Hồ nước tuyệt đẹp ở miền đông Trung Quốc trở thành điểm đến du lịch hút khách, đồng thời mang lại nguồn thu nhập mới cho người dân địa phương - lặn xuống nước tìm những món đồ có giá trị do khách đánh rơi. Đa phần những đồ cần tìm là điện thoại hoặc máy ảnh.
Vào dịp nghỉ lễ 1/5 vừa qua, Tây Hồ ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, thu hút khoảng 3 triệu khách du lịch chỉ trong vòng 5 ngày. Đây cũng là thời điểm ngành du lịch nội địa Trung Quốc bùng nổ thời hậu Covid-19.
Lượng khách tăng vọt kèm theo đó là nhiều món đồ bị khách vô tình làm rơi xuống nước, tạo việc làm cho anh Hoàng, 40 tuổi, sống gần đó. Tranh thủ đợt nghỉ lễ, anh Hoàng tiết lộ kiếm được khoảng 10.000 nhân dân tệ (gần 35 triệu đồng) mỗi ngày.
Anh Hoàng mặc đồ lặn chuyên dụng trước khi xuống hồ tìm đồ cho khách (Ảnh: Baidu).
"Nếu tôi mò nhanh được món đồ chỉ trong vòng 20 phút sẽ tính phí cho khách là 1.500 tệ (5 triệu đồng). Nhưng ở nơi khó tiếp cận hoặc quá trình phức tạp hơn sẽ có phí từ 1.800 tệ đến 2.000 tệ (6,1 triệu đồng - 6,7 triệu đồng). Còn nếu không tìm được đồ, giá chỉ là 700 tệ thôi - 2,3 triệu đồng", anh nói.
Nghe tưởng dễ kiếm tiền nhưng Hoàng cho biết việc này rất mạo hiểm, đòi hỏi kỹ năng chuyên nghiệp và đầu tư nhiều thiết bị nên mức phí hoàn toàn xứng đáng. Người đàn ông 40 tuổi chia sẻ thêm, tỷ lệ tìm thấy đồ thành công của anh lên tới 90%.
Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, anh tiết lộ có thể kiếm gần 35 triệu đồng/ngày (Ảnh: Baidu).
Những ngày bình thường, anh nhận được khoảng 2-3 khách. Nhưng đợt nghỉ lễ vừa qua là thời kỳ cao điểm nên số tiền anh kiếm được cũng gấp nhiều lần.
Hoàng cho biết, Tây Hồ là dạng hồ bùn tương đối nông. Điểm sâu nhất chỉ khoảng 5m và độ sâu trung bình là 2,3m trong khi khu vực ven hồ chỉ sâu khoảng 1m. Đây cũng là nơi hầu hết du khách bị rơi đồ xuống dưới.
"Nếu chỉ cần thò tay xuống nước tìm đồ mà không cần mặc đồ lặn hay dùng thiết bị phụ trợ, tôi sẽ tính phí thấp hơn", anh nói.
Với công việc hiện tại, Hoàng kiếm trung bình khoảng 30.000 tệ mỗi tháng (hơn 101 triệu đồng), nuôi 5 đứa con. Trong đó, 4 con vẫn đang tuổi ăn học và em bé nhỏ nhất mới một tuổi.
"Vợ và con tôi đều sống ở Hồ Nam. Mỗi tháng tôi phải gửi về quê ít nhất 10.000 tệ - gần 35 triệu đồng nên phải chăm chỉ làm việc", Hoàng tâm sự.
Hiện câu chuyện của Hoàng đang tạo ra cuộc tranh luận dữ dội trên mạng xã hội nước này. Nhiều người lên tiếng chỉ trích về mức phí quá đắt đỏ.
"Tôi chẳng hiểu anh ta nghĩ gì vẫn thu 700 tệ của khách dù không tìm thấy đồ. Quá đắt đỏ", một tài khoản lên tiếng.
Tây Hồ vốn là danh thắng nổi tiếng bậc nhất ở Hàng Châu, thu hút gần 3 triệu lượt khách tham quan dịp 1/5 vừa qua (Ảnh: Traveler).
Trong khi đó, đại diện văn phòng quản lý khu danh thắng Tây Hồ, thành phố Hàng Châu, cho biết, khu vực này luôn trang bị sẵn gậy dài để du khách dùng nếu bị rơi đồ xuống hồ. Ngoài ra, nhân viên cũng có thể hỗ trợ miễn phí.
"Kỳ nghỉ 1/5 vừa qua, các nhân viên tại đây đã tìm giúp khoảng 30 khách làm rơi điện thoại xuống hồ", người đại diện cho biết.
Tây Hồ vốn được mệnh danh là "hòn ngọc" của thành phố Hàng Châu với cảnh sắc mê đắm lòng người. Diện tích của khu vực hồ khoảng 6,3km², trong đó phần diện tích chứa nước khoảng 5,6km².
Cảnh quan văn hóa Tây Hồ đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới năm 2011.
Đây là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất Hàng Châu, từng truyền cảm hứng sáng tác thơ ca nhạc họa Trung Hoa suốt hàng nghìn năm qua.
Theo Dân Trí