Theo phong tục cổ truyền dân tộc, Táo quân chính là vị quan túc trực quanh năm để cai quản mọi việc ở hạ giới. Thần Táo quân gồm 3 người, 2 táo ông và 1 táo bà. Họ không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm (23/12 âm lịch), thần Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu trong năm của từng người trong gia đình để có thưởng phạt công minh. Do đó, ngày 23 tháng Chạp còn gọi là ngày Tết ông Táo.
Những món ăn trong mâm cỗ cúng ông Táo thường là các món truyền thống giống như trong ngày Tết (Ảnh Vũ Thanh Hoan)
Để "lấy lòng" các vị Táo quân, người dân sẽ chuẩn bị những lễ vật cùng mâm cỗ thịnh soạn để tiễn "họ" về trời. Những món ăn trong mâm cỗ cúng ông Táo thường là các món truyền thống giống như trong ngày Tết cùng với giấy tiền vàng mã, hia và áo mũ, cá chép giấy hoặc cá chép sống... để phóng sinh.
Hiện nay, cuộc sống ngày càng bận rộn nên mâm cỗ cúng ông Táo cũng được đơn giản đi nhiều cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi gia đình. Các món ăn không nhất thiết phải hoàn toàn là truyền thống mà có thể là món đúng với khẩu vị của gia chủ. Thậm chí, có gia đình chỉ cần chuẩn bị một đĩa xôi và chân giò luộc... quan trọng chính là sự thành tâm. Tuy nhiên, dù thành tâm bao nhiêu, các gia chủ cũng cần lưu ý, có một món ăn tuyệt đối không đưa lên mâm cỗ cúng ông Táo, đó chính là cá rán (hoặc món ăn được làm từ cá).
Không nên cúng cá rán hoặc món ăn làm từ cá trong Tết ông Táo
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, "Tuyệt đối không nên cúng cá rán trong mâm cỗ cúng Táo quân bởi cá chép cúng để phóng sinh rước các cụ về. Nếu cúng cá rán sẽ mâu thuẫn về phong tục, do vậy, điều đó không nên".
Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú, cũng cho rằng, mẫu gốc của mâm cỗ cúng Táo Quân là cúng cá sống và thả cá chép xuống sông, suối sau đó để cá chép hóa rồng.
“Lễ mặn khi cúng Táo Quân phải có cá sống. Việc cúng cá rán sẽ không vi phạm nhưng không đúng mới mẫu gốc. Ngoài ra, mọi người có thể cúng các loại cá khác, nếu không có cá chép rồi sau đó thả xuống sông, suối để cá chép hoá rồng”, ông nói.
Khi phóng sinh cá chép, gia chủ cần lưu ý, cá chép tượng trưng cho thần linh nên khi thả phóng sinh cần nhẹ nhàng đưa cá xuống nước. Đặc biệt không được đứng từ trên cầu ném cá từ trên cao xuống nước rất có thể cá sẽ bị thương và chết, điều này là tối kỵ. Sau khi thả cá, nên lưu lại một chút xem cá đã bơi đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt trong túi, rác, chỗ nước nông không thể bơi đi được.
Ngoài món cá rán, gia chủ cũng không nên cúng các món thịt chó, thịt vịt, thịt chim, thịt dê, trâu, trứng vịt lộn.. vì theo quan niệm dân gian, những thịt này dù ngon nhưng nó có ý nghĩa không may mắn nếu mang cúng.
Thậm chí, "Ngay trước khi cúng ông Công ông Táo, người cúng cũng không được ăn cá chép, ăn tiết canh ba ba, thịt rùa, thịt ba ba, thịt rắn, thịt chó, thịt mèo, rượu rắn, rượu cao hổ cốt... Tất nhiên là sẽ không được ăn tỏi, hành, mắm tôm, mắm tép... có mùi hôi mùi tanh ảnh hưởng đến không khí trang trọng của lễ cúng", Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà nhấn mạnh.
Theo Khám phá