Thiên thạch mang tên Sar2667, đường kính khoảng 1 mét, đã nổ tung ở phía trên eo biển Manche (Măng-sơ), biến thành một quả cầu lửa và thắp sáng bầu trời đêm ngày 13/2.

Người dân ở Anh, xứ Wales và một số vùng ở nước Pháp đã có thể nhìn thấy sự kiện này.

Các nhà khoa học gọi đây là “một khoảnh khắc lịch sử” vì đây mới chỉ là lần thứ 7 mà người ta dự đoán được về việc một thiên thạch có “tác động” đến Trái Đất, theo The Mirror và The Sun.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) viết, việc dự đoán này “là một dấu hiệu của sự tiến bộ nhanh chóng trong khả năng phát hiện thiên thạch trên toàn cầu”.

Trước đó, Sar2667 được Tổ chức Khí tượng Quốc tế dự đoán là sẽ “xâm nhập bầu khí quyển Trái Đất một cách an toàn” ở vị trí phía trên của miền Bắc nước Pháp, rồi tạo ra hiệu ứng “quả cầu lửa”.

Và quả thật là Sar2667 đã bay ngang bầu trời, rực rỡ như một viên kim cương, ban đầu có màu xanh ngọc, sau chuyển thành màu cam rồi nổ tung thành một quả cầu lửa sáng chói.

Mark Boslough, nhà vật lý học ở Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (Mỹ), nói với trang Wales Online rằng mặc dù những vụ nổ trên không ở mức độ này có thể xảy ra vài lần trong một năm, nhưng “rất hiếm khi được phát hiện ra từ trước”.

Một thiên thạch vừa bay xuyên qua khí quyển Trái Đất-1
Đây là một trong những lần hiếm hoi người ta dự đoán được về một thiên thạch tác động đến Trái Đất thế nào. Ảnh: Austin Huffmaster/ Twitter.

ESA cũng viết rằng sự kiện thiên thạch lao qua bầu khí quyển Trái Đất này xảy ra đúng 10 năm kể từ khi thiên thạch Chelyabinsk bay qua bầu khí quyển Trái Đất và nổ tung trên bầu trời nước Nga, gây chấn động mạnh đến mức làm vỡ cửa sổ ở nhiều thành phố vào ngày 15/2/2013.

Theo Hoa học trò