Sau khi làn sóng Hallyu một thời sôi động giờ đã lắng xuống, thì những năm gần đây, Hàn Quốc lại nổi lên như một "cường quốc sắc đẹp", một thị trường khổng lồ của mỹ phẩm và các sản phẩm skincare (chăm sóc da), tới mức người ta phải dành cho nó một cái tên: K-beauty.
K-beauty: Hiện tượng văn hóa khác thường
Dạo quanh một vòng các mạng xã hội, có thể thấy đủ loại trào lưu làm đẹp, từ những sản phẩm ‘vi diệu' đến những sản phẩm tác dụng trung bình, chỉ được cái bao bì đẹp.
Như phong trào "mặt nạ zombie" từ mùa xuân năm ngoái, loại mặt nạ khi đắp lên mặt sẽ khiến da sần sùi, nhăn nheo, được quảng cáo sẽ giúp làn da "hồi xuân" chỉ sau một lần sử dụng, hay sản phẩm mặt nạ cấp nước hình động vật, rất được ưu chuộng để selfi sống ảo trên Instagram.
Ngoài ra, xu hướng trang điểm để có làn da trong suốt như pha lê do các beauty blogger khởi xướng cũng khiến không ít cô gái điên đảo chạy theo.
Mặt nạ zombie sẽ khiến da nhăn nheo như zombie trong lúc đắp, nhưng hứa hẹn sẽ giúp làn da của bạn hồi xuân ngay lập tức sau khi rửa lại bằng nước sạch.
Mặt nạ hình thú rất có tác dụng... chụp ảnh sống ảo.
Xu hướng trang điểm trong suốt rất thịnh hành tại Hàn Quốc.
Tất cả những sản phẩm và xu hướng làm đẹp do chính những ông lớn ngành mỹ phẩm tạo ra, dù hình thức có khác nhau, thì đều có chung mục đích: Tạo nên hình ảnh về người phụ nữ Hàn Quốc với làn da không tì vết.
Có vẻ như mục đích vô cùng hào nhoáng này đã thành công rực rỡ. Năm 2017, mặt hàng mỹ phẩm đã đem lại cho quốc gia này hơn 13 tỷ USD, lọt vào top 10 thị trường mỹ phẩm trên toàn cầu.
Đặc biệt, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Mintel, doanh thu bán hàng toàn cầu tính riêng cho các sản phẩm skincare tại Hàn Quốc sẽ đạt 7,2 tỷ USD vào năm 2020.
Với những bảng quảng cáo điện tử treo đầy trên phố, trưng ra hình ảnh các ngôi sao nổi tiếng có làn da trên mức hoàn hảo do sử dụng CC cushion hay mặn nạ đất sét, có thể thấy rõ ràng K-beauty sẽ sớm trở thành một hiện tượng văn hóa khác thường.
K-beauty sẽ sớm trở thành một hiện tượng văn hóa khác thường
Ảo vọng sắc đẹp
Một trong những phương pháp làm đẹp được đông đảo các beauty blogger Hàn Quốc ủng hộ là phương pháp 10 lớp, bao gồm rửa mặt, sau đó sử dụng toner, serum, mặt nạ, kem dưỡng ẩm, và nhiều lớp khác nữa.
Tuy nhiên, trong một xã hội nam quyền, thì công việc làm đẹp dường như là bắt buộc chứ không đơn thuần chỉ là một thói quen nữ tính. Tư tưởng này do chính các tập đoàn mỹ phẩm ham lợi nhuận và xã hội trọng nam khinh nữ tạo nên.
Michael Hurt, giáo sư/nhà xã hội học thuộc Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc (Seoul) phát biểu: "Đây là suy nghĩ (mà các quảng cáo mỹ phẩm muốn truyền đạt): Tại sao phụ nữ Hàn Quốc xinh đẹp? Bởi vì các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của Hàn Quốc quá tuyệt vời".
Ông nói thêm rằng, xã hội Hàn yêu cầu một người đàn ông không được quá béo, đầu tóc gọn gàng, ăn mặc chỉnh tề.
Nếu người phụ nữ cũng chỉ cần ăn mặc tề chỉnh, không béo quá, trông tạm ổn thì có lẽ cô sẽ có ít vấn đề phải lo nghĩ hơn. Tuy nhiên, sống tại quốc gia tồn tại cả một đế chế mỹ phẩm như hiện này, thì người phụ nữ bắt buộc phải sở hữu tất cả những sản phẩm được quảng cáo.
Các sản phẩm làm đẹp cũng ngày càng sáng tạo. Từ những chiếc mặt nạ V-line, hứa hẹn sẽ làm thon đôi má phúng phính hay làm gọn xương quai hàm, cho đến các sản phẩm dành cho tóc để che đi những sợi tóc bạc hoặc phần tóc chữ V ở trán.
Video giới thiệu phương pháp tạo mặt V-line không cần phẫu thuật.
Điều này được nhiều học giả gọi là "Ảo vọng sắc đẹp", khi ngoại hình được dùng để đánh giá và phân loại địa vị xã hội. Không chỉ riêng tại Hàn Quốc, nhiều nơi khác trên thế giới cũng vậy. Nếu muốn thành công trong xã hội và công việc, người phụ nữ bắt buộc phải có nhan sắc.
Một người phụ nữ làm công việc cố vấn tài chính đề nghị giấu tên cho biết: "Nếu tôi không trang điểm, các đồng nghiệp sẽ nói những câu như: 'Sao hôm nay trông cô mệt mỏi vậy?'''.
Cô nói thêm: "Khi tôi đi gặp khách hàng, các đồng nghiệp thường nhắc tôi phải trang điểm bởi vì những người đàn ông lớn tuổi sẽ hứng thú nói chuyện với các cô gái có khuôn mặt dễ thương hơn".
Những lời quảng cáo như thôi miên và tư tưởng coi trọng ngoại hình khiến người phụ nữ bị ám ảnh với việc làm đẹp
Gần đây, xu hướng làm đẹp tại Hàn Quốc đã chia thành nhiều trường phái khác nhau, chứ không chỉ tập trung vào làn da trắng bợt tạo cảm giác mong manh yếu đuối như sương khói.
Vì vậy nhiều beauty blogger đã giới thiệu đến các phong cách trang điểm ‘khỏe mạnh' hơn, như tạo ra làn da nâu bóng kết hợp với son môi màu nude. Các công ty mỹ phẩm cũng phải bắt kịp xu hướng với những sản phẩm tạo khối, hay son môi, phấn mắt, màu má cũng phải có nhiều tông màu khác nhau.
Tuy nhiên, dù người phụ nữ có chọn phong cách trang điểm gì, thì mục đích vẫn là cô phải trông thật xinh đẹp trong mắt người đối diện.
Khoảng cách giới, vấn đề muôn thuở ở Hàn Quốc
Năm nay, Hàn Quốc xếp thứ 118 trên 144 quốc gia trong khảo sát về khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế thế giới, thấp hơn một vài quốc gia cùng khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Campuchia và Singapore. Quốc gia châu Á xếp gần sát Hàn Quốc là Nhật Bản tại vị trí 114. Khảo sát này đánh giá theo các tiêu chí bình đẳng trong tiền lương và thời gian nghỉ sinh con.
Tháng trước chính phủ Hàn đã có động thái tích cực nhằm giảm gánh nặng về ngoại hình đối với phụ nữ nước này bằng cách, từ giờ đến năm 2020 mọi quảng cáo liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ tại các ga tàu điện ngầm đều phải bị gỡ bỏ. Quy định này ra đời một phần vì giới truyền thông liên tục đưa tin về hàng nghìn lời phản đối của người dân yêu cầu phải gỡ bỏ những quảng cáo kiểu này.
Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu gỡ bỏ các biển quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ ở các ga tàu điện ngầm.
Giáo sư Hurt nhận định, những người cầm quyền đã nhận ra rằng, việc nhiều người "được" khuyến khích, thậm chí là bắt buộc phải đầu tư vào thân thể mình, và chấp nhận những thứ khác bị hủy hoại, là một vấn đề cần phải giải quyết, nhất là khi cơ thể phụ nữ bị coi trọng hơn tất cả những điều khác.
Đúng với nhận định của ông, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang cố gắng tìm cách loại bỏ yêu cầu phải cung cấp ảnh chân dung cá nhân kèm theo hồ sơ xin việc, mà theo giáo sư Hurt, việc này đáng lẽ phải được làm từ vài chục năm trước. Ông cho rằng, yêu cầu này chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến phụ nữ cảm thấy tự ti và tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ.
Nhưng ông cũng rất lạc quan và tin rằng thời đại phụ nữ bị mất việc chỉ vì không trang điểm sẽ sớm qua đi, và phụ nữ chính là nhân tố chính có thể thay đổi nhận thức của mọi người.
Ông tuyên bố: "Phụ nữ có rất nhiều quyền lực, quyền lực xã hội, quyền lực lựa chọn khi mua sắm, phụ nữ có quyền bỏ phiếu (mua hay không mua những sản phẩm làm đẹp) bằng tiền của chính họ".
Theo Báo Đất Việt