Theo Korea Times, Lotte World, khu phức hợp giải trí lớn tại Jamsil (Seoul) khởi động lễ hội vào tháng 9 với chủ đề "Dark Moon in Lotte World". Năm nay, tổ hợp giải trí này hợp tác với nhóm nhạc nam K-pop Enhypen để trang trí công viên theo chủ đề truyện tranh.
Trong khi những năm trước đó, Lotte World thường tổ chức các sự kiện mang sắc màu Halloween rất hoành tráng và mãn nhãn, với khung cảnh những ngôi nhà ma ám, những màn biểu diễn người đóng giả thây ma và hình ảnh máu me, rùng rợn.
Tương tự, Everland, một công viên giải trí nổi tiếng khác ở Yongin (tỉnh Kyonggi) đã chọn "Happy Thanksgiving Day" (Chúc mừng ngày lễ tạ ơn) làm chủ đề cho lễ hội năm nay.
Khu vườn Four Seasons của công viên được trang trí bằng hoa và trái cây của mùa thu, cùng các hoạt động đơn giản, thay vì diễu hành sôi nổi theo chủ đề Halloween như thường lệ.
Con hẻm ở Itaewon, trung tâm Seoul, nơi xảy ra thảm họa dẫm đạp khiến ít nhất 158 người thiệt mạng (Ảnh: Yonhap).
Ngay cả các địa phương cũng hủy bỏ lễ hội Halloween, như lễ hội Halloween Daegu, một sự kiện quan trọng của thành phố kể từ năm 2018, cũng bị hủy bỏ trong năm nay.
Theo chính quyền Daegu, quyết định này được đưa ra dựa theo tâm nguyện của công chúng trước ngày kỷ niệm một năm thảm kịch Itaewon.
Các trường mẫu giáo, cơ sở giáo dục tư nhân cũng "quay lưng" với Halloween trong năm nay. Một trường mẫu giáo ở quận Dongjak (phía Nam Seoul) đã tổ chức một sự kiện ẩm thực mùa thu vào năm nay.
"Đó là một quyết định đúng đắn. Nếu trường mẫu giáo của con tôi tổ chức lễ hội Halloween, tôi sẽ không đồng ý", một nhân viên văn phòng 40 tuổi, có con bắt đầu học mẫu giáo từ tháng 7 năm nay, nói.
Một người đàn ông viết thông điệp lên bức tường tưởng niệm nơi xảy ra thảm họa dẫm đạp ở Itaewon, ngày 15/10 (Ảnh: Yonhap).
Trong khi đó, những cuộc tranh cãi nổ ra xung quanh một bài đăng trên mạng xã hội với câu hỏi: "Halloween này đến Itaewon có phải là hành vi không phù hợp không?".
Người dùng mạng chia sẻ nhiều quan điểm trái chiều. Một số tin rằng tốt hơn là không nên đi, số khác nói vẫn nên tổ chức nhưng đi hay không là quyết định của mỗi người.
"Tôi nghĩ việc có đến Itaewon hay không là tùy thuộc vào mỗi người", Cha Min-hyung (28 tuổi, nhân viên văn phòng), cho biết nếu ai đó muốn thưởng thức bữa tiệc Halloween sẽ phải tự chịu rủi ro, nhất là trong không gian đông người.
Kim Yu Bin (24 tuổi, nhân viên văn phòng) cho rằng anh hiểu mục đích và tầm quan trọng của việc tưởng nhớ thảm kịch, nhưng không cần thiết phải cấm tổ chức lễ Halloween.
"Bi kịch ở Itaewon và lễ hội Halloween nên được tách biệt", Kim nói.
Cũng có mối lo ngại ngày càng tăng rằng mọi người có thể đổ ra đường xung quanh Đại học Hongik ở phía Tây Seoul. Nhiều bạn trẻ đã tập trung tại đây vào ngày 30/10 năm ngoái - một ngày sau thảm họa Itaewon. Điều này làm dấy lên lo ngại về cảnh tượng giẫm đạp tương tự có thể xảy ra.
Tối 29/10/2022, thảm kịch giẫm đạp đã xảy ra tại một con hẻm dốc, hẹp ở quận Itaewon, thủ đô Seoul của Hàn Quốc, khiến ít nhất 158 người chết, trong đó có 26 người nước ngoài.
Nạn nhân chủ yếu là người trẻ trong độ tuổi từ 20-30, một phần trong đám đông hơn 100.000 người đổ về Itaewon để chơi hội Halloween.
Đây là thảm họa tồi tệ nhất trong thời bình ở Hàn Quốc, kể từ sau vụ lật phà Sewol vào năm 2014 khiến hơn 300 người thiệt mạng.
Theo Dân trí