Không khí náo nhiệt đón các sĩ tử tại cổng Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM). Ảnh: Nguyễn Huế
Về đề thi Ngữ văn năm nay, thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đánh giá: "Người ra đề coi trọng tính an toàn, dù vậy sự phân hóa của đề thi vẫn được đảm bảo (chủ yếu nằm ở câu hỏi số 3 của phần Đọc hiểu, cách triển khai các ý trong phần Nghị luận xã hội và nội dung nhận xét ngắn ở phần Nghị luận văn học), dự kiến điểm thi tập trung quanh ngưỡng từ 6,5-7,0".
Phần Đọc hiểu: Vấn đề tính kế thừa giữa các thế hệ, dù trong đời sống nói chung hay trong sáng tác nghệ thuật nói riêng, đều rất ý nghĩa, xứng đáng là vấn đề nêu ra cho giới trẻ suy nghĩ. Ngữ liệu được chọn là một đoạn trích hay với cách diễn đạt giàu tính biểu trưng, hình ảnh giàu sức gợi, ngôn từ thấm đẫm cảm xúc.
Phần Nghị luận xã hội: Vấn đề “tôn trọng cá tính” dẫu khá quen thuộc nhưng vẫn có ý nghĩa giáo dục đối với học sinh. Nói lên tiếng nói cá nhân, thể hiện bản sắc cá nhân và tôn trọng sự khác biệt là những điều thiết thân với các em trong đời sống ; từ đó giúp các em hình thành ý thức hoàn thiện nhân cách trong tương lai.
Phần Nghị luận văn học: Dẫu tác phẩm (và cả ngữ liệu trong đề) quen thuộc, nằm trong vùng trọng tâm ôn tập nhưng nội dung phân hóa khá thú vị, có tính kết nối cao với chủ đề của đề thi. Đây chính là một nét đặc trưng trong sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm, hiểu được điều này, các em càng thêm tôn trọng bản sắc cá nhân, cá tính sáng tạo của tác giả trong sáng tác.
Đặng Tiến Đạt (Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Hà Nội) hào hứng ra khỏi trường thi với màu áo đỏ của đội Manchester United. Đạt cười kể: "Hôm nay, em làm bài tương đối tốt. Chưa biết được bao nhiêu điểm nhưng mong sẽ đỗ được vào Đại học Thương mại". Ảnh: Mạnh Hùng
Thầy Đỗ Đức Anh, Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM nhận định, đề thi không khó, không gây bất ngờ, không có đột phá. Về cơ bản, cấu trúc và cách hỏi tương tự như các năm trước. Các thí sinh có quá trình ôn luyện chăm chỉ và có kỹ năng làm bài có thể đạt 7 điểm trở lên. Đề thi cũng không dài mà vừa phải, gói gọn trong một mặt giấy A4. Đề thi không khó nên sẽ phù hợp để xét tốt nghiệp, nhưng tính phân loại không quá cao, sẽ khó để xét nhiệm vụ kép và xét vào đại học.
Theo thầy Đức Anh, phần Đọc hiểu, là một văn bản văn xuôi đã lấy hai đoạn văn trong văn bản Dòng sông và những thế hệ của nước của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ngữ liệu có độ dài vừa phải, diễn đạt dễ hiểu, vấn đề nội dung đặt ra trong bài viết cũng hay, có tính khơi gợi và có giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục.
Bốn câu hỏi của phần Đọc hiểu tương đối dễ, học sinh dễ kiếm điểm tuyệt đối phần này nếu làm bài kỹ lưỡng. Trong đó, câu 1 và câu 2 thuộc kiểu "chống liệt", chỉ cần chép từ văn bản ra là có điểm. Với câu 3-4, thí sinh phải hiểu vấn đề thì mới trả lời được tác dụng của việc liên tưởng so sánh dòng chảy của con sông với lịch sử của sự sáng tạo nghệ thuật và rút ra bài học về lối sống cho bản thân.
“Tôi đánh giá cao và khá thích phần Đọc hiểu. Các câu hỏi không bị cũ kỹ, không thiên về kiểm tra kiến thức tiếng Việt, ngữ pháp như mọi năm", thầy Đức Anh nói.
Câu số 4, theo thầy Đức Anh có độ mở, cho thí sinh có cơ hội được nói lên suy nghĩ riêng của bản thân.
Câu Nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết đoạn văn bàn về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Vấn đề đặt ra thú vị, vừa phải với thí sinh, phù hợp tâm lý lửa tuổi mới lớn, đang muốn khẳng định mình. Vấn đề cũng có tính giáo dục cao, khá gần gũi, dễ hiểu. Với những thí sinh có kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội sẽ có thể dễ dàng xử lý tốt câu này trong thời gian ngắn vì vấn đề đặt ra không khó, dễ tìm ý.
Câu Nghị luận văn học gọi tên tác phẩm Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm - một trong những tác phẩm có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong vòng 10 năm qua (4 lần). Tác phẩm có lẽ nằm trong dự đoán ôn trọng tâm của nhiều thí sinh, nên khi phát đề thí sinh không quá bất ngờ mà tỏ ra bình thản khi nhận đề.
Theo thầy Đức Anh, đoạn thơ không quá dài, nhưng khi phân tích lại có nhiều vấn đề gợi mở nhiều luận điểm, nhiều ý cần phân tích nên đòi hỏi thí sinh phải biết xử lý đề, có kỹ năng làm bài mới kịp thời gian. Ngoài yêu cầu chính là phân tích đoạn thơ, đề còn một yêu cầu phụ để phân loại thí sinh là nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn trích. Phần này dù thuộc phong cách thơ rất đặc trưng của Nguyễn Khoa Điềm nhưng có lẽ sẽ khiến nhiều thí sinh lúng túng.
TS Phạm Hải Linh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, đánh giá đề thi năm nay cơ bản, không quá bất ngờ. Đề có cấu trúc phù hợp, đảm bảo sự phân hoá với mục tiêu tuyển sinh vào các trường đại học.
Ở câu Nghị luận xã hội, cô Linh đánh giá khá hay và thực tế, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học trò phổ thông. Câu Nghị luận văn học yêu cầu phân tích 18 câu thơ đầu đoạn trích Đất nước là yêu cầu cơ bản, đa phần học sinh sẽ làm được. Đây là đoạn trọng tâm và dễ viết hay nhất trong bài nhưng đòi hỏi học sinh phải có khả năng tổng hợp và khái quát ý tốt.
Phần thứ hai của đề yêu cầu “nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm”, TS Linh cho rằng không dễ với học sinh, vì thế sẽ có khả năng phân loại.
Với đề này, TS Phạm Hải Linh dự đoán sẽ có nhiều điểm 7-8.
Năm ngoái, điểm trung bình môn Ngữ văn trên cả nước là 6,86 điểm, điểm trung vị là 7,0 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0 điểm. Số thí sinh có điểm từ 1 trở xuống là 92, chiếm tỷ lệ 0,009%; số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 73.622, chiếm tỷ lệ 7,3%.
Phần Nghị luận văn học: Dẫu tác phẩm (và cả ngữ liệu trong đề) quen thuộc, nằm trong vùng trọng tâm ôn tập nhưng nội dung phân hóa khá thú vị, có tính kết nối cao với chủ đề của đề thi. Đây chính là một nét đặc trưng trong sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm, hiểu được điều này, các em càng thêm tôn trọng bản sắc cá nhân, cá tính sáng tạo của tác giả trong sáng tác.
Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT là 1.071.000, tăng hơn 45.000 thí sinh so với năm ngoái. Trong đó, số thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38%. Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 66.927 em, chiếm 6,25%; nhiều nhất là thí sinh của Hà Nội với 21.554 thí sinh; TP.HCM có 13.076 em.
Năm nay, chỉ 37% thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên, còn lại 63% chọn bài thi Khoa học xã hội. So với năm ngoái, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng và cao nhất kể từ năm 2017 năm trở lại đây.
Cô Dương Thị Thanh Thủy (Tổ trưởng tổ Ngữ văn của Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội) nhận định: “Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2024 được đánh giá có mức độ khó vừa phải, thử thách học sinh ở nhiều khía cạnh khác nhau từ hiểu biết, suy nghĩ đến khả năng áp dụng. Điều này đảm bảo tính công bằng và chất lượng trong quá trình đánh giá năng lực của học sinh cấp THPT”.
Về cấu trúc, cô Thủy cho hay, đề thi có cấu trúc rõ ràng, gồm 2 phần: phần Đọc hiểu (3 điểm); phần Làm văn (7 điểm) với 2 câu Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. “Đây là cấu trúc ổn định trong những năm gần đây nên học sinh không bất ngờ và được ôn luyện kỹ càng. Đề minh họa Bộ GD-ĐT công bố trước đó cũng bám sát cấu trúc này nên khá thuận lợi cho học sinh trong quá trình thực hiện bài thi”, cô Thủy nói.
Về độ khó, tính phân loại, cô Thủy cho hay, đề thi sử dụng ngữ liệu Đọc hiểu là một đoạn văn trích từ bài viết Dòng sông và những thế hệ của nước của tác giả Nguyễn Quang Thiều có nội dung sâu sắc và ngôn ngữ giàu hình ảnh. Phần Đọc hiểu có hỏi 4 câu hỏi. Hai câu 1-2 ở mức độ nhận biết - những câu hỏi hầu như học sinh nào cũng có thể làm được; câu 3 (mức độ thông hiểu) đòi hỏi học sinh phải tư duy để chỉ rõ tác dụng của việc liên tưởng dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật; câu 4 (mức độ vận dụng) từ suy ngẫm của tác giả, học sinh rút ra bài học về lối sống cho bản thân.
Theo cô Thủy, các câu hỏi trong đề thi yêu cầu học sinh không chỉ nhận diện/trích lọc thông tin mà còn phải chỉ rõ được tác dụng của việc liên tưởng, tìm ra bài học vận dụng vào đời sống cho bản thân. Việc này đặt ra thách thức đối với học sinh không chỉ về khả năng đọc hiểu mà còn về khả năng suy nghĩ logic, phân tích và tư duy sâu.
Câu Nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về “ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính”. Để hoàn thành câu hỏi này, học sinh thực hiện đúng kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội: bàn luận về ý nghĩa của vấn đề, lấy những dẫn chứng đời sống để minh họa và rút ra bài học của bản thân.
Câu Nghị luận văn học yêu cầu học sinh phân tích đoạn trích trong tác phẩm Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, từ đó nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả được thể hiện trong đọan trích thơ. “Đây là tác phẩm học sinh chắc chắn được ôn tập kỹ, không bất ngờ nên học sinh có thể hoàn thành bài thi tốt. Tuy nhiên, đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kỹ năng phân tích đoạn trích thơ mà còn phải thực sự hiểu sâu nội dung tư tưởng của tác phẩm mà tác giả gửi gắm. Đề bài nghị luận văn học này có tính phân hóa cao”, cô Thủy nhận xét.
Như vậy, cô Thủy cho rằng, đề thi có mức độ khó tăng dần. Các câu hỏi được thiết kế để kiểm tra năng lực của học sinh ở nhiều mặt khác nhau, từ kiến thức cơ bản đến năng lực sử dụng và áp dụng vào thực tế.
Với đề thi này, cô Thủy cho rằng, học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5,5 - 6,6 đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp; các học sinh khá có thể đạt được mức điểm 7,0 - 7,5; học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8,0-8,5 trở lên.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Các hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26-29/6; chấm thi từ ngày 29/6; công bố kết quả thi vào 8h ngày 17/7, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7.
Theo Vietnamnet