Ngày tôi gặp và yêu anh, tôi biết anh là người đàn ông tốt, chu đáo. Tuy anh từng có một đời vợ, tôi không xem trọng việc đó. Tôi cho rằng, một người đàn ông từng trải, đổ vỡ hôn nhân sẽ là người biết trân trọng hạnh phúc, yêu thương người hiện tại hơn.

Chúng tôi cưới nhau trong sự ngỡ ngàng của bạn bè và gia đình tôi vì anh hơn tôi đến 15 tuổi. Tuy vậy, ngoại hình của anh khá trẻ trung nên trông cũng không chênh lệch nhiều.

Mẹ chồng ép ký giấy này, tôi không còn coi gia đình chồng là người thân-1
Tôi nhận ra mẹ chồng chỉ coi mình là người ngoài (Ảnh minh họa: iStock).

Gặp tôi, bố mẹ anh nói rất nhiều. Ngoài việc ca ngợi con trai mình là người giỏi giang, chu đáo, mẹ anh còn không quên nói về đạo làm dâu, sống chung với nhà chồng giàu có. Mặc dù trong lòng tôi đã mặc định sẵn lấy chồng là phải sống riêng, không chung đụng, tôi vẫn im lặng gật đầu.

Sự ngoan ngoãn của tôi có lẽ đã được lòng người lớn và mẹ anh cho rằng, tôi là người dễ bắt nạt. Tất nhiên, tôi đâu có gì để phải thể hiện. Tôi cũng không thích mới gặp đã có thái độ không tốt, vì dù sao đó cũng là bố mẹ của người tôi yêu.

Qua tiếp xúc lần đó, tôi hiểu mẹ anh không phải người hiền lành, chắc chắn sau này về nhà chồng, tôi còn phải chịu nhiều vất vả.

Sau đám cưới, mẹ chồng kiên quyết "nhà cao cửa rộng, con cái phải sống chung". Tôi không hài lòng nhưng chồng lại không dám quả quyết. Vậy là hai vợ chồng quyết định ở chung với bố mẹ chồng khoảng nửa năm thì tính ra riêng.

Nhưng đúng nửa năm sau, khi tôi định dọn ra ngoài ở lại mang bầu. Tôi chọn sống cùng bố mẹ chồng để tiện lúc sinh nở. Thời gian cứ thế trôi đi, tôi sinh con, mệt nhọc, công việc cũng phải gián đoạn vì con cái quấn.

Lúc này, mẹ chồng nói nếu tôi muốn ra riêng thì mẹ sẽ đưa tiền cho vợ chồng tôi mua một căn nhà lớn. Dù sao căn nhà ấy sau này cũng là của chồng tôi, con tôi nên bà không tiếc tiền. Bà sẵn sàng đầu từ vài tỷ bạc cho cháu.

Ban đầu, tôi chỉ nghĩ được ra riêng là tốt. Con cái sau này sống trong căn nhà khang trang, vợ chồng tôi cũng được tự do. Ngày nhận nhà, tôi vui ra mặt vì căn nhà quá đẹp. Tôi cũng tính toán sắm đồ đạc, nội thất thật hợp với mình. Nghĩ rằng căn nhà này mẹ chồng cho hai đứa, đứng tên vợ chồng tôi nhưng không…

Đến ngày nhận nhà, mẹ chồng bắt tôi ký vào một tờ giấy từ chối tài sản sau hôn nhân. Tôi choáng váng luôn vì không hiểu tại sao mẹ lại làm vậy.

Tôi thắc mắc thì mẹ bảo rằng: "Căn nhà này quá giá trị, vợ chồng các con mới lấy nhau, chưa có nhiều của cải chung. Vì vậy, để căn nhà này là tài sản chung của hai đứa quá không hợp lý.

Sau này, có tài sản chung phải là tiền của cả hai làm ra nên mẹ muốn con ký vào tờ giấy từ chối tài sản sau hôn nhân này. Tức là sau này nhà này chỉ của chồng con và chồng con có quyền chia chác cho ai đó tùy ý".

Nghe đến đây, tôi sốc nặng. Những tưởng mẹ chồng giàu có sẽ hào phóng thế nào, ai ngờ… Thứ tôi nhận về là sự phân biệt, coi thường.

Tôi không quá giỏi giang nhưng cũng là người xinh đẹp, có công ăn việc làm thu nhập tốt, được nhiều người coi trọng. Anh từng có một đời vợ nhưng tôi không hề đong đếm chuyện đó. Vậy mà mẹ chồng lại coi tôi như người ngoài.

Nghĩ đến chuyện đó, tôi chỉ muốn chấm dứt tất cả mối quan hệ, muốn tự lực cánh sinh vươn lên để mẹ chồng không còn khinh thường mình nữa. E là tôi không ký vào tờ giấy đó thì không được ở căn nhà này.

Cuối cùng, tôi cũng đành ngậm đắng nuốt cay ký vào giấy và tự nhủ sẽ kiếm tiền, mua nhà cho mẹ chồng sáng mắt… Cũng kể từ ngày đó, tình cảm của tôi dành cho gia đình chồng không còn như xưa, mãi mãi không thể là người thân thích.

Theo Dân Trí