Tôi sống ngần này tuổi đầu chưa thấy người mẹ nào mà vô tâm, hời hợt với các con như mẹ chồng tôi. Bà sẵn sàng để con cháu thiếu thốn chứ bản thân thì nhất định phải đủ đầy và thoải mái nhất.
Từ hồi mới về làm dâu, tôi đã cảm thấy bà như thế, nhưng chưa bao giờ dám nói ra sợ chồng buồn. Này nhé, bình thường các con ở quê về là bố mẹ sẽ vô cùng vui mừng, thịt gà, làm mâm cơm thịnh soạn thết đãi. Nhưng mẹ chồng tôi không nằm trong số đó, bà mặc kệ. Tôi với Hải mua gì, nấu gì, bà ăn cái đó. Còn nếu chúng tôi có việc bận, đi quá giờ cơm bà mặc nhiên cho rằng chúng tôi... không ăn, và không nấu luôn!
Mà giả sử có dặn bà nấu cho nữa thì mâm cơm hôm ấy chúng tôi cũng chẳng ăn nổi vì toàn mắm muối dưa cà. Hải có hỏi sao mẹ không mua 1 ít thịt cá, bà lại hất hàm bảo: "Anh chị đã đưa đồng nào đâu mà đòi hỏi? Không mất tiền có cơm rau ăn là tốt rồi!"
Rồi khi chúng tôi quay trở lại thành phố, mẹ chồng tôi chưa bao giờ gói ghém cho 1 món gì để mang đi. Tới bà hàng xóm còn chạy sang biếu ít lạc, chục trứng hoặc rau của nhà trồng, nhưng mẹ chồng tôi đương nhiên không. Thậm chí, bà còn xin lại chục trứng với lý do: "Các con đi đường xa vỡ mất!".
Thế nên, chúng tôi mà muốn có đồ quê mang lên thành phố là phải gửi tiền cho mẹ chồng trước, nhờ bà đi chợ. Mà đó cũng chưa phải cách hay. Tôi đã 3 lần, mỗi lần đưa bà 1 triệu nhờ mua đồ rau củ, thịt, cá... để mang đi. Phần vì tôi nghĩ bà ở quê, quen biết thì mua sẽ rẻ hơn. Phần nữa bà cũng kinh nghiệm chọn thực phẩm hơn tôi.
Ấy thế mà bà mang về cho tôi chỉ vài con tôm con, ít cua đồng, chuối xanh và vài mớ rau củ thì héo. Cuối cùng, chính Hải còn phải bảo tôi: "Thôi, lần sau em tự xử đi, hoặc nhờ mẹ vợ ấy. Mẹ anh không giỏi chợ búa gì đâu..."
Nhưng mẹ chồng tôi không phải là người kiểu keo kiệt, bủn xỉn. Thực ra, bà chỉ tiếc với vợ chồng tôi thôi, còn bình thường ăn uống rất thoải mái. Mẹ chồng tôi với hội bạn rất hay tụ tập ăn uống, nấu nướng, đồ trên rừng, dưới biển đủ cả. Trên facebook của bà cũng ngập tràn hình ảnh đi ăn, đi chơi.
Biết tôi bực, Hải cũng chỉ động viên: "Thôi, mẹ nuôi nấng khôn lớn rồi thì tự làm tự ăn. Mẹ cũng vất vả cả 1 đời, bà ăn bà tiêu gì cũng là tiền của bà, không xin mình là may. Em đừng để bụng nhé!"
"Nhưng em cũng nói luôn, bà chẳng giúp em 1 việc gì, mai này bà ốm thì đừng có gọi em về chăm nhé!" - tôi lạnh lùng đáp.
Hải vẫn cố gắng thuyết phục tôi rằng như thế không được, đó là bổn phận của con cái... Tôi chẳng buồn cãi, đành cho qua và vẫn thi thoảng về thăm.
Tuy nhiên, phải thêm chuyện gần đây thì tôi mới cảm thấy mẹ chồng thật sự tệ bạc với con cái.
Chuyện là thế này, tôi và Hải cần tiền gấp để mua căn chung cư trên Hà Nội. Việc mua nhà vợ chồng tôi đã lên kế hoạch từ dạo còn yêu, cũng chuẩn bị được vài trăm triệu trong tài khoản rồi. Tuy nhiên, để vay ngân hàng ít nhất có thể thì chúng tôi cần tìm thêm sự hỗ trợ của gia đình, họ hàng hai bên. Chúng tôi có nói rõ với bố mẹ là chỉ vay, sẽ trả bằng lãi bố mẹ gửi ngân hàng.
Bố mẹ tôi không chỉ cho 200 triệu, còn vay hộ 200 triệu nữa. Nhưng mẹ chồng tôi thì không. Hôm chúng tôi về, bà bảo bà cần phải mua bộ bàn ghế mới. Hỏi ra thì bà bảo bộ ấy khoảng 120-140 triệu.
Tôi ngã ngửa, ở quê bộ bàn ghế vài chục triệu là xịn lắm rồi, đằng này mẹ chồng lại... Hải cũng nhẹ nhàng thuyết phục bà rằng chúng tôi cần gấp, chỉ có vài ngày để xoay nên mới xin bà tạm hoãn việc mua bộ bàn ghế đắt đỏ ấy lại. Chỉ cần chờ khoảng 2-3 tháng sau chúng tôi sẽ tìm cách trả đủ. Nhưng sau cùng, mẹ chồng vẫn kiên quyết nói không!
Giận quá, tôi không giữ được bình tĩnh mà nói thẳng chẳng kiêng nể gì: "Vì quá gấp nên con mới phải vay, chứ trước giờ mẹ thấy con xin xỏ, vay mượn mẹ gì chưa? Mẹ không cho vay cũng được, con vay người ngoài. Sau này có chuyện gì đừng gọi vợ chồng con nữa!"
Hải biết tôi giận, khổ sở thuyết phục mẹ, dỗ dành tôi. Cuối cùng tôi đành vay mấy người đồng nghiệp cho đủ, còn mẹ chồng tôi không muốn liên quan nữa. Từ dạo đó tới giờ cũng hơn nửa tháng nhưng tôi không gọi về, mẹ chồng cũng không hỏi. Hải vẫn cố giúp tôi nguôi giận, nhưng mọi người nói xem trong trường hợp này mẹ chồng tôi có quá đáng quá không?
Theo Nhịp Sống Việt