Theo Racked, bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của nhà chức trách các nước, hàng nhái vẫn ồ ạt xâm nhập thị trường toàn cầu. Những sản phẩm nhái “cao cấp” - từ đôi ankle boots của Chloé, ví cầm tay của Saint Laurent, cho đến chiếc túi lừng danh Le Boy của Chanel - đều được bán ra với cái giá khá cao, dù chúng không phải là đồ thật.
Nhưng liệu điều đó có làm cho người mua chùn tay? Chắc chắn là không. Đối với những chiếc túi PVC thông thường được bán trên đường phố, 400.000 là cái giá trung bình. Và những người săn hàng hiệu nhái giá cao có thể bỏ ra 5 triệu cho chiếc túi Chloé mini giả, 6 triệu cho Céline Phantom, 10 triệu cho Hermès Lindy, và đến hơn 40 triệu cho một chiếc Birkin trông giống như đồ thật.
Nhưng tiền không phải là điều kiện cần duy nhất để sở hữu những món đồ giả ấy. Nếu bỏ qua các yếu tố như người bán trung gian, để sở hữu một phiên bản làm giả của chiếc ví Saint Laurent, bạn cần phải lướt qua hàng loạt địa chỉ trên mạng Internet, cập nhật thông tin từ các nơi cung cấp khổng lồ như Taobao hay AliExpress.
Sau đó, bạn phải liên lạc trực tiếp với người bán hàng Trung Quốc qua WeChat, và cuối cùng là chuyển đi một số tiền khá lớn mà không gì đảm bảo sẽ nhận được những gì đã thoả thuận.
Tại sao lại phải chấp nhận mọi khó khăn, mơ hồ như một cuộc đánh bạc, chỉ để được sờ tay vào một sản phẩm xa xỉ bị làm giả?
Thị trường giá 1.000 tỷ USD
Hàng nhái là một thị trường rộng lớn trị giá một nghìn tỷ USD. Và đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn loay hoay tìm cách để hiểu được chính xác lý do vì sao 3 triệu người một năm chi tiền thực cho các sản phẩm giả.
Việc bỏ ra những món tiền khá lớn cho các sản phẩm được trình diễn ở trên sàn catwalk thì lại là một nhẽ. Nhưng bỏ nhiều thời gian, công sức và số tiền lớn khác vào những món đồ nhái lại là một điều khác. Tại sao lại phải chấp nhận mọi khó khăn, mơ hồ như một cuộc đánh bạc, chỉ để được sờ tay vào một sản phẩm “fake”?
Suy cho cùng, đối với rất nhiều người, hàng hóa vật chất là yếu tố cấu thành nên bản sắc. Khi theo đuổi các hình ảnh lý tưởng do chính mình đặt ra, người ta thường có xu hướng tìm kiếm, thu thập và trưng ra những món đồ thể hiện bản ngã đó.
Việc mua sắm có thể được xem như cầu nối giữa cách chúng ta muốn được người khác nhìn nhận, và cách người khác nhìn nhận chúng ta. Nếu chúng ta mãi ham muốn hình ảnh lý tưởng ấy, chúng ta sẽ tự bao quanh mình với những món đồ như một cách tạo dựng nên bản sắc.
Còn gì thể hiện nhanh nhất về quyền lực, thành công, óc thẩm mỹ và mức độ giàu có của một người, ngoài những món đồ xa xỉ? Và thật thú vị, khi những thứ ấy đều có thể được gói gọn trong một chiếc túi Chanel nhỏ.
June, một quản lý 29 tuổi mang hai dòng máu Mỹ - Trung đang làm việc tại thung lũng Silicon, đã trải qua nhiều mùa hè thơ ấu ở Trung Quốc. Đến nay, dù nhiều năm trôi qua, cô vẫn nhớ những kỷ niệm được đưa đi mua sắm tại cửa hàng bách hóa và chợ trời Trung Quốc.
“Tôi nhớ rõ cảm giác buồn tẻ của việc mua đồ tại các cửa hàng bách hóa. Nhưng đi đến các chợ trời thì khác, rất thú vị vì có nhiều đồ chơi rẻ”, cô nói. Bị cuốn hút bởi những đôi giày Converse cùng chiếc túi xách giả mà mình đã nhìn thấy, June lần mò tìm đến thị trường làm đồ giả.
Và ở tuổi 20, cô đã mua về cho mình chiếc túi fake đầu tiên hiệu Dolce & Gabbana. Mặc dù đã tìm đến những chiếc túi hiệu thật vào thời gian sau này, June vẫn thừa nhận chính những món đồ giả đã mang đến cho cô một địa vị xã hội mà cô cần lúc đó. Chúng chính là lối tắt đưa cô đến những tầng lớp thượng lưu.
Rachel, 27 tuổi, làm việc tại một công ty luật ở Atlanta, lại vun trồng tình yêu với những chiếc túi hiệu giả sau trải nghiệm đầu tiên với chiếc túi Coach thật. Khi mua về những chiếc túi hiệu khác, dù có ở mức giá tầm trung như Kate Spade và Michael Kors, Rachel cũng nhanh chóng nhận thấy thẩm mỹ và thị hiếu bản thân đã vượt xa khả năng về tài chính.
“Tôi luôn luôn hướng tới thứ tiếp theo cao cấp hơn, và trong quãng thời gian rất dài, tôi luôn mơ rằng một ngày nào đó được sở hữu chiếc túi hàng hiệu thật sự đắt tiền, như Chanel hay Gucci chẳng hạn”, cô nói.
Cô không mua không chỉ vì thiếu hả năng chi trả cho món đồ đắt giá, mà còn là nguyên tắc do chính cô đặt ra. “Tôi không nghĩ rằng tôi có thể biện minh hay cảm thấy thoải mái với việc bỏ ra hàng ngàn USD chỉ cho một món đồ. Ngay cả khi tôi kiếm thêm được nhiều tiền, tôi vẫn có thể nghĩ đến hàng triệu cách tốt hơn để sử dụng món tiền đó”.
Giờ đây, Rachel mang trên mình chiếc túi Birkin giả giá “chỉ” 900 USD - món đồ mà nếu là hàng thật sẽ tiêu tốn đến hàng chục ngàn USD. Và dù không sẵn sàng chi ra món tiền nhiều đến thế để sở hữu hàng hiệu, vẫn không thể phủ nhận việc cô luôn hướng mắt đến những món đồ cao cấp và hào quang đi cùng.
“Vì vậy, ‘sự thỏa hiệp’ của tôi là tìm ra các món đồ giả chất lượng cao... vì miễn là nó đủ giống đồ thật, thì tôi cũng đã hài lòng rồi”.
Bị phát hiện sẽ thế nào?
Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro khi đặt quá nhiều kỳ vọng quanh việc mua về một món đồ “giá trị”. Sẽ thế nào nếu bạn bị phát hiện? Nếu như việc mua về các món đồ chính hãng tạo nên một tâm lý vững chãi nơi những người tiêu thụ, thì việc mua và sử dụng các món đồ làm giả đặt ra một tình thế rủi ro cho chính người mua ấy.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa việc bị phát hiện, lột trần và được xem như người sành điệu vẫn vô cùng hạn hẹp, đủ để họ cảm thấy hành động ấy vẫn xứng đáng đánh đổi.
Bên cạnh đó, vẫn có những yếu tố tâm lý khác khiến người ta luôn cảm thấy tự tin với những gì mình chọn. “Tôi cho là mọi người rất ngại khi mở miệng ra hỏi liệu món đồ này có phải là đồ thật hay không,” Rachel cho biết.
Cô luôn hướng đến những chiếc túi đơn giản, có màu trơn thay vì bất cứ thứ gì khác màu mè đính vô số logo để không dễ bị nhận biết là túi giả hàng hiệu. “Nếu ai đó hỏi tôi sản phẩm này là đồ thật hay giả, tôi sẽ rất thành thật trả lời là đồ giả. Chủ yếu là bởi khi tôi nhận được câu hỏi đó, mọi người đều thực sự tò mò và ấn tượng về chất lượng món đồ. Điều này không giống với việc bị hạ thấp hay đánh giá bản thân”.
Trong khi đó, một số người khác chọn cách thức “đi vòng” để né tránh câu hỏi, hoặc giả lơ và nói rằng đó là món quà họ nhận từ người thân. Số còn lại thì rút ra kết luận rằng nếu ai đó có thể phát hiện ra một chiếc túi hàng giả, thì có lẽ bởi vì họ cũng sở hữu chiếc túi giả tương tự như món đó.
Đối với những người thường sử dụng đồ giả, việc khẳng định vị thế và quyền lực bản thân chỉ là một khía cạnh. Việc thuyết phục bản thân rằng quyền lực ấy không hề có hại gì lại là chuyện khác.
“Bất cứ khi nào đi mua những sản phẩm cao cấp - dù là đồ thật hay đồ giả - tôi cũng đã mua về một phiên bản lý tưởng của bản thân,” June cho biết. Rachel nói thêm rằng việc mang theo một chiếc túi đồ giả cũng mang đến cho cô cảm giác rất tự hào và vô cùng phấn khởi. “Như thể tôi đang mang đồ thật vậy.”
Theo bài nghiên cứu Constructing identity through the consumption of couterfeit luxury goods, động lực tâm lý trong cuộc chơi đồ giả sâu sắc hơn nhiều so với chỉ là mua đồ mặc giá rẻ với mục đích chưng diện.
Nghiên cứu chỉ ra rằng đối với những người mua đồ hiệu làm nhái, có đến 3 “lợi ích nội tại”. Đầu tiên chính là cảm giác tối ưu hóa nguồn tài chính của họ. Thứ hai là tâm lý tận hưởng cảm giác phiêu lưu, hào hứng và thậm chí rủi ro.
Và thứ ba, chính là cảm giác lừa được người khác rằng đây là đồ thật. Nhưng, theo như nghiên cứu, điều quan trọng nhất là người mua hàng hiệu giả tạo ra một cảm nhận “am hiểu” từ chính bản thân mình.
Nói cách khác, việc mua và dùng những món hàng hiệu giả không chỉ giúp họ có cảm giác mình đẹp hơn, giàu hơn, mà còn khéo léo và khôn ngoan hơn người khác. Mà kỳ thực, ai lại không muốn được xem là người có phong cách và hiểu biết kia chứ?
Săn lùng cam go
Một món đồ giả trông giống như đồ thật, một món có thể đánh lừa được cả những người am hiểu nhất về thời trang thiết kế, không dễ để tìm được. Người mua cần nghiên cứu kỹ lưỡng, chú trọng đến tiểu tiết, và tìm đến những góc khuất không phổ biến trên mạng Internet.
“Việc săn tìm những món đồ giả hoàn hảo cam go hơn rất nhiều so với tôi dự đoán,” Rachel cho biết. “Tôi dành cả nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng để tìm hiểu, và sau đó nhận ra có vô số trang riêng cho các túi hiệu nhái”.
Cô mô tả những trang này như nơi mà người dùng chia sẻ nhiều hình ảnh, xem xét từng chi tiết, và thỉnh thoảng còn so sánh ngang những món đồ thật và đồ giả mà họ đang sở hữu. “Khi tôi tự mình nghiên cứu, tôi thấy rằng thật khó để tìm thấy một món đồ giả thật sự tốt: một món đồ trông ‘thật’ và đắt tiền, giá vừa phải”.
Nhiều người có thể xem việc mua sắm đồ giả này hoàn toàn là liều lĩnh và lãng phí tiền bạc, nhưng những người chuyên săn hàng hiệu bị làm giả lại cho rằng toàn bộ quá trình này đòi hỏi sự chịu đựng, kiên nhẫn, và mức độ thẩm mỹ nhất định.
Trên các diễn đàn, người mua hay chia sẻ với nhau thông tin về người bán uy tín, mẹo lựa chọn cách vận chuyển an toàn, các bản dịch tiếng Trung để liên lạc với nhà sản xuất và lời khuyên để tránh các vấn đề hải quan.
Hình ảnh về việc mua hàng (hay “QC” - kiểm soát chất lượng) được đăng và phân nhóm theo từng chi tiết nhỏ khác nhau. Việc tìm ra được một người bán uy tín, hoàn thiện các thông số kỹ thuật và thanh toán tiền bạc (với rất nhiều rào cản về ngôn ngữ), cũng như theo sát từng tiết trình vận chuyển với rất nhiều thủ tục... đòi hỏi sự kiên nhẫn rất cao. Và điều ấy, thường không được thể hiện trong phần đông người mua sắm thông thường.
Nhiều người cũng nghĩ rằng cần phải có được những món đồ ấy để đạt vị trí cao trong giai tầng xã hội. Đối với một số người, sự thỏa mãn do hàng hiệu giả mang lại lên cao đến tột cùng. “Khả năng mua hạn chế đã khiến tôi mua về đồ làm nhái”, June cho biết. “Tôi thật sự muốn có chân trong tầng lớp giàu có - tôi ghen tị với sự yên ổn cùng với lòng tự tin của họ.”
Sở hữu hàng hóa giả mạo mang đến cho người mua một cảm giác như lén âm thầm đánh bại các đế chế hàng hiệu trong cuộc chơi do chính họ đặt ra. June thậm chí còn bổ sung thêm rằng đối với cô, những món đồ giả mang đến chút cảm giác tự hào, và vâng, cảm giác sung sướng ấy liên quan đến gốc gác Trung Quốc mà cô mang trong người.
“Đây chính là quốc gia phát minh ra bánh xe, giấy và pháo hoa”, cô nói. “Và đây cũng chính là đất nước có thể nhân bản Gucci, Chloé, và Louis Vuitton chỉ trong một chớp mắt”.
Không thể dẹp bỏ khát khao
Vấn đề ở đây là, những người mua hàng này làm thế nào để giải quyết được thực tế hàng giả không chỉ bất hợp pháp, mà còn phi đạo đức? Ngoài các vấn đề dễ nhận ra như sở hữu trí tuệ, nền công nghiệp hàng giả còn liên quan đến khủng bố, buôn người, buôn bán vũ khí, và rất nhiều thứ khác.
Việc tiêu dùng không hề có nền tảng đạo đức trong chủ nghĩa tư bản. “Đương nhiên, có nhiều lần tôi vẫn cảm thấy mình làm không phải đạo. Đó là điều cấm kỵ và tôi hiểu vì sao nó lại thế. Nhưng tôi vẫn không thể dẹp bỏ đi khát khao sở hữu các mẫu túi thiết kế thuộc dòng hàng xa xỉ, và cái giá cho một món đồ thật lại thực sự quá cao Chúng vượt quá khả năng của tôi, khiến tôi nảy sinh mong muốn tìm được thứ gì đó thay thế”, Rachel nói.
Bên cạnh đó, những người mua đồ giả cũng lập luận rằng hành động của họ không khác gì việc mua sắm tại những cửa hàng như Zara và Forever 21. Các thương hiệu thời trang “fast-fashion” này luôn sao chép thiết kế của những tên tuổi nổi tiếng hơn.
Cuối cùng, hầu hết chúng ta đều quan tâm đến điều mà mọi người xung quanh - bạn bè, đồng nghiệp, kể cả những người lạ - nghĩ về bản thân mình. Chúng ta đề cao bản sắc riêng của mình và truyền hình ảnh đó đi khắp nơi xung quanh.
Đối với một số người, đó có thể là chiếc xe phân khối lớn, áo khoác da hay món đồ của đội bóng yêu thích. Đối với những người khác, đó lại rất có thể là chiếc túi Fendi được làm nhái tinh vi.
Theo Zing