Mẹ chồng tôi là một người cổ hủ, những suy nghĩ cũ mèm đã ăn sâu vào trong tiềm thức của bà. Ấy vậy, mặc dù có đôi lúc mẹ hành xử quá cảm tính, nhưng nhìn chung bà vẫn là một người phụ nữ tần tảo, biết chăm lo cho gia đình. 

Lấy chồng về, tôi hiểu không dễ gì để tạo nên mối quan hệ tốt với mẹ chồng. Kể cả khi cố gắng vun đắp tình cảm thì chưa chắc đã có kết quả tốt, thậm chí nếu không may còn phản tác dụng. Thôi thì "nước sông không phạm nước giếng", tốt nhất nên biết thân biết phận và nhẫn nhịn một chút để tránh xảy ra mâu thuẫn.

Nhưng đời nào có cho đại gia đình bình yên. Tôi cảm thấy số phận này nghiệt ngã khi giáng xuống đầu vợ chồng chúng tôi tai họa nặng nề. Con gái lớn mà tôi mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày mắc phải hội chứng Down bẩm sinh. Cho đến giờ tôi vẫn chẳng thể hiểu vì sao tôi và chồng đều khỏe mạnh bình thường mà con gái lại bị như vậy. 

Ngày bé, con gái tôi đã không giống như những đứa trẻ bình thường khác, từ ngoại hình cho đến năng lực nhận thức. Cũng dễ hiểu thôi, vì hội chứng Down này chỉ làm con tôi to lớn lên chứ trí não không thông minh hơn. Thời gian đầu khi mới biết con mắc bệnh, lòng tôi đau như cắt liên tục ngất lên ngất xuống và chẳng buồn ăn uống gì. Lúc ấy tôi chỉ muốn trốn chạy tất cả. Một phần vì sợ gặp phải những ánh nhìn dò xét bên nhà chồng.

Mẹ chồng tôi là người mong mỏi có cháu trai đích tôn nối dõi. Ấy vậy mà ngay con đầu của tôi đã mắc hội chứng Down dự báo điều chẳng lành. Tôi sợ rằng sẽ bị chê trách là mầm mống reo rắc đứa con xui xẻo. May sao vào những lúc tuyệt vọng nhất, tôi vẫn có chồng bên cạnh động viên và an ủi. Anh còn khẳng định sẽ cùng tôi nuôi đứa con này thật tốt, dù xấu dù dở thế nào cũng vẫn là sinh linh mình dứt ruột đẻ ra.

Mẹ chồng thưởng tiền đầu năm học cho các cháu nhưng chỉ con cả của tôi không được nhận-1

5 năm sau, vợ chồng tôi mới có cơ hội được chào đón một bé trai ra đời. Lần này tạo hóa đã mỉm cười với gia đình. Bé rất khỏe mạnh, bình thường và không mắc những triệu chứng giống như chị gái. Đến năm bé được 1 tuổi hơn cũng là lúc con gái tôi bước vào độ tuổi đi học. Mặc dù bạn bè tôi có bảo cứ cho con đến trường nhưng tôi thực sự không an tâm chút nào vì đến vệ sinh cá nhân con còn khó khăn. Tôi và chồng quyết định sẽ dạy con ở nhà học bằng kiến thức của mình.

Ban đầu, việc cầm bút, kẻ thước, tính toán của con gái cũng có nhiều khó khăn, song vợ chồng tôi không hề bỏ cuộc. Giờ đây, cháu đã thuộc bảng chữ cái, biết đọc kha khá dù chưa nhanh và đặc biệt tính được trong phạm vi 20.

Một hôm, mẹ chồng gọi tất cả mấy anh chị em đến nhà với mục đích làm cơm cúng rằm và nhân tiện phát phần thưởng cho các cháu đầu năm học mới. Nhà chồng tôi có 5 anh chị em, những người em khác cũng đã lập gia đình và có con đi học rồi. Tôi nghĩ mẩm trong bụng, không biết mẹ chồng cho cháu bao nhiêu đây.

Mẹ chồng thưởng tiền đầu năm học cho các cháu nhưng chỉ con cả của tôi không được nhận-2

Ngặt nỗi, mẹ chồng tôi đã làm một việc mà tất cả các con đều không thể tưởng tượng nổi. Bà chuẩn bị sẵn phong bì cho các cháu trừ đứa con gái lớn bị hội chứng Down của tôi! Ngay lập tức, tôi có phản ứng ngay, giọng như lạc cả đi trong nước mắt: "Sao con gái của con không có quà hả mẹ? Dù ít dù nhiều thì bà cứ thưởng động viên cháu nó chứ? Mẹ làm thế nhỡ con của con tủi thân thì sao?"

Mẹ chồng vẫn không hề thay đổi, đáp trả lại phũ phàng hơn "Cô xem cháu nó bây giờ bị bệnh như thế, có đi học được đâu? Cho tiền mua sách vở đồ dùng thì chắc vào hết túi cô chứ cháu tôi thì được gì? Với lại đầu óc bị thiểu năng, dù có dạy dỗ cũng chẳng để làm gì. Dạy nó làm việc nhà thì có ích đấy, phụ giúp bố mẹ sẽ có hiếu hơn nhiều!"

Nghe mẹ nói xong, tôi nín lặng không nói nên lời. Bố chồng tức giận mắng lại bà nhưng mẹ chồng vẫn cố tỏ ra mình đúng. Nói đoạn, ông rút trong ví ra 500 ngàn đồng và đưa cho con gái tôi.

Quả thực tôi tủi thân lắm mọi người ạ. Chẳng ai muốn con mình bị như thế, vậy mà mẹ chồng miệt thị giống như thể nó là thứ bỏ đi vậy! Có lẽ từ giờ tôi sẽ không đưa con đến nhà mẹ chồng thường xuyên nữa, nhỡ có nghe được vài lời tủi thân thì tội lắm... Tôi có nên hành xử như vậy không?

Theo Pháp luật và bạn đọc