm mọi người thất vọng khi... đóng dở thật. Nữ diễn viên sinh năm 98 dễ dàng thể hiện hình ảnh nàng Hà Lan hiền lành, dễ thương ở làng Đo Đo nhưng lại khó ra dáng một cô nàng phố thị. 

Mắt biếc: Tấm áo đẹp cho chuyện tình bi thương bậc nhất của Nguyễn Nhật Ánh-5

Điểm yếu này ngày càng bộc lộ rõ nét khi nhân vật bị phụ tình rồi sinh con một mình trong đau đớn, tủi nhục. Trúc Anh càng không ra dáng một phụ nữ trưởng thành khi xuất hiện cùng với Trà Long, dù Khánh Vân đã cố tỏ ra nhí nhảnh, con nít. Phần đài từ của cô cũng là thiếu sót lớn.

Trong khi đó, Trần Nghĩa lại xuất sắc trong hình ảnh “trai tốt” Ngạn luôn nhận hết đau khổ về mình và đứng nhìn người yêu từ phía xa. Anh cho thấy rõ sự trưởng thành của nhân vật, từ chàng sinh viên luôn tìm cách lo cho người mình yêu cho tới một thầy giáo đỉnh đạc, chu đáo.

Mắt biếc: Tấm áo đẹp cho chuyện tình bi thương bậc nhất của Nguyễn Nhật Ánh-6

Trà Long là điểm nhấn khá ấn tượng của Mắt biếc khi có tính cách khác với nguyên tác. Cô bé có sự rạng rỡ, hồn nhiên và mang đến làn gió mới cho tác phẩm cũng như cuộc đời của Ngạn. Khánh Vân đã có một vai diễn đầu tay tốt với nhiều biểu cảm đáng yêu và đủ cung bậc cảm xúc.

Mắt biếc: Tấm áo đẹp cho chuyện tình bi thương bậc nhất của Nguyễn Nhật Ánh-7

Nhìn chung, Mắt biếc của Victor Vũ đã khoác lên tác phẩm nối tiếng của Nguyễn Nhật Ánh một chiếc áo mới vừa quen vừa lạ nhưng vẫn đầy đủ cảm xúc.

Phim hiện đang công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

An
Theo Vietnamnet

 


Mắt biếc

Tin tức mới nhất