Đường Mễ Trì lúc 7h30. Các phương tiện đi "nép" về phía trái để tránh khu vực trũng, ngập sâu.
Ngay từ 7h, ngã tư Phạm Hùng - Mễ Trì rối loạn, đèn tín hiệu không còn tác dụng.
Người phụ nữ này liên tục gọi điện thoại cho chồng thông báo xe đang bị chết máy. Giọng chị khá bức xúc: “Ngập như thế này chắc tôi chờ người thân đến kéo xe về”.
Nhiều người xe máy phải leo lên vỉa hè. Dưới lòng đường, ô tô phóng qua tạo sóng đánh sang hai bên. Một phụ nữ đưa trẻ nhỏ đi học, sợ bị ngã đã phải xuống dắt xe.
Anh Hải từ Ngọc Hồi đến khu vực Mỹ Đình để đi làm nhưng không may qua đoạn nước ngập xe bị chết máy. “Do không biết đoạn này bị ngập, tôi lưu thông qua đây để kịp giờ làm nhưng gặp sự cố. Biết thế hôm nay xin nghỉ ở nhà cho rồi”, anh Hải nói.
Cảnh tương tự tại đường Dương Đình Nghệ, nơi có tòa nhà Keangnam cao nhất Hà Nội. Đây là điểm đen về ngập úng mỗi khi mưa lớn.
Một ô tô chở học sinh đi học bị chết máy giữa dòng nước ở đường Dương Đình Nghệ. "Tôi phải đợi xe cứu hộ đến kéo đi, hiện giờ không đề được. Muộn giờ học các cháu rồi”, bác tài xế than phiền.
Sau 15 phút, chiếc xe chở học sinh đã được cứu hộ trợ giúp kéo tới trường.
Cũng trên tuyến phố này, nhiều xe sang khác chết máy khi tài xế cố gắng vọt qua.
Đội xe cứu hộ túc trực kịp thời gần "ốc đảo" Dương Đình Nghệ và "có được" khá nhiều khách hàng.
Trong khi đó, tài xế chiếc xe thư báo tới đây đã tắt máy đẩy qua vùng nước ngập để bảo vệ động cơ.
Đường Phạm Hùng ùn tắc kéo dài từ nút giao Trung Hòa đến ngã tư Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu - Phạm Văn Đồng.
Anh Sáng sốt ruột khi lúc 6h sáng xuất phát từ nhà gần Thiên đường Bảo Sơn, đến 8h anh vẫn ở khu vực Phạm Hùng (cách nhà khoảng 5km). “Hôm nay xác định muộn làm”, anh Sáng đứng lên ngóng về phía trước.
Phố Trần Thái Tông lúc 8h30.
Một phụ nữ bị ngã cùng chiếc xe máy điện khi cố gắng vượt qua tuyến phố này.
Một người đàn ông cảm thấy bất bình với việc di chuyển lộn xộn của người đi xe máy tại ngã tư Trần Thái Tông - Thành Thái, anh đã ra điều phối giao thông, nhắc người dân nhường nhịn nhau.
Ngã tư Nguyễn Chánh - Nguyễn Quốc Trị đoạn ngập sâu nhất khoảng 40cm, nhiều xe chết máy. Ảnh: Phạm Hải.
Ngã tư Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ lúc 9h vẫn ngập sâu. Hai chiếc xe buýt chết máy phải dừng tại chỗ. Ảnh: Phạm Hải.
9h18 tại đường 70 (đoạn dẫn vào Đại lộ Chu Văn An, Thanh Trì, Hà Nội), do nước sông Nhuệ chảy qua mương La Khê gây ngập tràn mặt đường nên giao thông đi khó khăn. Ảnh: Đình Hiếu.
Các tuyến đường xung quanh mương La Khê đều chìm trong nước, đoạn trũng nhất sâu đến 0,3m. Ảnh: Đình Hiếu.
Các tuyến đường, ngõ nhỏ trong khu dân cư cũng bị nước ngập bủa vây. Người đi xe máy dù tìm lối tắt để đi vẫn không tránh được. Ảnh: Đình Hiếu.
Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp suy yếu từ bão số 2, từ chiều qua đến sáng nay (11-12/8) trên địa bàn thành phố xảy ra mưa trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 130 - 230mm. Trong đó có những khu vực lượng mưa lên đến 260,6mm như ở huyện Thường Tín, còn các quận nội thành như Hoàng Mai là 236,7mm, Hoàn Kiếm là 129,6mm, Thanh Xuân 179,5mm, Nam Từ Liêm và Hà Đông đều gần 220mm. Do lượng mưa lớn, đêm qua và sáng nay trong các quận nội thành TP Hà Nội có nhiều điểm úng ngập ảnh hưởng đến giao thông như phố Thụy Khuê, Bùi Xương Trạch, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà… Tại khu vực phía Tây TP Hà Nội, do mực nước sông Nhuệ dâng cao (tại Cổ Nhuế là 4,81m, tại Thanh Liệt là 5,22) nên xuất hiện úng ngập tại các tuyến phố như Trần Bình, Kẻ Vẽ, Đại lộ Thăng Long, Tố Hữu… Do mực nước sông Cầu Bây dâng cao (tại đạp Trại Lợn là 4.02m) nên xuất hiện úng ngập tại khu vực Đàm Quang Trung – Cổ Linh, Nam Đuống, Hoa Lâm, gầm cầu chui xe lửa phố Thiên Đức… Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, tính từ ngày 10-12/8, một số vùng trên địa bàn TP Hà Nội có lượng mưa lên đến 340mm. “Hệ thống thoát nước trong nội thành vẫn đáp ứng được so với lượng mưa hiện nay. Còn ở phía Tây do vẫn bị ngập úng nhiều nơi là do hệ thống hạ tầng tiêu thoát nước chưa được đồng bộ”, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết. |
Theo Vietnamnet