Xuất hiện lần đầu tiên ở quận Akihabara (Tokyo, Nhật Bản) - nơi nổi tiếng với văn hóa anime - vào năm 2001, những quán cà phê hầu gái đã lan rộng khắp đất nước và trở thành một nét độc đáo của thủ đô Nhật Bản.

Tại các quán cà phê này, những nhân viên phục vụ sẽ mặc trang phục và đóng vai hầu gái. Ngoài các loại đồ ăn, thức uống, quán còn có nhiều dịch vụ đặc biệt, từ đút ăn tới ngoáy tai cho khách.

Được đúc kết từ lịch sử lâu đời của geisha và maiko, các nhân viên ở đây cũng giúp khách hàng giải trí bằng cách trò chuyện, chơi trò chơi, ca hát và nhảy múa.

Mặt trái của những quán cà phê hầu gái ở Nhật Bản-1
Các quán cà phê hầu gái phổ biến tại quận Akihabara (Tokyo, Nhật Bản). Ảnh: Japan Kuru.

Hình thức kinh doanh này giờ đây còn có thể tìm thấy ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan. Mặc dù số lượng ngày càng tăng, cạnh tranh lớn, những quán cà phê này đưa ra mức giá không hề rẻ. Khách hàng thường phải trả từ 5.000 yen (47 USD) trở lên cho mỗi lần ghé thăm.

Ngoài ra, những quán cà phê hầu gái còn gây ra không ít tranh cãi vì bị cho đã tình dục hóa phụ nữ. Đa phần nhân viên làm việc trong lĩnh vực này đều khá trẻ, có cả những nữ sinh dưới 18 tuổi.

Sàm sỡ, quấy rối

Naomi, người đã làm việc tại quán cá phê hầu gái được khoảng một năm, cho biết ban đầu vì yêu thích anime, cô quyết định gắn bó với công việc này. Nơi Naomi làm việc phục vụ đồ uống cơ bản, các món ăn như cơm trứng tráng và yêu cầu nhân viên phải luôn thân thiện, nhiệt tình với khách.

Thời gian đầu, cô cảm thấy khá vất vả vì vừa tìm hiểu thực đơn vừa phải học thêm nhiều kỹ năng biểu diễn, giải trí. "Tôi từng không thích hát karaoke. Nhưng bây giờ tôi thích hát khi làm việc", Naomi cho biết.

Tuy nói rằng bản thân như "sinh ra để làm công việc này", đôi lúc, Naomi vẫn gặp rắc rối. Một khách hàng từng cưỡng hôn cô và quấy rối những đồng nghiệp khác. May mắn, quản lý đã buộc khách hàng này rời đi ngay sau đó.

Mặt trái của những quán cà phê hầu gái ở Nhật Bản-2
Nhiều nữ nhân viên ở cà phê hầu gái bị khách quấy rối. Ảnh: CNN.

Giống Naomi, Akidearest cho biết gần như không thể tránh khỏi việc bị khách sàm sỡ khi làm công việc này. Mặc dù là một người hâm mộ anime, Akidearest đã có khoảng thời gian tồi tệ khi làm việc tại quán cà phê hầu gái.

"Quán cà phê đó được thiết kế kém và hoàn toàn chật chội. Những 'hoạt động' mà tôi phải thực hiện thật khó xử và không thoải mái cho bản thân lẫn khách hàng. Hơn nữa, giữa khách hàng và nhân viên thường có những trục trặc trong giao tiếp, khiến mọi thứ trở nên khó xử hơn. Nhìn chung, công việc này không dành cho tất cả", cô nói.

So với nữ tiếp viên ở các club, quán bar, nhân viên cà phê hầu gái nhận mức lương thấp hơn rất nhiều. Nhiều người là sinh viên đại học làm việc bán thời gian, được trả lương khoảng 1.100 yen/giờ (10 USD).

Trong khi các câu lạc bộ nữ tiếp viên thường lách luật khi nói đến sự thân mật với khách, thì các quán cà phê hầu gái có quy định nghiêm ngặt hơn.

Các quy tắc được dán khắp quán cà phê. Nhà quản lý cần đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho nhân viên trẻ tuổi của họ. Việc chụp ảnh bị giới hạn và thường phải trả thêm phí ở những nơi này.

Mặt trái của những quán cà phê hầu gái ở Nhật Bản-3
Các quán cà phê hầu gái đưa ra nhiều quy tắc để bảo vệ nhân viên. Ảnh: Pinterest.

Chính vì điều này, đa phần khách hàng tìm tới cà phê hầu gái có thể không tìm kiếm sự khêu gợi ở mức độ quá mức.

Theo nhà tâm lý học Ryuen Hiramatsu, nhiều khả năng khách hàng đang tìm kiếm một mối liên hệ thuần túy với những nhân viên phục vụ họ.

Trái ngược với các câu lạc bộ tiếp viên nhấn mạnh "sự gợi cảm", các quán cà phê hầu gái dựa vào "sự dễ thương" để thu hút khách hàng. Hơn nữa, tương tác của người giúp việc với khách hàng nhấn mạnh sự thân thiện và giảm bớt yếu tố thân mật.

"Trong khi khách hàng có thể bị thu hút bởi nữ tiếp viên thông qua cảm giác chinh phục lãng mạn, họ có thể thích những 'hầu gái' vì cảm giác đồng hành. Do đó, sự kết nối và thân thiện có lẽ là điểm hấp dẫn khiến khách hàng thường xuyên quay trở lại các quán cà phê này", nhà tâm lý giải thích.

Theo Zing