Trao đổi chiều 20/4, chỉ huy quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết một trong 2 xe nhãn hiệu Porsche đã bị đục số khung, số máy và đeo biển số giả. Người điều khiển phương tiện này vẫn chưa đến cơ quan công an làm việc.

“Chúng tôi đã xác định được danh tính người này và đang hoàn thiện các thủ tục để phục vụ công tác điều tra”, chỉ huy Công an quận Hoàng Mai cho hay.

Một trong 2 xe Porsche cùng biển số bị đục số khung, số máy-1
Hai xe Porsche cùng biển số ...715.10 bị công an tạm giữ. Ảnh: H.Q.

Sáng 19/4, 2 xe Porsche cùng biển số ...715.10 cùng xuất hiện tại khu vực tòa P7, phân khu Park Hill thuộc khu đô thị Times City, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo hình ảnh được ghi lại, chiếc xe màu xám bị khóa bánh, chiếc còn lại có màu đen ngả nâu.

Công an quận Hoàng Mai sau đó đã tạm giữ 2 xe này để điều tra làm rõ.

Khi sự việc được lan truyền trên mạng, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục CSGT, nhận định có thể một trong 2 phương tiện dùng biển số giả.

Nếu xe được đăng ký, đăng kiểm đúng theo quy định rồi gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, chủ xe sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng, tước bằng lái từ 1 đến 3 tháng. Tịch thu biển số không đúng với cơ quan có thẩm quyền đã cấp.

Còn nếu xe không rõ nguồn gốc xuất xứ, xe gian không thể đăng ký, đăng kiểm, CSGT sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng khác để điều tra, xác định nguồn gốc phương tiện làm căn cứ xử lý.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hành vi điều khiển ôtô dùng biển giả là xe không rõ nguồn gốc xuất xứ, xe gian hoặc xe phạm tội, tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu tài xế không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì có thể bị xử phạt về hành vi điều khiển phương tiện không có giấy đăng ký xe tham gia giao thông mức phạt 2-4 triệu (đối với cá nhân) và bị tịch thu phương tiện.

Còn đối với xe liên quan hành vi phạm tội, nếu xác định chủ xe có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

“Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, luật sư nói thêm.

Theo Zing