Trong những năm qua, Kpop tung ra rất nhiều CD. Theo Korea JoongAng Daily, gần 35 triệu album vật lý được bán trong nửa đầu năm nay, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các album được người hâm mộ ưa chuộng. Họ mua album để sưu tầm hình ảnh đồng thời nâng thành tích cho thần tượng trên các bảng xếp hạng.
Tác động tiêu cực đến môi trường
Mua album còn là cơ hội để người hâm mộ tham gia các sự kiện ký tặng của thần tượng. Đó là lý do một số người hâm mộ mua 150 đến 200 album, thậm chí nhiều hơn. Một album có giá thấp nhất 10.000 won (7 USD).
Tuy nhiên, doanh số ngày càng tăng của album cũng đặt ra mối lo ngại về môi trường. Thực tế, trong bối cảnh nhạc số phát triển như hiện tại, album có ít giá trị hơn và tác động đến môi trường. Đây là vấn đề đáng lo ngại nhất Kpop trong những năm qua.
Đĩa CD thường được làm bằng nhựa polycarbonate và nhôm. Chúng không thể tái chế và cũng khó xử lý. Bất chấp điều đó, doanh số bán album không ngừng tăng. Thực tế, doanh số album đôi khi không đến từ những người yêu nhạc thực thụ. Phần nhiều người hâm mộ mua album chỉ để ủng hộ thần tượng, thu thập chữ ký.
Một số người sau khi đạt được mục đích đã quyên góp album cho tổ chức từ thiện hoặc trại trẻ mồ côi. Tuy nhiên, abum lại không có nhiều giá trị với những tổ chức thiện nguyện. Nhiều tổ chức thậm chí yêu cầu người hâm mộ ngừng quyên góp album.
J-Hope phát hành album kỹ thuật số thay vì CD cứng.
"Tôi đã chi 5 triệu won (3.733 USD) để mua các album và có cơ hội tham gia những buổi ký tặng của thần tượng. Tôi biết điều đó không tốt cho môi trường, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác nếu muốn gặp trực tiếp nhóm nhạc yêu thích", một phụ nữ ở độ tuổi 30 muốn giấu tên nói với Korea JoongAng Daily.
Từ năm 2021, các công ty lớn nhất của Kpop đã thực hiện nhiều cam kết về môi trường để giảm lượng khí thải và tiếp nhận năng lượng tái tạo. Một số công ty Kpop đang tìm kiếm phương pháp mới để thay thế đĩa CD.
J-Hope - thành viên của BTS - phát hành Jack In The Box dưới dạng album kỹ thuật số thông qua ứng dụng cộng đồng Weverse vào ngày 29/7. Khán giả được cấp một mã QR để nhận các tệp nhạc và hình ảnh. Nhóm nhạc mới ra mắt NewJeans cũng phát hành album thông qua Weverse vào 8/8 bên cạnh hai phiên bản vật lý.
HYBE, công ty quản lý J-Hope và New Jeans cho biết họ đã thành lập một ủy ban quản lý môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào ngày 26/7. Công ty sẽ cung cấp nhiều album kỹ thuật số hơn.
Những thay đổi tích cực
Nhiều nhóm nhạc nhỏ không có ứng dụng riêng để phát hành sản phẩm như HYBE. Tuy nhiên, họ cũng đang tìm đến nhiều cách khác nhau để phát hành sản phẩm mà vẫn bảo vệ môi trường.
Nemoz Lab là một công ty chuyên sản xuất các album có kích thước bằng thẻ tín dụng. Thẻ có chứa mã kết nối người mua với các tệp nhạc kỹ thuật số trên ứng dụng Nemoz. Nội dung liên quan, chẳng hạn hình ảnh và VR có sẵn trong thẻ. Các nghệ sĩ như TRI.BE, Just B, MCND, Blitzers, Lee Bo-ram và Sunye cũng phát hành album qua Nemoz.
Công ty quản lý của TWICE tham gia sáng kiến RE100.
JYP Entertainment cũng nỗ lực bảo vệ môi trường. Công ty này sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường khi sản xuất album, chẳng hạn nhựa và giấy có thể phân hủy sinh học.
JYP Entertainment là công ty quản lý của 2PM, TWICE, ITZY, Stray Kids và nhiều nhóm nhạc khác. JYP Entertainment cũng tham gia sáng kiến RE100 - một chiến dịch toàn cầu nhằm kêu gọi các công ty trong danh sách sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Đây được xem như chiến dịch đầu tiên trong ngành công nghiệp Kpop.
Các bảng xếp hạng âm nhạc cũng đang đón nhận sự thay đổi tích cực của ngành công nghiệp Kpop. Họ tính doanh số album kỹ thuật số vào thành tích chung.
Năm 2017, G-Dragon của nhóm nhạc nam Big Bang phát hành album Kwon Ji Yong dưới dạng USB flash thay vì CD. Hiệp hội Công nghiệp Nội dung Âm nhạc Hàn Quốc tuyên bố doanh số bán USB của G-Dragon không được tính vào doanh số bán album.
Việc này gây tranh luận trong người hâm mộ và chuyên gia. Sau vụ việc, các bảng xếp hạng đồng loạt thay đổi cách thức tính doanh số. Gaon Chart gần đây đổi tên thành Circle Chart. Bảng xếp hạng cũng tính doanh số các album kỹ thuật số thành doanh số album chứ không phải lượt tải kỹ thuật số như trước.
Giám đốc điều hành Jeon Su Jin của Nemoz Lab cho biết: “Các công nghệ sản xuất album dưới dạng kỹ thuật đã xuất hiện trong nhiều năm. Chúng rẻ và tiên tiến hơn. Những công nghệ sĩ đó cho phép chúng tôi có thể thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc theo hướng tích cực. Những loại album mới này không chỉ thân thiện với môi trường, còn giúp nâng cao trải nghiệm nghe nhạc cho khán giả".
G-Dragon đi đầu trong việc phát hành album dưới dạng USB.
Từ năm 2021, NFT trở nên phổ biến ở Kpop. NFT là từ viết tắt của Non Fungible Token. NFT chỉ những vật phẩm kỹ thuật số như tranh, ảnh, video, ca khúc hay album. Nó được xác thực bằng công nghệ blockchain và có chữ ký dạng số của chủ sở hữu.
Nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc đã phát hành ca khúc, đĩa đơn dưới dạng NFT. Năm nay, họ tìm cách sản xuất cả album bằng NFT.
Trên thế giới, Kings of Leon là ban nhạc đầu tiên phát hành album NFT vào tháng 3/2021 với When You See Yourself. Đây là trường hợp đầu tiên cả album được bán ở định dạng NFT. Ban nhạc Anh Muse cũng phát hành album NFT mang tên Will of the People vào ngày 26/8.
"Những thay đổi tích cực đã và đang diễn ra tại Kpop. Album kỹ thuật số nên trở thành một lựa chọn lâu dài. Kpop có thể đi đầu trong việc thay đổi cách tiêu thụ album bởi ngành công nghiệp âm nhạc này có sức lan tỏa trên toàn thế giới”, một chuyên gia nói với Korea JoongAng Daily.
Theo Zing