“Con ơi! Con đừng bỏ mẹ”
Một tuần từ khi bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) qua đời và hiến tặng giác mạc để 2 người khác có thể nhìn thấy ánh sáng, mẹ của em – chị Nguyễn Trần Thùy Dương (SN 1985) vẫn chẳng thể nào nguôi ngoai nỗi nhớ con.
Trong căn phòng nhỏ chỉ đủ kê vừa chiếc giường và một ban thờ với di ảnh của Hải An trên đó, chị Dương ngồi lặng người nhìn lên ảnh con, một lát nước mắt chị cứ thế trào ra, chị bảo: “Hải An vẫn ở đâu đây, hình như con đang ngồi trên vai tôi thì phải, tôi thấy một bên vai nặng lắm”.
Chị Dương chưa thể nguôi ngoai nỗi nhớ con, mỗi khi nhớ, chị lại ngắm lại ảnh của Hải An.
Chị kể khi còn sống Hải An chỉ thích mẹ cho ngồi trên vai và thích được nằm trong vòng tay mẹ. “Từ khi ra đi, đến khi các bác sĩ đến lấy giác mạc của con, tôi ngồi ở tại chiếc giường này, ôm cháu nằm trong vòng tay mình và cứ ngỡ như con đang ngủ…”, nói đến đó nước mắt chị Dương lặng lẽ rơi.
Ngày 22/2, có lẽ là ngày không bao giờ nhòa đi trong ký ức người mẹ 33 tuổi này, vì ngày đó ngoài nỗi đau, mất mát…có những lúc người mẹ ấy lại can đảm và bình tĩnh đến lạ thường.
Đó là khi con gái Hải An của chị quá yếu, bác sĩ đề xuất nên đưa cháu về nhà, khi đó cả một khoa ở Bệnh viện K Trung ương ngỡ ngàng trước câu nói của chị: Các bác ơi, cho mẹ Hải An xin ít chỉ!.
Dù ở trên giường bệnh nhưng Hải An vẫn luôn lạc quan.
Lúc đầu các bác sĩ không hiểu chị Dương xin chỉ làm gì. Về sau mới biết, chị xin chỉ về khâu vết mổ nội khí quản trước đó của Hải An, khi cháu qua đời.
"Trước khi mất 1 tháng con tôi phải mở khí quản và thở máy, tôi muốn sau khi con qua đời sẽ khâu lại vết mổ đó nên mới xin chỉ về để khâu. Tôi làm bác sĩ tôi có thể tự khâu được, nhưng hôm lấy giác mạc, tôi đã nhờ bác sĩ khâu giúp", chị Dương nói về lý do xin chỉ.
Trên hành trình trên chiếc xe chở Hải An từ Bệnh viện K Trung ương về Tân Mỹ (Mỹ Đình, Hà Nội) không ít lần người mẹ đã phải hét lên rằng: Con ơi! Đừng bỏ mẹ!”. Hành trình chỉ vỏn vẹn chưa đầy 5km, nhưng với chị Dương nó như kéo dài 5000km vậy, bởi trên chuyến xe “định mệnh” ấy đang chở sự sống mong manh của một thiên thần bé nhỏ đó là con gái chị, cháu Hải An.
Chị Dương tưởng rằng đã mất con ngay trên đường về nhà.
“Trên chuyến xe chỉ có 2 vợ chồng và 1 bác lái, tôi phải trực tiếp bóp bóng cho con. Khi đi đến giữa đường bỗng nhiên vấn đề xảy ra, tim con gái tôi đập chậm dần (trước đó đập rất nhanh), lúc đó tôi lục tung cả chiếc xe lên để tìm ống nghe.
Khi thấy ống nghe, tôi như lặng người vì tim con có dấu hiệu ngừng đập. Vẫn lủng lẳng ống nghe ở cổ, tôi hô chồng bóp bóng còn bản thân mình liên hồi dùng tay ép tim cho con suốt chặng đường còn lại, cho đến khi về nhà”, chị Dương vừa kể lại, vừa nhìn lên phía di ảnh con trên ban thờ.
Làm mọi thứ để con ở với mình giây nào quý giây đó
Khi về đến Tân Mỹ, chuyển con vào chiếc giường đã từng gắn bó nhiều kỷ niệm của 2 mẹ con, chị Dương không còn quan tâm những gì xung quanh nữa. “Khi đó, tôi vẫn tư thế ngồi hồi sức tim cho con, với hy vọng giữ con lại với mình thêm giây phút nào quý giây phút đó, còn phía dưới mọi người vẫn thay nhau bóp bóng cho con…”, chị nghẹn ngào nói.
Tại chiếc giường đầy ắp kỷ niệm của hai mẹ con, chị Dương đã khóc nấc lên vì nhớ con.
Trong vòng có vài phút đồng hồ, đã có lúc vì giành lại sự sống cho con chị Dương đã lả đi trong tích tắc, nhưng khi tỉnh dậy chị lại tiếp tục làm mọi cách để con ở lại bên mình. Khi đó, đã có người khuyên chị hãy buông tay để con đi thanh thản, nhưng chị không làm vậy.
Theo lời kể của chị Dương, trước khi Hải An trút hơi thở cuối cùng, có một khoảng thời gian ngắn, mắt con giãn con giãn đồng tử, nghĩ con đi rồi nên chị ngồi như chết lặng không ấn ngực cho con nữa.
Bỗng nhiên bà ngoại sờ vào cổ tay con vẫn có mạch, lúc đó chị như bừng tỉnh, kiểm tra mạch con rồi như một phản xạ tự nhiên, chị tiếp tục ấn ngực cho con và tim con đập trở lại.
Khi còn sống Hải An là bé gái đáng yêu và quan tâm đến mọi người.
Đúng lúc đó, ông nội Hải An kịp tới nơi, khi ông bước vào Hải An đã mở mắt trước sự bất ngờ của rất nhiều người. Cả nhà khi đó như náo loạn, hô hoán nhau lấy sữa cho An, khi bơm được 1 ít sữa vào cho An, hai ông cháu năm chặt lấy tay nhau, sau thời khắc đó Hải An từ từ ra đi.
Sau khi con ra đi, chị Thùy Dương ôm chặt lấy con trong lòng như muốn ru con ngủ một giấc thật sâu, khi đó chị cố bình tĩnh lại, nén nỗi đau không bật khóc, vì chị nghĩ: “Nếu khóc sợ con buồn và ngủ sẽ không ngon giấc”.
Theo Khám Phá