Một tổ chức từ bỏ bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ

Tổ chức Miss Panama ra thông báo về việc họ không tiếp tục mua bản quyền Miss Universe vào năm tới.

Ngày 9/12, tổ chức Miss Panama đăng tải thông báo về việc từ bỏ bản quyền Miss Universe khiến nhiều người bất ngờ.

Ban tổ chức Miss Panama viết: "Chúng tôi không có thời gian cần thiết để được phê duyệt nhượng quyền thương mại vào đúng thời điểm, điều này đã ngăn cản chúng tôi thu hút các nhà tài trợ cần thiết để trang trải chi phí cao liên quan đến việc sản xuất và chuẩn bị cho các đại diện của chúng tôi".

Ban tổ chức cũng khẳng định họ cạnh tranh bình đẳng với các quốc gia khác trong việc đấu thầu bản quyền và yêu cầu các thông tin phải được minh bạch.

Một tổ chức từ bỏ bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ-1Một tổ chức từ bỏ bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ-2
Tổ chức Miss Panama ra thông báo về việc không tiếp tục mua bản quyền Miss Universe vào năm tới.

"Chúng tôi phải đối mặt với những tình huống mà công chúng đã biết về các hướng dẫn và thay đổi. Tình huống này rất phức tạp khi các giám đốc và nhóm làm việc khác được cấp đặc quyền trong quá trình đấu thầu mà chúng tôi với tư cách là một tổ chức lại không hề hay biết", ban tổ chức Miss Panama viết.

Miss Panama không phải là tổ chức duy nhất từ bỏ bản quyền Miss Universe kể từ khi nữ tỷ phú chuyển giới người Thái Lan - Anne Jakrakutatip lên nắm quyền điều hành cuộc thi Miss Universe.

Tại châu Á, hàng loạt tổ chức uy tín, lâu năm cũng mất bản quyền Miss Universe vào tay các đơn vị mới. Điển hình là tại Indonesia và Việt Nam.

Ở Indonesia, tổ chức uy tín và lâu đời là Puteri Indonesia chấp nhận bỏ tiền gấp 10 lần để duy trì bản quyền Miss Universe nhưng vẫn bị mất vào tay đối thủ là công ty PT Capella Swastika Karya.

Ở Việt Nam, bản quyền của cuộc thi Miss Universe Vietnam được công bố thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần Thương mại Hoa Hậu Hoàn vũ Việt Nam, do Lan Khuê làm CEO khu vực phía Nam. Trước đó, công ty Cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn (Unicorp) là đơn vị nắm bản quyền Miss Universe ở Việt Nam trong nhiều năm liền.

Điều đáng nói, sau khi nắm bản quyền, cả công ty PT Capella Swastika Karya và Công ty Cổ phần Thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đều để xảy ra những lùm xùm và bị công chúng chỉ trích.

Những rắc rối này được cho là bài học đắt giá với bà Anne vì đã trao bản quyền các cuộc thi cấp quốc gia dựa trên quan hệ, tiền bạc, chứ không theo sự uy tín của đơn vị giữ bản quyền.

Gần đây nhất, tổ chức Mexicana Universal cũng mất bản quyền Miss Universe vào tay đơn vị khác. Cựu Hoa hậu Hoàn vũ 1991 Lupita Jones - giám đốc quốc gia của Mexicana Universal cho biết không thể duy trì bản quyền Miss Universe vì không thể đáp ứng được yêu cầu về tài chính của bà Anne.

Bà Lupita cũng cảnh báo các giám đốc quốc gia khác về việc chuẩn bị tài chính vững mạnh nếu muốn duy trì bản quyền vì bà Anne và tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ đang rất cần tiền ở thời điểm này.

Hiện tại, tập đoàn JKN của nữ tỷ phú chuyển giới Anne Jakrakutatip đối mặt với cơn khủng hoảng tài chính nặng nề. Bà Anne liên tiếp bị kiện, đòi bồi thường số tiền lớn. Chính vì thế, nhiều người nhận định nữ tỷ phú sẽ tiếp tục tăng giá đấu thầu bản quyền Miss Universe để đảm bảo tài chính duy trì việc tổ chức cuộc thi trong những năm tới.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/mot-to-chuc-tu-bo-ban-quyen-hoa-hau-hoan-vu-post1594625.tpo

Miss Universe Hoa Hậu Hoàn Vũ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao