Sơn La là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc không chỉ nổi tiếng về các điểm du lịch như Hồ Tiền Phong, thác Dải Yếm, núi Pha Luông… nơi đây còn nổi tiếng bởi nhiều món đặc sản độc, lạ mà khiến người nghe, người nhìn vừa thích thú, vừa hãi hùng. Trong đó thịt thối có giòi là món ăn không thể thiếu trong các dịp quan trọng của dân tộc Khơ Mú.
Kính Coong theo cách hiểu của ngôn ngữ phổ thông có nghĩa là canh thịt thối.
Bước chân vào nhà người Khơ Mú, đập vào mắt du khách sẽ là những miếng thịt trâu, bò, lợn và cả nội tạng treo ở gác bếp đã ngả màu và bốc mùi hôi. Đây chính là nguyên liệu vô cùng quan trọng trong món Kính Coong – món ăn truyền thống từ lâu đời của dân tộc Khơ Mú, cũng là món không thể thiếu của người Khơ Mú trong những dịp cưới xin, lễ tết.
Đối với họ, miếng thịt có mùi thối luôn là một hương vị đặc biệt, càng thối càng ngon, và những ai ăn quen sẽ nghiện.
Theo tiếng Khơ Mú, Kính nghĩa là một loại canh thập cẩm, Coong là tên gọi của tổng hợp hầu hết các loại gia vị, rau củ quả,... nấu với thịt thối. Nôm na, Kính Coong theo cách hiểu của ngôn ngữ phổ thông có nghĩa là canh thịt thối.
Để tạo ra thịt thối, họ treo thịt lên gác bếp hàng tuần, rồi hàng ngày vẩy nước để tạo độ ẩm, thu hút ruồi nhặng bay đến đậu vào làm tổ, mang theo cả vi sinh vật.
Để tạo ra thịt thối, họ treo thịt lên gác bếp hàng tuần, rồi hàng ngày vẩy nước để tạo độ ẩm, thu hút ruồi nhặng bay đến đậu vào làm tổ, mang theo cả vi sinh vật.
Thịt không được tẩm ướp muối, gia vị mà treo chờ phân hủy đến khi bốc mùi thì mang ra chế biến. Thịt càng thối càng đạt tiêu chuẩn và đặc biệt càng có nhiều giòi người chế biến càng thích, món ăn càng ngon. Họ chỉ treo những phần thịt dễ bị thối nhất như nội tạng, thịt bụng...
Để nấu được món Kính Coong, người ta phải đổ nước hầm nát nhừ, rồi cho các loại rau củ quả, gia vị thêm một ít bột gạo cho sóng sánh. Trong số gia vị đó có đầy đủ tiêu rừng, tỏi, gừng, lá cây rừng, ớt, sả… giúp người ăn chữa bệnh dạ dày, gan, mật ổn định.
Trước đây, món Kính Coong lấy từ thành phẩm săn bắt của người Khơ Mú. Mọi thú vật săn bắt được vật như lợn, trâu, bò, hoẵng đều được đưa vào chế biến. Đặc biệt, chuột là món rất được ưa chuộng bởi dễ gây mùi thối nhất trong các loại thịt. Có những trường hợp lên rừng, gặp 1 con vật đã chết lâu, người Khơ Mú vẫn lấy thịt về dùng.
Ngày nay thú rừng ít đi, người Khơ Mú dùng chính sản phẩm gia súc, gia cầm nuôi trong nhà để chế biến thành món Kính Coong.
Đây là một món ăn không thể thiếu trong các bữa tiệc đãi khách của người Khơ Mú. Theo họ, nếu trên bàn ăn không có món này thì coi như chủ nhà thất lễ với khách. Và nếu khách mà từ chối món ăn với bất kỳ lý do gì thì cũng đều là phụ lòng gia chủ. Vậy nên, đến với Sơn La, bạn hãy thử khám phá món ăn có một không hai này.
Rau thối cũng được xem là món ăn nổi tiếng của ẩm thực Sơn La
Ngoài thịt thối, Sơn La còn nổi tiếng với món rau thối “độc nhất vô nhị”. Đây là loại cây dây leo, lá kép màu xanh thẫm, mọc đối xứng nhau. Thân cây và cành lá có rất nhiều gai nhọn. Sở dĩ người ta đặt cho nó cái tên rau thối là cũng bởi vì mùi hôi nồng mà dù có đứng cách xa cả mấy mét vẫn dễ phát hiện ra.
Rau thối mọc hoang nhiều trong các cánh rừng. Thân cây vươn dài, quấn quanh vào bất cứ cây nào sống bên cạnh. Những chồi lá non tơ hướng thẳng lên cao, hứng trọn hết những giọt sương thuần khiết và tia nắng mai vàng óng của đất trời Tây Bắc.
Rau thối được người Thái chế biến thành nhiều món như nấu canh, xào hoặc làm nộm. Với phong cách nấu nướng không quá cầu kì, người Thái thường kết hợp rau cùng thịt trâu, thịt lợn hoặc mớ cá tươi mới bắt từ suối về. Cũng có khi chỉ cần ít mỡ hành phi thơm rồi cho nắm rau xanh mướt ấy vào xào nhanh tay là cũng khiến bữa ăn trở nên hấp dẫn lạ thường.
Cái vị ngai ngái, ngầy ngậy cộng thêm chút hương nồng cứ vương vấn nơi cổ họng, đủ để khiến bất kì ai yêu thích các đặc sản vùng cao phải ứa nước miếng thòm thèm.
Nhiều người thường ví rau thối với quả sầu riêng. Mùi hôi nồng của chúng khiến những ai lần đầu thưởng thức đều thấy sợ và khó chịu nhưng khi đã ăn quen thì nó lại dễ gây nghiện, khiến ta nhớ mãi.
Món Kính Coong và rau thối đều được xem là hai món ăn nổi tiếng, được sử dụng phổ biến trong bữa cơm của người dân tộc ở Sơn La. Nếu có dịp du lịch một lần qua đây, hãy đừng quên thưởng thức để cảm nhận ẩm thực độc đáo vùng đất Tây Bắc.
Theo Dân Trí