Chồng tôi hay đi công tác xa nhà, nên việc nhà cửa, chăm sóc mẹ đều đến tay tôi. Là người đã nếm trải đủ mọi thứ đắng cay, vất vả trên đời, nên tôi không nề hà gì cả. Tôi toàn tâm toàn ý chăm lo, sắp đặt mọi việc trong nhà, mẹ chồng rất hài lòng, chưa bao giờ tôi làm bà phật ý hay phải to tiếng với con dâu.

Em gái chồng lấy chồng xa, thi thoảng mới về thăm nhà. Thế nhưng mỗi lần về, cô ấy đều không hỏi thăm sức khỏe của mẹ, chỉ ăn uống rồi đảo quanh nhà một lượt xem có thứ gì tốt, cái gì ngon thì mang về nhà chồng.

Việc chăm sóc mẹ già ốm yếu, cô ấy nói thẳng: "Em nói thật, em lấy chồng rồi như bát nước đổ đi, bây giờ việc trong nhà phiền chị làm cho em với".

Mẹ chồng tôi vô tình nghe được nhưng bà không nói gì, chỉ quay đi, thầm lau nước mắt. Lời em chồng nói, tôi nghe vậy rồi cũng không nghĩ gì nhiều, vì trong lời cô ấy nói cũng có một phần đúng.

Mẹ chồng lâm bệnh nặng. Chồng tôi bận công tác nên cuối tuần mới về được. Việc đưa bà đi khám, làm các xét nghiệm, rồi ký cam kết để làm phẫu thuật cho bà, cũng đều một tay tôi làm.

Thật ra có một lần tôi gọi điện cho em chồng nhưng cô ấy luôn tìm cách né tránh để không phải về giúp tôi chăm mẹ. Vậy là từ đó về sau, mỗi lần mẹ chồng tôi lên bệnh viện để chữa trị, tôi chỉ gọi điện thông báo cho cô ấy, chứ không nhờ cô ấy về chăm bà nữa.

Thời gian đằng đẵng trôi đi, 4 năm sau thì mẹ chồng tôi mất. Bà ra đi trong cảnh cô đơn tận cùng. Con trai chưa về kịp, con gái chờ chồng tan làm mới đến được. Tôi càng nghĩ càng thấy thương bà, tình cảm tôi dành cho bà sâu nặng như với chính mẹ đẻ của mình vậy.

Tuy không đẻ không nuôi, nhưng bà thương tôi như con gái, vả lại mọi việc trong gia đình bà đều tin tưởng giao phó cho tôi làm. Nghĩ đến việc không còn mẹ chồng trên đời, lòng tôi đau như cắt.

Một lòng chăm sóc mẹ chồng, tôi sụp đổ khi đọc di chúc và khóc òa khi biết sự thật-1
Đọc di chúc xong, tôi thầm oán trách mẹ chồng (Ảnh minh họa)

Tang lễ xong, anh em nhà chồng ngồi lại với nhau và đọc di chúc của bà. Mẹ chồng tôi có 1 ngôi nhà đang ở và 1 miếng đất đã mua ngoài thành phố. Ngôi nhà ở quê thì cho vợ chồng tôi, còn miếng đất ngoài thành phố để lại cho em chồng.

Tôi thẫn thờ nghĩ ngợi: thì ra là như vậy. Con dâu mãi là người ngoài, còn con gái dù cho có vô tâm thế nào cũng vẫn là đứa con mà mẹ thương nhất. Tôi chẳng thiết tha gì nữa, tôi cũng chỉ là một "ao nước lã", không hơn không kém, và thầm oán trách bà.

Mấy hôm sau, tôi vào dọn dẹp phòng ngủ của mẹ chồng. Khi lật đệm lên để dọn giường, tôi thấy một cái gói nhỏ và một tờ giấy rơi ra. Tôi mở ra xem. Trong cái gói nhỏ màu đỏ là một xâu nhẫn vàng ta, mỗi chiếc 1 chỉ vàng. Tôi đếm đi đếm lại, tổng cộng có 20 chiếc nhẫn. Tờ giấy nhỏ là một bức thư viết bằng bút chì, nét chữ nguệch ngoạc, run rẩy:

"G. con, nếu con có đọc được bức thư này, hãy mãi nhớ về mẹ nhé. Số phận mẹ hẩm hiu, chồng mất sớm, các con đẻ thì mỗi đứa một nơi chẳng mấy khi về thăm mẹ. Mẹ chẳng biết trông cậy vào ai ngoài con. Mọi việc trong nhà con quán xuyến chu toàn đâu ra đấy, mẹ không chê trách chuyện gì. 2 cây vàng này mẹ dành dụm cả đời, bây giờ mẹ cho con làm vốn để tiếp tục làm ăn, rồi phòng khi cơ nhỡ...".

Mắt tôi nhòe đi. Mẹ nghĩ cho tôi như vậy mà tôi còn thầm oán trách bà. Nghĩ lại mà tôi thấy có lỗi với mẹ quá!

Theo Pháp luật và bạn đọc