Bác là phụ nữ, từng làm dâu, cũng đang là mẹ chồng. Bác hiểu rõ vì sao mẹ chồng nàng dâu sống chung thường nhiều va chạm. Là bởi vì ai cũng ích kỉ, ai cũng muốn mình quan trọng hơn trong suy nghĩ của người đàn ông mà cả hai đều yêu quý. Trong khi đáng lẽ vợ yêu chồng, mẹ yêu con thì phải học cách yêu luôn cả người bên cạnh anh ta mới phải.
Đúng là có rất nhiều bà mẹ chồng khó tính, cũng có lắm nàng dâu không vừa. Nhưng, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chẳng phải vẫn có những gia đình sống chung tới mấy thế hệ trong một gia đình êm ấm đó sao? Chẳng phải rất nhiều gia đình mẹ chồng nàng dâu yêu thương, hòa hợp?
Khi sống chung, mỗi người tự biết nghĩ cho đối phương một chút, bớt ích kỉ đi một chút, ắt mọi chuyện sẽ ôn hòa. Dù là mẹ chồng hay nàng dâu, muốn nhận lại thì phải học cách cho đi đã.
Về chuyện mẹ bạn trai phản đối, bạn trai thất vọng khi cháu chưa cưới đã tỏ bày ý định muốn sống riêng, nói cháu sai thì cũng không hẳn, mà đúng cũng không hoàn toàn hợp lý. Về cơ bản, phụ nữ lấy chồng trước hết phải theo chồng đã, sau rồi tùy gia cảnh, điều kiện mới tính đến chuyện riêng chung. Họ buồn và thất vọng vì cháu chưa gì đã có thành kiến trong việc sống chung với nhà chồng, chưa vun đắp đã muốn rời xa vì sợ vào ra đụng chạm.
Thật ra, một cô dâu tốt không có nghĩa là phải sống chung với nhà chồng, phải chăm sóc phục vụ bố mẹ chồng. Nhưng một cô gái chưa làm dâu đã sợ phải chăm lo cho bố mẹ chồng, đã lo ngại phiền hà thì chắc chắn không phải là một cô gái tốt.
Sau này khi cháu già đi, khi cháu sáng tối chỉ có thể quẩn quanh trong nhà, cháu sẽ hiểu vì sao người già họ muốn sống cùng con cháu, vì họ chỉ biết tìm niềm vui ở đó, trong cảnh con cháu sum vầy. Không chỉ là để có người chăm lo, mà còn là để đỡ buồn, đỡ cô đơn, hờn tủi.
Theo Dân Trí