"Cô có chỗ nào order giá tốt không? Chỉ tôi với".
"Hãng nào đang sale mạnh ấy nhỉ? Để tôi còn vào xem đặt mấy món đồ".
...
Đó là cách Hà Trang (24 tuổi, Thanh Xuân) và các đồng nghiệp trao đổi với nhau về việc mua sắm quần áo. Hai năm trở lại đây, họ cho biết bản thân không còn hứng thú đi mua đồ sale vào dịp Black Friday. Thay vào đó, họ chọn order hàng từ các hãng nước ngoài thông qua trung gian.
Không chỉ riêng Trang, nhiều người trẻ cho biết họ hiện chủ yếu đặt quần áo từ nước ngoài, mất niềm tin với các biển sale 50-70%, mua 1 tặng 1...
Những biển sale "làm cảnh"
Dọc các tuyến phố thời trang ở Hà Nội như Bà Triệu, Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, các biển sale tông đỏ - đen nhân dịp Black Fiday được dán kín trên cửa các hãng thời trang. Tuy nhiên, lượng khách hàng vào mua nhỏ giọt, không còn cảnh dựng xe tràn ra đường, chen lấn nhau để sắm đồ giảm giá như 2 năm trước.
Lúc 20h, lượng khách ở các cửa hàng thời trang vẫn thưa thớt.
Bên trong cửa hàng, quần áo được phân chia khu rõ ràng theo các mức độ giảm giá khác nhau. Đa số các cửa hàng đều sử dụng chung công thức là sale mạnh đối với sản phẩm trái mùa, qua xu hướng hoặc không còn size nhỏ. Chẳng hạn, những chiếc áo khoác dạ, vải tweed đang được phái đẹp Hà Nội ưa chuộng do thời tiết se lạnh hầu như không được giảm giá. Hay 10% là mức sale cao nhất cho những sản phẩm mới ra mắt, bắt kịp xu hướng.
Tại cửa hàng mới khai trương của một thương hiệu Nhật Bản, nhân viên còn đọc qua loa, thông báo các chương trình hấp dẫn dịp Black Friday để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, cái "hấp dẫn" của họ là những mẫu áo thun từng có giá 400.000-500.000 đồng giảm còn 149.000-249.000 đồng, được bày trên những kệ riêng. Trong khi đó, những chiếc áo phao - sản phẩm được tìm kiếm nhiều vào mùa đông - lại để nguyên mác cũ.
Với một số thương hiệu thời trang nước ngoài, họ cũng không tránh khỏi tình trạng thưa khách khi nhiều đợt sale liên tiếp diễn ra từ sau dịch tạo nên tâm lý "nhờn" cho các thượng đế. Từ đó, Black Friday dần trở nên lu mờ trong tâm trí họ. Giờ đây, phần lớn người tiêu dùng đi mua đồ vì nhu cầu (cần sắm áo ấm, đồ đi làm...) thay vì đổ xô săn sale.
"Tôi order hàng là chính. Bây giờ, các hãng sale suốt nên tôi không còn thấy ngày Black Friday quan trọng. Tôi không thích ra ngoài mua vì ngại thử đồ. Trên web, hãng có sẵn hình mẫu mặc giúp tôi dễ lựa đồ, không bon chen đông đúc ở store", người mẫu Lê Phương Nam nói.
Lê Phương Nam chủ yếu mua quần áo bằng cách order.
Ái Lê (24 tuổi, TP.HCM) - tín đồ thời trang hay order quần áo từ các hãng nước ngoài - chia sẻ: "Mình ít khi mua đồ sale từ brand Việt. Bởi các hãng thường giảm giá sản phẩm trái mùa hoặc đã qua trend chứ không phải là những thiết kế thuộc bộ sưu tập mới. Nếu có, mức ưu đãi cũng nhỏ giọt".
Dịp Black Friday năm nay, Ái Lê đã order được giày và túi. Cô chấp nhận đợi 1-2 tuần để nhìn thấy sản phẩm mình chọn thay vì đi mua đồ sale ở Việt Nam. Đó cũng là cách cô chọn để thích ứng với đại dịch, tiết kiệm và bớt mua sắm "vô tội vạ". Cô chỉ mua những món thực sự cần thiết và có thể dùng trong nhiều hoàn cảnh, không còn theo trend hay mua sắm tùy hứng như trước.
"Tôi thấy các hãng giảm giá mạnh trong đợt mua sắm này như Charles & Keith, adidas, Nike… Tôi hay tìm các shop chuyên order trên mạng xã hội để đặt hàng. Để tiết kiệm chi phí, bạn nên dò giá ở nhiều nơi có dịch vụ order. Ngoài ra, bạn cũng cần cân nhắc giữa các store nước ngoài để so sánh chi phí vận chuyển sao cho rẻ nhất khi về nước. Như vậy tiết kiệm được tiền ship mà vẫn có món đồ cùng chất lượng", cô cho lời khuyên.
Người bận rộn dịp Black Friday
Trái ngược với khung cảnh vắng vẻ của các cửa hàng, H.M. (Hoàn Kiếm Hà Nội) - người chuyên nhận order hàng thời trang từ Anh, Mỹ - tất bật với lượng tin nhắn đặt hàng trong dịp mua sắm lớn nhất năm.
So với dịp Black Friday năm 2020, cô cho biết đơn hàng năm nay không có sự giảm sút khi nhiều người có xu hướng "giải tỏa". Thói quen mua sắm của họ chỉ thay đổi từ offline sang online. Khách hàng hiện chắt lọc các sản phẩm chất lượng, mặc được lâu bền, hạn chế mua cho vui.
"Những người mua hàng order lâu năm sẽ có xu hướng tiết kiệm hơn. Khách hàng mới biết order sẽ thấy tiết kiệm hơn so với mua ở store Việt Nam. Với các hãng thời trang lớn, số lượng đơn hàng tôi nhận có thể lên tới hàng trăm mỗi ngày. H&M, Zara, adidas, Nike là những hãng được quan tâm nhất. Các hãng này sale quanh năm, không phải riêng Black Friday. Khách mua chủ yếu do nhu cầu, không quan trọng dịp nào", H.M. nói thêm.
Nhiều người trẻ còn cho biết họ không thích mua đồ của hãng có ở Việt Nam vì các thiết kế không đa dạng, ít có sản phẩm đẹp. Hơn nữa, mức giá nhiều sản phẩm cũng cao hơn. Hầu hết trang web của thương hiệu đều có phần đo size nên khách hàng cũng dễ dàng tìm được món đồ vừa vặn.
Do đó, thay vì đến các cửa hàng để săn sale rồi nhận ra mức giá giảm không như mong đợi, các bạn trẻ giờ đây đặt niềm tin nhiều hơn vào những hãng thời trang nước ngoài. Dù thời gian chờ đợi lâu, họ vẫn chuộng hình thức order.
Theo Zing