"Ban đầu khi đón cháu từ tay bác sĩ, tôi chưa phát hiện ra điều bất thường. Tuy nhiên khi trở về phòng bệnh, tôi đã không khỏi hốt hoảng khi thấy trên mặt cháu mình không hiểu vì sao có một vết thương khá dài.

Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng bé bị móng tay ai đó sắc nhọn quệt phải nhưng xem đi xem lại càng thấy không giống. Vết thương khá sâu giống như bị dao cắt phải", Tiểu Châu – em gái của sản phụ vừa hạ sinh một bé gái kể lại với phóng viên trang mạng Đại Dương – Nhật báo Quảng Châu.

Sự việc vừa xảy ra hôm 28/10 vừa qua tại khoa sản bệnh viện Phục Nguyên thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Tiểu Châu cho hay, chị gái cô sinh con theo hình thức sinh mổ và mãi đến khi gia đình phản ánh điều bất thường, bệnh viện mới có lời giải thích.
 

Mẹ mổ đẻ, em bé bị rạch rách mặt và lời giải thích khó nghe của bác sĩ - Ảnh 1.

Bệnh viện Phúc Nguyên nơi để ra sai sót khi mổ đẻ cho chị gái của Tiểu Châu.

"Mãi sau đó, bác sĩ mới giải thích với chúng tôi rằng vì da bụng của thai phụ quá mỏng nên khi làm phẫu thuật mổ đẻ, dao mổ đã chạm tới má của bé con".

Sự việc đã khiến mẹ của bé cùng người nhà vô cùng xót xa. "Cháu bé còn nhỏ như vậy đã có một vết thương dài trên mặt, tôi thực sự rất xót ruột. Sau này nếu vết thương không mờ nhạt hẳn mà để lại sẹo thì phải làm sao?"

Không chỉ xót con, thái độ muốn rũ bỏ trách nhiệm của bệnh viện càng khiến gia đình Tiểu Châu khó chịu.

"Ban đầu, họ dường như cố tình giấu chúng tôi, không thông báo một lời. Chỉ đến khi chúng tôi tìm gặp vài lần, họ mới mở một cuộc họp để thảo luận", Tiểu Châu cho hay.
 

Mẹ mổ đẻ, em bé bị rạch rách mặt và lời giải thích khó nghe của bác sĩ - Ảnh 2.

Nếu sẹo không mất đi, phải đợi ít nhất 10 năm nữa bé gái mới được làm phẫu thuật thẩm mỹ để làm mờ sẹo.

Phụ trách mổ đẻ cho chị gái Tiểu Châu là một bác sĩ họ Trương, làm việc tại khoa sản bệnh viện Phục Nguyên.

Trả lời phỏng vấn báo chí, đại diện bệnh viện trên cho biết, mọi phát biểu của ông ta đều phải thông qua bệnh viện. Sự việc đã đến mức này, vấn đề không còn thuộc về một cá nhân.

Hiện tại, phía bệnh viện Phục Nguyên đã báo cáo tình hình sự việc lên lãnh đạo cục y tế địa phương. Kết quả giám định sẽ quy kết trách nhiệm của việc này thuộc về ai.

Được biết ngay trong chiều 28/10, một chuyên gia về thẩm mỹ cũng đã được bệnh viện mời đến để kiểm tra vết thương trên mặt của bé gái.

Tuy nhiên, người này chưa thể kết luận vết thương này về sau có để lại sẹo hay không. Nếu có sẹo, em bé phải đợi ít nhất đến năm 10 tuổi mới có thể làm phẫu thuật chỉnh sửa.

Sự cố không hiếm gặp, đã từng được ghi nhận ở Việt Nam

Không chỉ xảy ra ở Trung Quốc, sự cố đáng tiếc khi sinh mổ nói trên cũng đã từng xảy ra ngay tại Việt Nam.

Ngày 5/6 vừa qua, một sản phụ 29 tuổi ở xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt đã sinh mổ một bé gái ở bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Không may mắn là trong quá trình làm phẫu thuật, em bé cũng đã bị mũi kéo gây ra vết thương dài 2cm, sâu 0.05mm trên da đầu, ngay phía trên tai.
 

Mẹ mổ đẻ, em bé bị rạch rách mặt và lời giải thích khó nghe của bác sĩ - Ảnh 3.

Em bé ở Lâm Đồng bị kéo mổ chạm vào đầu khi mẹ em được phẫu thuật mổ đẻ.

Sau khi sự cố này xảy ra, bác sĩ đã nhanh chóng khâu vết thương. Do có thuốc gây mê nên em bé không hề khóc. Cũng may nhờ vết thương nông nên bé không mất máu và hồi phục rất nhanh sau đó.

Dù vậy, gia đình sản phụ vẫn khá bức xúc vì họ cho rằng họ không được phía bệnh viện thông báo trực tiếp.

Thay vào đó, họ đội mũ lên đầu bé rồi đưa vào nuôi dưỡng trong lồng ấp, cố tình giấu không để người nhà biết và không có lời giải thích cho đến khi người nhà phát hiện điều bất thường.

Bé sơ sinh vừa được lấy ra từ bụng mẹ đã bị dụng cụ phẫu thuật rơi rách trán

Trước đó vào năm 2009, cậu bé Matthew Watson (Anh) cũng đã bị các bác sĩ "tặng" một vết sẹo dài trên trán vì sơ suất trong quá trình phẫu thuật giúp bé chào đời.

Được biết khi ca sinh mổ đang diễn ra, một y tá phụ giúp cho bác sĩ mổ đẻ đã vô tình làm rơi dụng cụ phẫu thuật vào đầu em.

"Khi ca sinh mổ đang diễn ra, các bác sĩ đột nhiên mắng người đồng nghiệp từ bên kia của tấm vải che. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra và một giờ sau sinh gặp lại con, tôi thấy bé có vết thương trên trán", mẹ của Matthew kể lại.
 

Mẹ mổ đẻ, em bé bị rạch rách mặt và lời giải thích khó nghe của bác sĩ - Ảnh 4.

Cậu bé Matthew bị một vết sẹo dài trên trán do sơ suất của y tá.

Sau khi sự việc xảy ra, các bác sĩ đã đến xin lỗi, thậm chí người gây ra vụ việc còn khóc vì hối hận, tuy nhiên vết sẹo trên trán Matthew đã chẳng bao giờ biến mất.

Trên đây chỉ là 3 trong vô số trường hợp bé sơ sinh gặp sự cố do sơ suất của bác sĩ trong quá trình phẫu thuật mổ đẻ. Hy vọng rằng những sự cố như thể này sẽ được khắc phục triệt để, để những em bé sơ sinh không bị hại oan từ khi vừa chào đời.

Theo Trí thức trẻ