Vụ việc cháu Nguyễn Lê Ngọc A. (5 tuổi, trú tại xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bị mẹ nuôi là Nguyễn Thị Phượng (46 tuổi) trói 2 tay rồi treo lên xà nhà gây xôn xao dư luận mấy ngày vừa qua.

Chúng tôi đã tìm về nơi xảy ra sự việc bạo hành trẻ em. Quán karaoke mà gia đình bà Phượng sinh sống nằm cuối con đường dẫn vào thôn 4, xã Vân Xuân được dựng mái bằng tôn, biển hiệu, biển quảng cáo được treo ở trong quán.



Hình ảnh bé gái bị mẹ nuôi treo lên xà nhà gây xôn xao cộng đồng mạng.


Nói về việc trói 2 tay cháu Ngọc A. rồi treo lên xà nhà gây bức xúc dư luận, bà Nguyễn Thị Phượng cho biết, vợ chồng bà có 4 người con đẻ có đủ trai, gái. Ngoài ra, còn nhận nuôi thêm 2 cháu, cháu Ngọc A. là con thứ 6. Ngọc A. cũng là bé ít tuổi nhất nhưng là đứa con nghịch ngợm nhất.



Bà Phượng thừa nhận hành vi của mình là sai trái.


Bà Phượng cũng cho biết, tuy còn nhỏ nhưng Ngọc A. rất hiếu động và nghịch ngợm, khó bảo, đã thường xuyên lấy trộm cắp đồ của gia đình. Ngày 23/6/2017, bị bà phát hiện Ngọc A. lấy trộm sữa uống nên dùng dây treo lên xà nhà phạt.

Chính bà đã cho người làm quay video clip để gửi bà nội cháu bé biết về việc bé gái ngang bướng và phải giáo dục cháu. Bà thừa nhận hành động treo tay con nuôi lên xà nhà là việc làm sai trái, phản cảm nhưng cho rằng mục đích chỉ nhằm để giáo dục, dạy bảo cháu bé.

"Con thì tôi những 4, 5 đứa nhưng nhận nuôi nó (cháu Ngọc A.) là vì thương và mong nó tốt hơn. Phải thế nào tôi mới hành động như vậy, nói về lý thì sai nhưng vì tình thì không sai", người phụ nữ này quả quyết.

Bà Phượng cũng cho hay, chính bà là người ra trình báo sự việc cháu Ngọc A. bị treo tay lên xà nhà tới chính quyền địa phương. Vì khi bà đọc thông tin trên mạng xã hội, thấy người ta nói sự việc xảy ra ở xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường làm mang tiếng xã này nên bà đã tới công an thừa nhận.

Được biết, cháu Ngọc A có bố đẻ đang thụ án tù chung thân, mẹ đẻ đang thụ án 8 năm tù giam; hiện cả hai đang thụ án tù tại trại giam tỉnh Thanh Hóa. Hiện cháu đã được đưa về gia đình nhà nội ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho gia đình chăm sóc.

Cháu bé bị bầm tím, rách tay sau khi bị mẹ nuôi "dạy dỗ"

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Chính, Trưởng Công an xã Vân Xuân cho biết, trưa ngày 25/6, bà Phượng đã ra công an xã trình báo sự việc mình trói tay bé Ngọc A. rồi treo lên xà nhà. Nguyên nhân dẫn đến sự việc được xác định là do cháu Ngọc A. quá bướng bỉnh.


Thanh xà nơi bà Phượng dùng để treo con gái nuôi.


"Việc bé con bướng bỉnh là có thật, gia đình chủ yếu dạy dỗ. Nhưng việc dạy dỗ như vậy là không được, quá phản cảm, không đúng quy định của pháp luật", ông Chính nhấn mạnh.

Theo ông Chính, bà Phượng nhận cháu Ngọc A về nuôi từ tháng 7/2016 thông qua mối quan hệ của chồng chị này với ông nội cháu. Trong quá trình nuôi cháu, địa phương chưa ghi nhận trường hợp bạo hành xảy ra với cháu Ngọc A., đây được xác định là lần đầu tiên. Việc cháu Ngọc A. bị mẹ nuôi trói 2 tay, treo giữa nhà chỉ diễn ra khoảng vài chục giây. Mục đích của người quay clip là để gửi cho bà nội cháu xem việc dạy cháu như vậy.

Ông Chính cũng thông tin thêm, sau khi nhận được trình báo của bà Phượng về vụ việc, chính quyền xã đã cử người xuống đưa cháu bé đi kiểm tra sức khoẻ tại trạm y tế xã. Tại thời điểm đó, lực lượng chức năng ghi nhận cổ tay trái cháu Ngọc A. có vết bầm tím, một vết rách da dài 4cm, rộng 0,5cm. Ngoài ra không có thương tích gì nghiêm trọng, tinh thần cháu Ngọc A. có vẻ hoảng loạn.

Vị trưởng công an xã cũng cho biết, sau sự việc bà Phượng đã nhận ra lỗi lầm của mình. Trong thời gian tới chính quyền xã sẽ tích cực tuyên truyền tới người dân để tránh xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em.

Về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú, Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo Điều 7 Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

- "Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi;

- xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác; Áp dụng những biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật.…".

Khoản 9 quy định về cấm áp dụng những biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Đây là quy định cấm hành vi của những cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết hành vi vi phạm của trẻ em.

Bố mẹ có hành vi xâm phạm tới thân thể, đánh đập đối với em trai đã vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Khoản 1 Điều 8 Nghị định 71/2011/ NĐ - CP quy định về hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua, bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác:

1. Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.

2. Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

3. Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần.

Điều 110, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định Tội hành hạ người khác:

1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;

b) Đối với nhiều người.
 

Theo Trí Thức Trẻ