Ông Trần Quang Năng - Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, nguyên nhân đợt mưa lạnh lần này không quá đặc biệt bởi khối không khí lạnh (KKL) từ phía bắc tràn xuống cường độ không mạnh, chỉ gây ra rét trong khoảng 1-2 ngày, sau đó nhiệt độ sẽ có xu hướng tăng dần.

Miền Bắc mưa to gió rét đến bao giờ?-1
Trận mưa chiều qua khiến nhiều tuyến phố của Hà Nội thành sông

KKL sẽ tiếp tục gây mưa trong hôm nay, nền nhiệt thấp nhất trong khoảng 14-17 độ. Từ ngày 5/3 mưa giảm và nhiệt độ bắt đầu có xu hướng tăng nhanh.

Từ ngày 6/3, nhiệt độ cao nhất trong ngày có khả năng ở mức từ 25-28 độ, những ngày tiếp theo nhiệt độ tiếp tục tăng nhanh, mỗi ngày từ 2-3 độ.

Ngày 8 và 9/3, nhiệt độ sẽ tăng ở mức từ 29-32 độ ở Hà Nội, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ có thể lên tới 33-35 độ, xuất hiện nắng nóng cục bộ.

Trưởng Phòng Dự báo thời tiết chia sẻ, khả năng tháng 3 năm nay KKL hoạt động yếu và ít gây ra các đợt rét kéo dài. Tuy nhiên với xu hướng nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, các đợt KKL tràn về sau những ngày nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, có thể tạo sự xáo trộn không khí mạnh mẽ dẫn đến những trận mưa rào và giông, khả năng kèm theo mưa đá.

Về tình hình hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, trong tháng này, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekog về ĐBSCL vẫn ở mức thấp, do đó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt, đặc biệt  là thời kỳ từ 6-15/3.

Chiều sâu ranh mặn 4g/l ở các sông Vàm Cỏ từ 90-110km, cửa sông Cửu Long và sông Cái Lớn từ 60-80km, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.

Đến cuối tháng 3, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần. Xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4. Sau đó xâm nhập mặn mới có khả năng giảm dần trên toàn miền.

Trong thời kỳ xâm nhập mặn cao điểm, các địa phương cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất. Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.  

* Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nước mặn nồng độ dưới 0,5g/lít (0,5‰) mới được tưới cho cây trồng. Với sản xuất cây giống, nước mặn nồng độ 1g/lít nếu tưới sẽ gây chết toàn bộ.

Theo Trí Thức Trẻ