Mua bán người: Sốc những thủ đoạn tàn nhẫn

Năm 2012, xuất hiện nhiều thủ đoạn, hình thức mua bán người mới; cơ quan chức năng đã phát hiện gần 500 vụ mua bán người với hơn 800 đối tượng, lừa bán trên 850 nạn nhân...

Đây là con số do Văn phòng Thường trực Phòng chống tội phạm và ma túy (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm) báo cáo tại Hội thảo quốc tế chia sẻ thông tin về phòng, chống mua bán người, diễn ra ngày 21/12, tại Hà Nội, do Bộ Công an tổ chức.

Nhiều thủ đoạn, hình thức mua bán người mới

Theo Bộ công an cho biết, điểm nóng nhất của tình trạng mua bán người ở Việt Nam là ở tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng số vụ mua bán người, phát hiện chủ yếu tại các địa phương: Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Nạn nhân phần lớn là từ các tỉnh, thành phố phía Bắc bị đưa tới các tỉnh biên giới bán sang Trung Quốc.
Đối tượng phạm tội mua bán người thường lừa gạt những cô gái dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm, rủ đi làm ăn, buôn bán…., sau đó lừa nạn nhân bán họ vào động mại dâm hoạt động dọc biên giới hoặc đưa vào vùng sâu, vùng xa để bán làm vợ bất hợp pháp.
 
Hội thảo chia sẻ thông tin về phòng chống buôn bán người

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây đã phát hiện nhiều hình thức mua bán người mới như: chiếm đoạt bắt cóc trẻ em, mua bán trẻ sơ sinh, bán trẻ còn trong bào thai, mua bán nội tạng, mua bán người nam để cưỡng bức lao động...

Tại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, chiếm khoảng 11% tổng số vụ mua bán người trên cả nước. Lợi dụng địa bàn qua lại hai bên thuận tiện, các đối tượng buôn người đã bán các cô gái nhẹ dạ, cả tin vào các nhà chứa dọc biên giới hoặc bán sang nước thứ 3 như Thái Lan, Malaysia… Cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm vụ mua bán vận chuyển trẻ em tại tuyến biên giới này.

Xuất hiện nhiều trẻ em Campuchia bỏ nhà sang Việt Nam sống lang thang, ăn xin; phụ nữ tại các tỉnh miền Tây sang Thái Lan đẻ thuê… nhưng thực chất là buôn bán người.

Tại tuyến Việt Nam - Lào, đối tượng buôn bán người thông qua đường du lịch, buôn bán để đưa các cô gái nhẹ dạ cả tin bán vào cơ sở mại dâm dọc tuyến biên giới. Một số ít qua Lào bán sáng nước thứ ba như Thái Lan, Singapore...

Hàng nghìn nạn nhân được giải cứu

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến ngày 20/12/2012, toàn quốc phát hiện hơn 3.000 vụ, với hơn 5.000 đối tượng, lừa bán hơn 6.500 nạn nhân. So với 7 năm trước (1996-2003), phát hiện tăng 1.300 vụ, gần 2.500 đối tượng và 3.200 nạn nhân.

Riêng năm 2012, phát hiện gần 500 vụ, hơn 800 đối tượng, lừa bán trên 850 nạn nhân; các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 437 vụ, bắt 719 đối tượng và tổ chức tiếp nhận 1.206 nạn nhân thông qua giải cứu, trao trả và nạn nhân tự trở về.

Cũng trong năm 2012, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 211 vụ với 453 bị can về tội mua bán người; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 196 vụ với 406 đối tượng phạm tội mua bán người để xét xử và đã giải quyết 194 vụ với 400 bị cáo.

Bộ Công an cho biết, đối tượng buôn bán người chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người thường cấu kết với những người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, câu móc, lừa gạt nạn nhân đưa ra nước ngoài hoặc bán trong nội địa.

Đối tượng phạm tội là người nước ngoài ngày càng tăng, chủ yếu là người Đài Loan - Trung Quốc, Campuchia, Hàn Quốc, Malaysia… Một số đường dây người Việt cấu kết với người Czech, Nga, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore… lấy danh nghĩa vào Việt Nam du lịch, thăm người thân, liên doanh, liên kết làm ăn kinh tế để lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn rồi đưa ra nước ngoài bán...

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết , trong năm 2012, ngành LĐ-TB-XH các địa phương đã tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ cho 541 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Trong số  này có 65% tự trở về, 25% được giải cứu, số còn lại là trao trả qua đường ngoại giao.

Trước tình hình mua bán người tại Việt Nam thời gian qua diễn biến ngày càng phức tạp, tính chất, thủ đoạn cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và móc nối với người nước ngoài, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp nắm chắc tình hình, kịp thời đề ra các kế hoạch, biện pháp đấu tranh chống tội phạm mua bán người.

Lực lượng Công an tiếp tục tập trung lực lượng điều tra, khám phá, bóc gỡ các đường dây tội phạm mua bán người hoạt động xuyên quốc gia và quốc tế; mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, nhất là trên các tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia.
 
Theo VnMedia

Tin tức mới nhất