Cách thị trấn Dương Đông vài trăm mét về phía Tây, Dinh Cậu tọa lạc trên một ghềnh đá vươn ra biển, ba bề sóng vỗ. Nơi đây là biểu tượng tâm linh, du lịch của Phú Quốc.
Miếu Dinh Cậu (người dân địa phương gọi là miếu Long Vương) được xây dựng từ gần cả trăm năm trước để cầu thần linh che chở cho ngư dân đi biển, cầu phúc cho gia đình. Lần trùng tu gần nhất vào năm 1997, ngôi miếu này gắn với nhiều giai thoại hấp dẫn, kích thích tính tò mò của du khách.
Sau khi leo hết 29 bậc thang đá hẹp, gồ ghề để lên đến miếu Dinh Cậu, du khách nghỉ ngơi trên dãy ghế đá dưới chân miếu, cạnh bờ biển.
Ban ngày thời tiết ở đây rất nắng nóng nên khá vắng vẻ. Chiều xuống, gió biển lồng lộng, du khách, người địa phương thường tập trung ở đây vui chơi.
Bãi biển Dinh Cậu nhiều đá, không thích hợp để tắm dù nước trong veo. Dạo quanh bờ biển, thỉnh thoảng bắt gặp hình ảnh túi nilon, chai nhựa... do những người thiếu ý thức vứt xuống biển. Hiện nay, Phú Quốc đang cố gắng khắc phục tình trạng trên.
Bờ kè đá được xây dựng nhằm giảm bớt các cơn sóng lớn đánh vào ghềnh đá, đồng thời làm chỗ neo đậu thuyền. Nơi này gió rất mạnh nhưng lại là địa điểm chụp ảnh cưới lý tưởng.
Trước kia, chợ đêm Dinh Cậu rất nổi tiếng cách miếu khoảng vài trăm mét. Tuy nhiên cuối tháng 7/2016, Phú Quốc đóng cửa khu chợ này để sắp xếp lại giao thông khu vực trung tâm.
Từ miếu Dinh Cậu có thể phóng tầm mắt bao quát khắp Dương Đông - một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất ở Phú Quốc.
Bên kia cầu Nguyễn Trung Trực, cách miếu Dinh Cậu khoảng 300 m là bến cảng của tàu thuyền đánh cá và chợ Dương Đông - chợ lớn nhất Phú Quốc. Thuyền cập bến tại đây, ngư dân bán các loại cá tươi vừa đánh bắt ngay tại chợ.
Theo ngoisao