Khi Tết kết thúc, có lẽ tình trạng chung của nhiều gia đình đó là thừa rất nhiều đồ ăn, đổ đi thì tiếc mà ăn nhiều lại ngán. Vì vậy mà các mẹ nội trợ đều nghĩ ra những cách khác nhau để "tái chế" cỗ Tết thành những món lạ miệng hơn.
Nói về các món chế biến thừa từ cỗ Tết thì nhiều, nhưng ngon nhất, hấp dẫn nhất nhất định phải kể đến món bún thang của người Hà Nội. Hiểu được tình trạng chung của nhiều gia đình nên chị Trần Nha Trang (38 tuổi, sống ở Hà Nội) đã chia sẻ cách làm món bún thang được rất nhiều người yêu thích.
Chị Trang và gia đình hiện đang sinh sống ở Hà Nội
Bản thân chị Trang cũng không biết bún thang có từ bao giờ,chị chỉ nghe các cụ kể lại rằng: " Ngày Tết, nhà nào cũng nhiều thực phẩm, ăn không hết nên chế biến mỗi thứ một chút, thậm chí là vụn vặt để tạo ra 1 bát bún thơm ngon nhưng không kém phần tinh tế, đó chính là bún thang."
Để nấu được bát bún thang chuẩn bị Hà Nội thì rất cầu kỳ, do vậy mà mẹ đảm 8x sẽ chia sẻ cách làm bún thang đơn giản, phù hợp với những ai bận rộn. Chỉ cần dùng sẵn các nguyên liệu có trong tủ lạnh là đã có ngay bát bún thang ngon lành rồi.
Nguyên liệu (6 người ăn):
Xương gà hoặc xương ống: 1kg
Gà ta: 1/2 con
Tôm sú: 600gr
Trứng gà: 4 hoặc 5 quả
Giò lụa: 100gr
Củ cải khô: 100gr
Nấm hương: 10 cái
Bún: 1,2kg
Hành khô: 4, 5 củ
Gừng ta: 2 củ
Hành hẹ: 200gr
Bún thang sẽ chuẩn vị hơn khi ăn cùng với rau răm. Nhưng vì 2 bé nhà chị Trang không ăn được rau răm nên mẹ đảm đã thay thế bằng hành hẹ.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
Rửa sạch xương và chần qua nước sôi cho hết mùi hôi.
Nướng hành, gừng sau đó cạo vỏ rửa sạch.
Bước 2: Chế biến nước dùng
Đổ vào nồi 3,5 lít nước, cho tôm khô và xương vào ninh cùng cho ngọt nước.
Khi nước sôi cho gà vào luộc, lúc này cho hành gừng vào cùng cho thơm.
Khi gà chín thì vớt ra để nguội. Cho nấm hương vào khoảng 5 phút rồi vớt ra thái sợi.
Nêm nếm gia vị vừa ăn vào nồi nước dùng
Bước 3: Tráng trứng
Trứng đập ra bát đánh tan, múc từng muôi tráng nhanh tay trên chảo chống dính. Nhớ lửa nhỏ để trứng ko bị phồng, rộp. Cho ra thớt cuộn tròn, thái mỏng.
Bước 4: Sơ chế các nguyên liệu khác
Giò lụa thái thành sợi.
Củ cải khô ngâm nước ấm, vớt ra vắt kiệt trộn với chút đường, giấm cho ngấm.
Gà để thật nguội, lọc thịt thái miếng vừa ăn.
Tôm sú hấp, thái nhỏ rồi xào săn trên bếp hoặc giã nhỏ xào săn sẽ được món ruốc tôm.
Bước 5: Hoàn thành món ăn
Xếp tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị lên trên bát bún.
Rắc một chút hành lá lên trên rồi chan nước dùng vào. Để ngon hơn nên ăn cùng với chút mắm tôm cho đậm đà.
Nami (Ảnh: NVCC)
Theo VietNamnet