Nắm được bí quyết chải tóc đúng cách, nỗi lo tóc rụng hay xơ rối sẽ không còn khiến bạn phải khổ sở khi đối mặt.

Vì sao cần chải tóc đúng cách?

Tác dụng của việc chải tóc không chỉ đơn thuần chỉ là giúp gỡ rối cho tóc hay tạo nhiều kiểu tóc đẹp đa dạng mà còn giúp tóc óng mượt và bóng đẹp hơn.

Thông thường, các tuyến bã nhờn sẽ nằm trong nang tóc, sản xuất lượng dầu tự nhiên giúp bôi trơn phần da đầu. Một khi bạn chải đầu, nó sẽ giúp phân bổ các loại dầu tự nhiên từ chân tóc đến ngọn, mang lại độ chắc khỏe, bóng mượt tự nhiên cho tóc.

Mẹo chải tóc đúng cách ngăn ngừa tóc gãy rụng-1

Bên cạnh đó, chải tóc đúng cách cũng được xem là một liệu pháp massage đầu, giúp kích thích da đầu nhẹ nhàng. Điều này sẽ giúp thúc đẩy sự tuần hoàn lưu lượng máu và phát triển nang tóc mọc nhanh hơn.

Trung bình mỗi người có thể rụng khoảng 50-100 sợi tóc tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi… Việc chải tóc thường xuyên sẽ giúp bạn loại bỏ những sợi tóc rụng còn sót lại, tạp chất hay các mảng bám tế bào chết trên tóc. Từ đó, mang đến cho bạn mái tóc sạch sẽ và gọn gàng hơn rất nhiều.

Mẹo chải tóc đúng cách ngăn ngừa tóc rụng

Tần suất chải tóc

Chỉ nên chải đầu 2 lần/ngày, đó là một lần vào buổi sáng và tối. Khi chải không nên dùng lực kéo quá mạnh bằng cách giật mạnh tóc xuống khi tóc đang rối, mà chỉ nên nhẹ nhàng chải tóc. Nếu bạn chải tóc đúng cách, lượng dầu tự nhiên của da đầu sẽ được phân bổ và trải đều trên tóc. Từ đó giúp nuôi dưỡng da đầu thêm khỏe mạnh.

Không chải tóc khi ướt

Tóc đang ở trạng thái ướt thường sẽ rất yếu và mỏng manh trước bất kỳ tác động ngoại lực nào. Do đó, bạn nên đợi cho tóc khô khoảng 80% thì nên bắt đầu chải.

Nếu bạn cần thiết phải chải tóc ướt thì nên dùng lược răng thưa bản rộng và dẹt để gỡ rối tóc thật nhẹ nhàng. Bạn có thể kết hợp dùng các ngón tay để nới lỏng các sợi tóc rối từng chút một để giảm gãy rụng tóc.

Chải từ thân xuống ngọn

Để chải tóc đúng cách mà không làm tóc rụng nhiều, bạn nên bắt đầu chải từ thân tóc xuống ngọn tóc, cách khoảng 5 - 7 cm so với chân tóc.

Ngoài việc chải tóc từ thân tóc thì việc chia nhỏ từng thành phần để chải tóc cũng sẽ giúp làm giảm lực tác động lên da đầu. Sau đó, bạn hãy chải tóc từ ngay đỉnh đầu xuống hết phần chiều dài tóc, giúp làm tơi tóc hơn và hạn chế tổn thương tóc do lực kéo mạnh.

Vệ sinh lược định kỳ

Nên vệ sinh lược chải tóc bằng nước ấm ít nhất 1 lần/tuần để tránh tình trạng tóc bị dính bụi bẩn, dễ sinh gàu. Để làm sạch, bạn hãy ngâm lược trong hỗn hợp gồm nước ấm với dầu gội đầu trong khoảng 3 - 4 phút để giúp loại bỏ các sợi tóc rụng và phần dư sản phẩm chăm sóc tóc trước đó. Điều này có thể ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn sang da đầu.

Hạn chế tác động nhiệt lên tóc

Hạn chế sử dụng máy sấy quá thường xuyên vì sẽ khiến tóc mất đi độ ẩm cần thiết và lâu dần khiến tóc hư tổn. Nếu bạn có mái tóc xoăn thì không nên chải tóc thường xuyên khi tóc khô. Thay vào đó, bạn nên chải tóc khi tóc còn ướt và kết hợp thêm với dầu xả để làm tóc tơi dễ hơn. 

Trước khi gội đầu, bạn nên chải tóc sơ qua cho tóc suôn mượt và cũng dễ gỡ rối hơn sau bước làm sạch tóc và da đầu. Sau đó, lau tóc bằng khăn khô nhẹ nhàng thay vì vò đầu khiến tóc dễ đứt gãy và trở nên rối hơn.

Theo VTC News