Có rất nhiều câu chuyện thực tế giữa đời thường về 1 cặp đôi yêu nhau thắm thiết nhưng đến ngày về chung nhà lại đột nhiên muốn "bỏ quách cho xong". Mâu thuẫn và bất đồng quan điểm thường bắt nguồn từ sự chuẩn bị của 2 nhà trai - gái cho đám cưới và tương lai của đôi lứa.
Minh N. đã chia sẻ câu chuyện mình mới trải qua. Chuyện như sau:
"Tôi suýt nữa thì kết thúc 1 cuộc tình 4 năm chỉ vì gia đình chồng tương lai. Tôi chẳng còn trẻ trung gì nhưng cũng không phải vì thế mà vội vã lấy chồng cho đạt KPI của bố mẹ hay xã hội đề ra.
Cả 2 chúng tôi đều là những thanh niên chăm chỉ và có chí tiến thủ. Khi chúng tôi gom góp được 1 chút để cho tương lai chung của 2 đứa thì bất ngờ mẹ anh nói tặng cho các con 1 căn chung cư làm quà cưới. Thực ra điều đó không có gì làm ngạc nhiên lắm vì kinh tế nhà anh rất khá, chỉ có điều con cái tự lập từ bé, không thích nhờ vả bố mẹ nhiều. Song lần này anh nói tôi cứ nhận cho bố mẹ vui, số tiền của chúng tôi tích góp được thì để làm việc khác.
Ảnh minh họa
Tôi tưởng mình sẽ được đi chọn căn nào phù hợp hay làm nội thất ra sao, ít ra tôi cũng là nữ chủ nhân trong ngôi nhà ấy. Thế nhưng, mẹ anh lại tuyên bố mọi thứ đã xong xuôi hết rồi, sổ hồng sẽ là anh đứng tên. Dù có chút chạnh lòng nhưng tôi nghĩ thôi thì cũng hợp lý, vì họ chưa biết chúng tôi sống với nhau có hòa thuận, hạnh phúc không.
Và 1 ngày, tôi thật sự sốc khi nghe tận tai những lời ấy từ mẹ anh: 'Bố mẹ làm thế là giữ cho con, cái tướng con vợ con thế kia mẹ không tin được, kể cả sau này cưới rồi con cũng phải để vốn riêng cho mình, đừng có làm được bao nhiêu lương về nộp vợ hết'.
Tôi rất khó chịu vì thái độ ỡm ờ của anh. Ngay hôm sau, trong bữa cơm gia đình, nhân tiện mẹ anh nhắc đến chuyện đám cưới tôi cũng nói thẳng, nhà mình chẳng giàu sang gì nhưng không muốn nhận của ai dù chỉ 1 mâm cỗ, tôi sẽ tự lo liệu cho bản thân mình. Còn việc căn hộ kia tôi cũng đưa ra quan điểm: 'Cho con xin được từ chối món quà giá trị của 2 bác. Bố mẹ con cũng có ý hỗ trợ nhưng chúng con muốn được tự phấn đấu. Còn nếu đã xác định là người nhà của nhau mà vẫn tính toán, đề phòng nhau thì con nghĩ không bền được đâu ạ'.
Ảnh minh họa
Sau đó tôi xin phép ra về và nhắn tin nói bạn trai hãy suy nghĩ kĩ quyết định kết hôn này. Tôi 27 tuổi, công việc ổn định, gia đình nề nếp, độc lập tự chủ về kinh tế và chắc chắn không bao giờ muốn sống phụ thuộc ai. Tôi có thể ế đến già chứ không bao giờ bất chấp để bước vào 1 cuộc hôn nhân sai lầm.
Đúng 1 ngày sau, người yêu tôi sang nhà xin lỗi. Tôi nói luôn, đã không tin tưởng và tôn trọng thì đừng kết hôn, tránh sau này hối hận. Kết quả là anh ấy đã thuyết phục được bố mẹ thay đổi thái độ với tôi. Nghe nói họ đã có 1 cuộc tranh luận gay gắt, mẹ chồng cũng để 2 vợ chồng tôi đứng tên căn hộ kia sau khi chúng tôi đăng kí kết hôn. Hôm sang nhà tôi chơi bà còn nói với mẹ tôi là 'của các con hết'. Rõ ràng, khi chúng ta nhận ra giá trị bản thân, chẳng việc gì chúng ta phải hạ mình không đáng".
Câu chuyện của cô gái ấy không hẳn được đồng tình. Chắc hẳn nhiều người sẽ cho rằng cô ấy đang đòi hỏi hơi quá đáng. Vấn đề tài sản trong hôn nhân khá tế nhị, nhất là việc nó liên quan đến nhà chồng, nhà vợ. Cũng không ít trường hợp vì được cho mà mang ơn, mang nợ, hi sinh hết mình, làm gì cũng sợ có lỗi với gia đình chồng.
Có lẽ có 1 câu mà cô ấy nói khá đúng: "Đã không tin tưởng và tôn trọng thì đừng kết hôn". Chúng ta sẽ không bao giờ có được hạnh phúc trọn vẹn khi mang tâm thế của 1 kẻ đánh bạc bước vào hôn nhân, thắng thua chờ may rủi. Và hơn hết, đàn ông cần biết bảo vệ người phụ nữ anh ta yêu và kiên định với lựa chọn ấy.
Theo Pháp luật và bạn đọc