Suốt hơn 50 năm, Lale Sokolov sống với bí mật từ thủa chiến tranh, nơi mà con người gần như đã mất hết nhân tính.

Mãi tới khi ngoài 80 tuổi, người đàn ông này mới quyết định chia sẻ câu chuyện của mình cho Heather Morris - tác giả cuốn sách The Tattooist of Auschwitz, dựa trên câu chuyện có thật của Lale trước khi ông qua đời.

Lale Sokolov từng là một nghệ nhân xăm hình của Đức quốc xã. Nhắc tới phát xít Đức, người ta không thể quên được trại Auschwitz hay Nazi - những trại tập trung do Đức quốc xã lập nên để thao túng, biến con người ta thành Hitler cũng như hành hạ, đánh đập tù nhân.

Mối duyên định mệnh ở địa ngục trần gian khiến bạn tin rằng khi tình yêu đến, muốn trốn cũng không được-1
Auschwitz là trại tập trung lớn nhất của phát xít Đức, được ví như "địa ngục trần gian"

Làm việc như một người xăm số và tên cho các tù nhân ở trại Auschwitz, Lale đã xăm hình cho không biết bao nhiêu người và cũng chừng ấy thời gian ở đó, ông chứng kiến vô số những chuyện đau lòng, để rồi ám ảnh ông tới tận khi lìa đời. Cũng chính tại nơi "địa ngục trần gian" ấy, Lale Sokolov đã gặp được tình yêu đích thực của đời mình.

Tù nhân được đặc cách mang mã số 32407

Lale Sokolov, sinh năm 1916 trong một gia đình Do Thái ở Slovakia. Năm 1942, khi mới 26 tuổi, Lale bị đưa vào trại tập trung Auschwitz của phát xít Đức. Ở đây, ông có mã số tù nhân là 32407, nhưng ông nhận được một số đặc cách bởi được chọn là thợ xăm cho trại tập trung của Đức quốc xã.

Trước đó, Lale bị ốm nặng và được một học giả người Pháp làm việc như một thợ xăm ở đây chăm sóc, truyền lại mánh nghề cho anh. Sau khi người này biến mất, Lale được nhấc lên thay thế vị trí và trở thành một thợ xăm ở Auschwitz.

Nhờ việc này mà Lale Sokolov có cuộc sống trong "địa ngục" thoải mái hơn các tù nhân khác. Tuy nhiên, trong hàng ngũ phát xít Đức có nhiều người tỏ ra ganh ghét ông. Rất nhiều lần Lale nhận được lời đe dọa từ một bác sĩ làm việc cho Đức quốc xã: "Một ngày nào đó, thợ xăm à, tôi sẽ lấy mạng anh".

Mối duyên định mệnh ở địa ngục trần gian khiến bạn tin rằng khi tình yêu đến, muốn trốn cũng không được-2
Mỗi tù nhân ở đây sẽ được xăm một mã số, thay cho tên gọi

Dù làm việc cho quân phát xít, nhưng Lale chưa bao giờ coi mình thuộc hàng ngũ đó. Chính bởi vậy mà suốt những năm tháng sống tại đây, Lale luôn phải đấu tranh nội tâm, dằn vặt trước những chuyện đau lòng, vô nhân đạo mà quân phát xít gây nên.

Những tù nhân được điều tới Lale xăm hình hầu hết là những người sắp bị hành quyết, hoặc phải đi lao động khổ sai. Họ phải cạo trọc đầu, giao nộp tư trang, và xếp hàng đợi tới lượt bị xăm hình. Tại đây, những con số mà Lale xăm lên cơ thể họ sẽ thay thế tên gọi của họ. Mỗi nét kim Lale di chuyển không chỉ khiến tù nhân đau đớn, mà còn là nỗi dằn vặt tâm can Lale.

Cuộc gặp gỡ định mệnh ở "địa ngục trần gian"

Lale không thể ngờ được rằng ngay cả ở nơi tối tăm nhất thế giới này, ông lại gặp được tình yêu đích thực của mình. Chua chát thay, người phụ nữ ấy không phải là ai khác mà chính là một trong số những tù nhân mà ông phải xăm lên cánh tay.

Tháng 7/1942, Lale nắm lấy cánh tay của một cô gái trẻ để chuẩn bị xăm lên đó 5 con số: 34902. Vì đã quá quen với việc xăm hình cho những tù nhân nam, nên khi nắm lấy tay của một người con gái, Lale không khỏi giật mình. Người phụ nữ đó là Gita Fuhrmannova, người sau này sẽ trở thành bạn đời của Lale.

Mối duyên định mệnh ở địa ngục trần gian khiến bạn tin rằng khi tình yêu đến, muốn trốn cũng không được-3
Lale và Gita đã gặp nhau ở nơi tàn khốc nhất thế giới

Sau cuộc gặp gỡ đó, Lale và Gita thường xuyên trao đổi bí mật với nhau. Lale cũng giúp Gita được chuyển đến một trạm làm việc tốt hơn.

Năm 1945, khi quân Liên Xô tấn công, phát xít Đức bắt đầu đưa các tù nhân ra khỏi trại và Gita là một trong những phụ nữ được chọn để rời Auschwitz, còn Lale trở về quê hương Krompachy ở Tiệp Khắc (nay là Cộng Hòa Czech). Họ mất liên lạc từ đây.

Một lần, khi đang đợi tàu ở nhà ga xe lửa, một quản lý khuyên Lale nên tới khu của Hội chữ thập đỏ. Không ai ngờ rằng, duyên số lại một lần nữa đưa họ về bên nhau. Lale đã gặp lại Gita trên đường. Chuyện tình dở dang của 2 tù nhân trong trại Auschwitz được viết tiếp...

Mối duyên định mệnh ở địa ngục trần gian khiến bạn tin rằng khi tình yêu đến, muốn trốn cũng không được-4
Dù bị chiến tranh chia cắt, nhưng họ vẫn trở về bên nhau và sống hạnh phúc tới cuối đời
 

Tháng 10/1945, Lale và Gita kết hôn và sống ở Tiệp Khắc. Sau này, họ chuyển tới Vienna, Paris và cuối cùng định cư tại Sydney, Úc. Thợ xăm đặc biệt của Đức quốc xã ngày nào đã trở thành một nhà buôn vải, còn vợ ông trở thành một nhà thiết kế thời trang. Năm 1961, con trai đầu lòng của hai người chào đời, đặt tên là Gary. Gia đình họ chung sống hạnh phúc bên nhau.

Năm 2003, Gita qua đời. 3 năm sau đó, Lale cũng từ biệt cuộc sống, nhưng tình yêu của họ còn sống mãi trong cuốn The Tattooist of Auschwitz.

Heather Morris, người ghi chép lại câu chuyện của Lale kể rằng khi cô gặp bạn bè của Lale, ai cũng chỉ thốt lên rằng: "Cô có biết Lale và Gita gặp nhau trong trại tập trung của phát xít Đức không?". Trong suốt nhiều năm, con trai của họ cũng không biết cha mẹ mình đã gặp nhau ra sao, và nơi mà họ từng trải qua tàn khốc như thế nào.

Mối duyên định mệnh ở địa ngục trần gian khiến bạn tin rằng khi tình yêu đến, muốn trốn cũng không được-5
Gita bên con trai Gary

Cedric Geffen, chủ tịch Hiệp hội tưởng nhớ tới các nạn nhân của thảm họa diệt chủng Holocaust chia sẻ với BBC rằng chuyện tình của Lale khiến ông vô cùng xúc động.
 

(Nguồn: BBC, Mirror)
Mộc
Theo Vietnamnet