Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, tắm nước nóng hay nước lạnh là do thói quen mỗi người. Mùa hè, tắm nước lạnh giúp bạn thoải mái, mát mẻ, làm đẹp da. Tắm nước nóng giúp giãn cơ, sảng khoái song có thể gây khô da, nhăn da, tóc dễ rụng, nấm.

Tốt nhất, bạn tắm nước lạnh vào buổi sáng hoặc chiều, buổi tối nên tắm nước ấm. Bạn cần tránh tiếp xúc với trạng thái nước lạnh hay nóng đột ngột. Nhiệt độ nước không nên quá lạnh gây co mạch hoặc quá nóng làm tan lớp dầu, gây khô da.

Tắm đêm muộn sẽ làm thay đổi nhịp sinh học bình thường của cơ thể, bất kể mùa hè hay mùa đông. Càng về đêm, thời tiết chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường và cơ thể càng lớn. Tắm đêm khiến nhóm bệnh nhân hô hấp mạn tính như viêm phế quản mạn, hen phế quản dễ trở nặng, tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Do đó, bạn không nên tắm muộn sau 22h.

Mùa hè, tắm nước nóng hay lạnh tốt hơn?-1
Tắm nước nóng hay nước lạnh là do thói quen mỗi người. (Ảnh minh hoạ)

Để đảm bảo an toàn, bạn không tắm đêm hoặc sáng sớm vì dễ gây đột quỵ, tai biến. Bạn nên tắm trước 20h, tắm từ cổ xuống trước, cho tay và chân làm quen với nước, sau đó mới gội đầu. Thời gian tắm chỉ trong khoảng 10 phút, không nên quá lâu. Sau khi tắm, bạn gội đầu từ 5 đến 7 phút.

Không tắm khi quá đói, quá no, khi say rượu hay mệt mỏi hoặc vừa ngủ dậy. Không nên tắm ở khu vực quá lạnh, thoáng gió. Nên lau khô người và tóc, mặc quần áo kỹ để giữ ấm cơ thể sau khi tắm. Không tắm ngay khi vận động mạnh khiến thân nhiệt thay đổi đột ngột.

Trong trường hợp bắt buộc phải tắm buổi tối, nên tắm trong môi trường an toàn. Những trường hợp đột tử khi tắm xảy ra đa phần là ở nhà một mình. Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, bao gồm mất thăng bằng, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt; méo, xệ mặt một bên; tay, chân cùng bên tê bì hoặc yếu hơn bên kia; khó nói, nói ngọng, cần đến bệnh viện ngay.

Giai đoạn giờ vàng cấp cứu đột quỵ được tính từ lúc xuất hiện triệu chứng bất thường cho đến khi được chẩn đoán là 4-6 giờ.

Theo VTCNEWS