Những ngày gần đây, khắp nơi trên các trang mạng đều đăng tải đầy ắp những thông tin thiệp cưới, hình ảnh cô dâu, chú rể tay trong tay và hàng ngàn lời chúc từ những người thân gia đình, bạn bè,...
Bên cạnh đó, cũng không ít những câu chuyện khiến nhiều người tranh cãi "có nên đi ăn cưới nếu được mời qua Facebook?"
Xoay quay vấn đề này, có những bình luận cho rằng việc quan khách tới dự đám cưới là điều vinh hạnh của cô dâu, chú rể. C
hính vì vậy, các cặp đôi nếu có mời online cũng nên ghi rõ tên tuổi người được mời chứ không nên chỉ nên dùng từ ngữ chung chung. Việc ''copy - paste'' lại lời mời đám cưới để chuyển tiếp tin nhắn mà không chỉnh sửa tên người được mời là khá 'nhạy cảm'.
Chị B.T.V (đến từ Hà Nội) bày tỏ: "Mặc dù có thể mọi người nghĩ tôi là cổ hủ nhưng tôi nghĩ mình cũng có lý lẽ của riêng mình. Tôi không biết các bạn trẻ ngày nay thế nào, nhưng tôi năm nay cũng 35 tuổi, từ cái thời tôi còn là thiếu nữ việc mời cưới trong làng cũng được bố mẹ tôi cân nhắc kỹ lưỡng. Thậm chí, bố mẹ tôi bỏ công bỏ việc đi mời cỗ.
Một số người bạn hay khách hàng của tôi khi tổ chức đám cưới cũng mời qua Facebook. Khi nhận được những lời mời đó, tôi nghĩ rằng họ mời xã giao. Đó là lời mời thiếu tôn trọng và thiếu thiện chí".
Tương tự, anh N.T.V (30 tuổi) cũng cùng quan điểm: "Tôi nghĩ rằng nếu ở xa không có điều kiện để trao tay thiệp mời thì hoàn toàn có thể gọi một cuộc điện thoại để đích thân người mời có lời.
Việc sao chép tin nhắn theo khuôn mẫu rồi gửi đi cho có là việc tôi cảm thấy rất dị ứng. Thậm chí, có những người vài năm chả liên lạc mà nay 'ném' một dòng tin nhắn mời đến chung vui thì tôi không hiểu họ mời tôi đến để làm gì"?
Nên gửi thiệp mời cưới hay mời online? (Ảnh: TL)
Bên cạnh những quan điểm trên, các bạn trẻ đa số ở thế hệ Gen Z lại bày tỏ việc mời qua Facebook tuy là tối giản nhưng không phải là 'mời để lấy phong bì'.
Chị B.N.H (24 tuổi) mới tổ chức đám cưới vào ngày vào đầu tháng 11/2024, chị H cho biết, hầu hết các bạn bè cấp 2 và đại học, chị đều sử dụng thiệp mời online để mời khách tới dự đám cưới: "Thời buổi bây giờ có những cái tân tiến hơn thì tại sao mình cứ bắt buộc phải đi theo lối mòn cũ?
Chẳng phải sự phát triển luôn là điều được ưu tiên hay sao? Đám cưới của tôi diễn ra, những người bạn đại học hay bạn cấp 2 tôi đều nhắn tin qua Facebook để mời. Thậm chí, với bạn thân thiết, tôi còn chỉ thông báo chứ không phải mời theo khuôn mẫu. Mọi người đều rất vui vẻ và chả ai cho rằng lời mời qua Facebook là thiếu tôn trọng cả".
"Quan trọng là nếu đã thân tình thì sẽ không tính nhỏ nhặt chuyện mời cưới bằng hình thức nào, miễn là có lời với khách. Nếu xác định những mối quan hệ không còn liên lạc thì hoàn toàn có thể không mời. Việc này vừa đỡ để họ suy nghĩ mình mời vì mục đích khác, mà bản thân mình cũng rất thoải mái.
Tôi nghĩ việc mời hình thức nào không quan trọng, quan trọng là mối quan hệ thực tế của gia chủ với quan khách" - chị P.L (26 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ.
Trước những quan điểm trái chiều, câu chuyện mời cưới online vẫn là một ''cuộc tranh luận chưa hồi kết'' giữa các thế hệ.
Điều này đòi hỏi các cặp đôi đều nên cân nhắc về đối tượng khách mời của mình là người ''lớn tuổi'' hay ''trẻ tuổi'' để có cách mời đám cưới sao cho thể hiện sự tôn trọng đối với khách mời.
Đặc biệt, đối với những khách mời quan trọng, bạn có thể thêm chú thích hoặc ghi chú cá nhân để thể hiện sự quan tâm và đối đãi đặc biệt với khách mời.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, việc liên quan đến cưới xin nếu trực tiếp vẫn có ý nghĩa riêng của nó.
Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay thì nên linh động, tận dụng những tiện ích mà công nghệ mang lại.
Theo đó, ông Trung cho rằng, nếu đến trực tiếp để mời, hoặc gặp mặt bắt tay, hoan hỉ chúc mừng thì sẽ tốt hơn và gia đình tổ chức hôn lễ sẽ phấn khởi, vinh dự hơn.
Còn việc áp dụng công nghệ là theo xu hướng phát triển. Nếu khách mời ở quá xa thì chúng ta cũng nên dần dần thích nghi với việc này.
Theo Sức khỏe đời sống