Năm 2003, Gái Nhảy đánh dấu bước chuyển mình của ngành điện ảnh Việt Nam sau thời kì đổi mới. Giới làm nghề bắt đầu chú ý nhiều hơn đến tính giải trí, thương mại và dịp xuân về dần trở thành mùa bội thu ăn nên làm ra cho các hãng phát hành. Những cái tên tiên phong đi đầu trào lưu phim Tết giai đoạn này có thể kể tới Lê Hoàng, Phước Sang, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng...
Dù đứa con tinh thần đầu tay Hồn Trương Ba, Da Hàng thịt (2006) không mấy thành công, nhưng năng lực của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vẫn được nhiều nhà sản xuất nhìn nhận và mời anh đảm nhận nhiều dự án lớn. Chỉ mất hai năm, Nụ Hôn Thần Chết xuất hiện rồi thu về hơn 1,5 tỷ đồng trong 3 ngày công chiếu đầu tiên. Sau một tháng tung hoành ngang dọc trên màn ảnh rộng, bộ phim "bỏ túi" 16 tỷ đồng (tương đương 1 triệu USD), năm giữ danh hiệu tác phẩm có doanh thu phòng vé cao nhất Việt Nam tại thời điểm đó.
Mới đây mà đã 10 năm, từ Mậu Tý đến Mậu Tuất thật sự là một quãng thời gian dài mà nếu không để ý chúng ta sẽ không nghĩ bộ phim này đã có tuổi đời nhiều như vậy. Có thể nói trong 10 năm qua, ít có bộ phim nào lạ và đáng nhớ như Nụ Hôn Thần Chết. Nếu không phải đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thật là... khùng, dám đưa những ý tưởng này lên màn ảnh Việt thì chúng ta đâu có một cột mốc doanh thu lịch sử, một kỉ niệm đáng quý của điện ảnh Việt.
Nụ Hôn Thần Chết là một trong số ít những sản phẩm thương mại được giới phê bình chuyên môn đánh giá cao với việc đăng quang ở giải Cánh Diều Vàng tại các hạng mục đáng chú ý như: Kịch bản, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, Họa sỹ thiết kế và Cánh diều bạc dành cho phim xuất sắc nhất. Bộ phim đã lăng xê thành công siêu mẫu Thanh Hằng, đưa tên tuổi trai đẹp Johnny Trí Nguyễn đến gần công chúng hơn. Thừa thắng xông lên, Nguyễn Quang Dũng cũng tiến hành xuất bản quyển sách cùng nhan đề giới thiệu chi tiết phần kịch bản lẫn quá trình thực hiện bộ phim (do đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chắp bút và hiệu đính).
Tác phẩm xoay quanh nhiệm vụ đầu tiên của hoàng tử thần chết tên Du (Johnny Trí Nguyễn). Trong thời hạn 3 ngày ngắn ngủi, anh phải lên trần gian tiễn đưa An, cô nàng tiếp thị rượu xinh đẹp, cá tính (Thanh Hằng) xuống cõi âm ti bằng... một nụ hôn. Nếu sứ mệnh thất bại, Du sẽ phải gánh chịu lời nguyền khủng khiếp từ cha mình (Hoài Linh). Trớ trêu thay, Du dần nảy sinh tình cảm với An. Anh không nỡ xuống tay cướp đi sinh mạng người mình yêu.
Thuộc thể loại rom-com pha chút giả tưởng, kinh dị, Nụ Hôn Thần Chết sở hữu nội dung đơn giản, nhẹ nhàng mà thú vị. Điểm nổi bật làm nó khác biệt hẳn so với các bộ phim cùng thời nằm ở mảng miếng hài hước cũng như chủ đề mới lạ, tách biệt hẳn với bất kì phim Việt nào. Hài nhưng không nhảm mà lại rất văn minh, Nụ Hôn Thần Chết vẫn thừa sức khiến khán giả bật cười bằng hàng loạt tình huống thông minh, đậm nét hiện đại của Tây phương bên cạnh lời thoại tự nhiên, hóm hỉnh nhưng không lố lăng.
Mối quan hệ giữa cặp đôi An-Du được xây dựng và tiến triển hợp lí qua từng cột mốc tương tác xuyên suốt chuyến hành trình nhằm hoàn thành nguyện ước cuối cùng cho An. Sự trắc trở, day dứt trong tình yêu đôi lứa lấy concept từ vở bi kịch Romeo & Juliet, cộng thêm màu sắc liêu trai huyễn hoặc đem lại trải nghiệm cảm xúc vừa quen vừa lạ.
Hiệu ứng, kỹ xảo hình ảnh cũng là một thế mạnh ở Nụ Hôn Thần Chết. Bối cảnh địa ngục và những màn phô diễn võ thuật, đánh đấm được dàn dựng khá ấn tượng. Dưới tay máy nhà nghề của Trinh Hoan, ai từng thưởng thức qua bộ phim chẳng thể nào quên khung cảnh nên thơ, lãng mạn lúc Du cõng An dạo bước giữa cánh đồng cỏ xanh hoa vàng bát ngát, gió thổi vi vu trên giai điệu bất hủ A Time For Us da diết hay trường đoạn "đêm phán xét" đầy bi thương trước vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn.
Khi bàn về thể loại rom-com, yếu tố mang tính quyết định sự thành bại của tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào cặp nam nữ chính. Họ phải diễn ăn ý với nhau để người xem tin rằng hai nhân vật thật sự có tình cảm sâu đậm. Nụ Hôn Thần Chết đã làm rất tốt điều đó, đặc biệt là siêu mẫu chân dài Thanh Hằng trong vai An. Đằng sau vẻ ngoài lạnh lùng, ngổ ngáo bất cần ẩn chứa một tâm hồn đẹp luôn sống hết mình vì mọi người xung quanh khiến cho quỷ thần cũng rung động, xót xa.
Tất nhiên, nền tảng biên kịch của ngành điện ảnh Việt Nam thập niên 2000 chưa thực sự phát triển mạnh mẽ giống hiện nay. Chính đạo diễn Nguyễn Quang Dũng phải tự thân chấp bút đường dây câu chuyện nên thiếu sót chắc chắn không thể tránh khỏi. Những khán giả khó tính sẽ dễ dàng phát hiện kha khá tình tiết ngây ngô như việc Du có khả năng hô phong hoán vũ, bay lượn, siêu sức mạnh không khác gì Superman; hoặc ngay phút trước anh còn ngơ ngác hỏi An về chiếc điện thoại di động mà chỉ sau vài shot hình thì ta đã sử dụng nó hết sức thuần thục.
Mặc kệ hoàn cảnh ra sao, khó khăn như thế nào, cách bạn đón nhận nó sẽ quyết định kết quả. Đây chính là thông điệp nhân văn, ý nghĩa mà 90 phút mà bộ phim muốn nhắn nhủ tới chúng ta. Dẫu thời gian có lạnh lùng trôi qua, chuyện tình đẹp giữa cô gái phàm trần dương thế với hoàng tử âm ty sẽ luôn để lại dấu ấn khó phai trong lòng người yêu điện ảnh Việt. Chúc mừng Nụ Hôn Thần Chết thêm một tuổi mới, trọn vẹn 10 năm tôn vinh bài ca vĩnh cửu của tình yêu.
Theo Trí Thức Trẻ