Bánh tằm ăn cùng bì hòa với nước cốt dừa béo ngậy được bày bán ở nhiều hàng quán, khu chợ là món ăn không quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, nếu có dịp về Cà Mau, du khách sẽ được thưởng thức một món bánh tằm độc đáo mà chỉ có thể tìm thấy ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc.
Bánh tằm cay nức tiếng ở Cà Mau. (Ảnh: phan.giang.pisces)
Chẳng cần xuất hiện trong nhà hàng hay các quán ăn cao cấp, bánh tằm cay ngon nhất khi thưởng thức ở các gánh hàng vỉa hè, quán ăn đường phố.
Là một món ăn mộc mạc, bình dị nhưng bánh tằm cay vẫn có chỗ đứng nhất định giữa muôn vàn đặc sản kỳ công và đắt đỏ khác. Dù ở độ tuổi nào, là học sinh hay dân văn phòng đều có thể dễ dàng tự thưởng cho mình một dĩa bánh tằm cay thơm ngon.
Có lẽ cũng chính vì vậy, từ lúc nào, món ăn này đã trở thành một phần của ẩm thực đường phố ở Cà Mau. (Ảnh: nguyenfoodalic)
Tuy nói là món ăn dân dã nhưng không vì vậy mà việc làm ra bánh tằm cay được thực hiện qua loa mà trái lại, nó đòi hỏi không ít công đoạn để cho ra được thành phẩm ngon đúng chuẩn.
Gạo dùng để làm sợi tằm phải là loại ngon, được ngâm trong nước lạnh để qua đêm. Sau khi đủ mềm, gạo được đem đi xay thành bột rồi hòa với nước theo tỷ lệ chuẩn, nấu trên lửa nhỏ đến khi bột đạt.
Hỗn hợp thành phẩm sẽ được se thành từng sợi bánh trắng tinh tròn tròn nhìn như những con tằm. Đó cũng là lý do món ăn có tên gọi là bánh tằm.
Sợi bánh tằm được làm thủ công là ngon nhất. (Ảnh: foodiebylybeos)
Và cũng như tên gọi của mình, hương vị chủ đạo của món bánh tằm cay nhất định phải thật cay, cay bùng nổ cả khoang miệng nhưng vẫn dành chỗ cho vị beo béo và chua ngọt của các thành phần khác.
Dĩa bánh tằm cay hấp dẫn với sắc vàng của cà ri hòa cùng sợi bánh trắng phau và chút xanh của rau. (Ảnh: thanhdifood)
Để tạo ra được chính xác cái vị nồng cay đặc trưng ấy, nước sốt chính là bí quyết tạo nên sự thành công của món ăn. Đối với các quán ăn ở Cà Mau, loại nước sốt chính được sử dụng ở đây là nhân cà ri gà và cà ri xíu mại.
Thực khách có thể lựa chọn vị cà ri gà hoặc cà ri xíu mại, hoặc dùng cả hai. (Ảnh: ngua_tynn)
Thịt gà mềm dai, miếng xíu mại mịn mượt trôi tuột trong cuống họng mang theo những sợi tằm thanh ngọt, hòa cùng nước sốt cay khiến tuyến nước bọt hoạt động không ngừng.
Tất nhiên, để thêm phần hài hòa, một dĩa bánh tằm cay không thể thiếu chút giá đỗ, rau quế, xà lách để cân bằng từng lớp hương vị mạnh mẽ bên trên.
Rau quế cùng giá đỗ giúp cân bằng lại hương vị cay nồng của cà ri. (Ảnh: thanhdifood)
Bánh tằm bì không chỉ dân dã, giá cả phải chăng mà có thể ăn vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, từ sáng, trưa, xế, hay tối.
Dĩa bánh tằm bì không quá nhiều nhưng đủ để người dùng ăn no bụng mà không cảm thấy ngấy, thậm chí còn để lại chút cảm giác thèm thuồng vấn vương sau khi thưởng thức xong.
Đến Cà Mau mà chưa thử bánh tằm cay thì coi như lỡ mất một trải nghiệm thú vị. (Ảnh: foodiebylybeos)
Nếu muốn biết ẩm thực vùng cực Nam Tổ quốc độc đáo ra sao, nhất định phải thử một dĩa bánh tằm cay chính gốc Cà Mau. Bạn sẽ ngạc nhiên với trải nghiệm vị giác mà mình được thưởng thức đấy!
Theo VTC