Mẹ chồng cũ liên tục mách tội, kể xấu cháu gái tuổi teen

Con gái tôi nghẹn ngào và tấm tức nói: “Con không hiểu sao, ông bà không có chuyện gì khác để nói với bất cứ ai đến chơi nhà hay sao, mà lần nào cũng lôi đề tài gắn tên con ra để kể lể, nói xấu con. Cứ làm như con là đứa thừa thãi, khó chịu, ngứa mắt lắm hay sao, mẹ ạ”.

Chị Bùi Thuý Phương ở TP Bắc Ninh tâm sự: Thực sự khi tôi nghe con kể và nhìn gương mặt con bé 13 tuổi thất thần, chán nản khi phải ở với bố và ông bà nội mà xót lòng vô cùng. Dù vậy, tôi cũng chẳng có cách nào khác là động viên con cố gắng lên.

Rằng những câu nói của ông bà nội chỉ là câu chuyện, chứ không hề ghét bỏ gì con cả. Nếu con không không thích nghe thì bỏ đi chỗ khác hoặc vào phòng đọc sách, nghe nhạc. "Bởi ông bà kể mãi rồi cũng chán thôi con".

Mẹ chồng cũ liên tục mách tội, kể xấu cháu gái tuổi teen-1
Mỗi khi con về nhà chơi với mẹ, con hoàn toàn ngoan ngoãn (Ảnh minh hoạ)

Chị Thuý Phương cho biết, vợ chồng chị ly hôn cách đây 4 năm, khi ấy toà án phân chia cho chị mang theo cậu con trai nhỏ 3 tuổi, còn cô con gái lớn ở lại với bố. "Trong thâm tâm, điều mà tôi day dứt tâm can nhất là khi ấy tôi không thể mang theo cả 2 con đi khỏi căn nhà đó. Vì lúc ấy, chồng tôi cũng đấu tranh cố giữ lại cả 2 con để ở với ông bà nội, anh ta không chịu để tôi nuôi cả 2 đứa, thành thử toà án phải xử cho mỗi người nuôi 1 con".

"Thời gian đầu sau ly hôn, cả tôi và cô con gái mới 9 tuổi đều chếnh choáng vì thiếu nhau. Phải mất mấy tháng trời con gái mới thôi hờn dỗi khi mỗi tối lại đòi mẹ ngủ cùng. Mất gần năm trời, con bé mới quen dần với những ngày đêm vắng hơi mẹ" – chị Thuý Phương kể.

Chị Thuý Phương dành thời gian tuần nào cũng ghé về thăm con, khi thì ở nhà chồng cũ, khi thì tranh thủ đến trường con lúc cuối giờ để gặp con. Đồng thời chị cũng mang con nhỏ về chơi với ông bà nội mỗi tuần. Có vài lần con xin được bố thì mẹ đến đón con về nhà mẹ chơi 2 ngày cuối tuần.

Cuộc sống của con ở bố và ông bà nội phải nói là rất tươm tất, khá giả hơn nhiều lần cuộc sống của mẹ và cậu em. Tuy nhiên, càng lớn hơn, con bước vào tuổi dở hơi có phần ương bướng, khó bảo, hay tự ái, tủi thân thì ông bà và bố càng hay cáu gắt, ne nẹt con hơn.

Không ít lần, con gái điện thoại cho mẹ giữa đêm khóc nức nở vì bị bố mắng oan tội không lấy giúp ông bà cốc nước. "Con đang cắm tai nghe, nghe nhạc. Ông ốm yếu, nên bà bảo con lấy cốc nước giúp mà con không nghe thấy, nên không lấy giúp. Chỉ có vậy mà bà về mách bố là con không coi trọng ông bà, không giúp đỡ ông bà, khiến con bị bố mắng chửi rồi đánh roi" – con gái tôi thút thít kể với mẹ, chị Thuý Phương cho biết.

Chị Thuý Phương chia sẻ thêm: Nhà chồng cũ có bác giúp việc đến giúp theo giờ, nên lúc bác giúp việc về là ông bà sai bảo con bé. Con bé tuy có phổng phao, to xác thế, nhưng nếu ông bà nhờ nhẹ nhàng, chắc nó sẽ nghe. Nếu quát nó hoặc nhờ kiểu nặng lời là nó cũng ngồi lỳ đó.

"Khoảng 1 năm trở lại đây, mỗi lần tôi đến thăm con gái, đều nghe ông bà thi nhau kể tội con. Rằng nó lười tắm giặt, giặt đồ bẩn, phơi khô rồi vẫn còn mùi hôi. Phòng ở lộn xộn, bừa bãi đồ chơi, sách vở, tranh vẽ, ông bà nhắc nhiều lần nó vẫn không dọn, đôi lúc nó còn cãi lại: Phòng cháu thì cháu để gì kệ cháu, cháu có bày bừa sang phòng ông bà đâu mà phải nói?

Nó ăn cơm xong, có vài cái bát nó cứ bảo để đó tí nữa cháu rửa, nhưng rồi nó mải chơi lại quên, đến bữa sau gần lúc ăn cơm nó mới rửa thì bát đĩa chưa kịp khô. Nó lười nhác, lớn thế mà ông bà chả nhờ vả được gì, nhiều lúc nhờ nó lấy giúp cốc nước, vắt giúp cốc cam cho ông bà và bố, nó cũng không làm, lại để bác giúp việc làm…" – chị Thuý Phương nhớ lại.

"Lần nào đến thăm con, tôi cũng được nghe giai thoại các tật xấu của con gái đến rát tai. Trò chuyện với con, con tôi vẫn hoàn toàn bình thường, tính cách vẫn bắng nhắng của trẻ mới lớn. Khi về nhà với mẹ, con vẫn làm những việc tôi yêu cầu, thậm chí con vẫn nấu bữa cơm cho mẹ.

Từ những phàn nàn của mẹ chồng cũ, tôi tranh thủ dạy bảo, nhắc nhở và hướng dẫn con thêm cách giặt quần áo cho sạch, vò bằng tay những chỗ bẩn ở quần áo rồi mới cho vào máy giặt…. Khi ăn xong thì việc của con là rửa bát, con cứ rửa bát xong cho khô, cho sạch rồi lên phòng nghỉ ngơi hoặc giải lao xem ti vi, sẽ không ai nói cả".

Theo chị Thuý Phương, chồng cũ của chị hay vắng nhà, nên việc ít gần gũi bên con cũng khiến con thiếu vắng tình cha, tình mẹ. Thiếu sự hướng dẫn, dạy bảo chu đáo cho con gái mới lớn mỗi ngày cũng là một thiếu xót. Hơn nữa, căn nhà chồng cũ hiện chỉ có 2 người già và đứa trẻ thuộc tuổi ương bướng dễ dẫn đến nhiều mâu thuẫn.

Bởi sự nhìn nhận, tư duy của 2 thế hệ quá xa nhau, mà không có người dung hoà. Con bé không ưa ông bà già khó tính, trái tính trái nết và nói nhiều. Còn ông bà lại không thể chấp nhận cháu gái đã to xác thế mà chỉ học hành, nghe nhạc Hàn, chứ không thân thiện với ông bà.

Hàng ngày ông bà già yếu chỉ ở nhà loanh quanh hết gác trên, gác dưới, không đi đâu để có điều kiện giao tiếp, cởi mở, cập nhật thông tin xã hội, nên chỉ biết lôi các tật xấu của cháu gái ra làm đề tài nói chuyện với khách đến chơi nhà cho bớt ấm ức trong lòng.

Cuộc sống đôi khi thiếu đi sự cân bằng, cũng khiến hầu hết những người trong cuộc bí bách, mâu thuẫn gia đình vì thế cứ đẩy lên cao. Khoảng cách của các thành viên trong gia đình vì thế lỏng lẻo, lạnh nhạt với nhau hơn, chứ không đầm ấm như bao gia đình khác.

"Vài lần ông bà, họ hàng, cô bác cũng giục chồng cũ tôi lấy vợ về chăm bố mẹ già. Còn tôi, giờ chỉ là con dâu cũ, chẳng thể giúp gì cho những người trong căn nhà ấy cân bằng lại tinh thần. Tôi chỉ mong được mang con gái về nuôi, khi chồng cũ đi lấy vợ. Vậy cũng là cách để con gái không phải ức chế với cuộc sống sung túc mà thiếu đi sự ấm áp trong gia đình" - chị Thúy Phương bộc bạch.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/me-chong-cu-lien-tuc-mach-toi-ke-xau-con-gai-moi-lon-20200827163524376.htm

mẹ chồng Tình yêu

Tin tức mới nhất