Lũ lụt kinh hoàng ở Khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc ngày 11/7
Theo Foxnews, kể từ khi mưa lũ bắt đầu ở miền Trung và Nam Trung Quốc vài tháng trước, ít nhất 141 người đã chết và khoảng 28.000 ngôi nhà đã bị hư hại ở khu vực sông Dương Tử. Lũ lụt thực tế đã ảnh hưởng đến hầu hết toàn bộ Trung Quốc đại lục.
Thứ trưởng Bộ quản lý khẩn cấp Zheng Guoguang đầu tuần này cho biết, sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á và một phần lưu vực của nó đã hứng lượng mưa cao thứ 2 kể từ năm 1961 trong 6 tháng qua.
Đập Tam Hiệp.
Sau nhiều tuần lũ lụt tàn phá Trung Quốc đại lục, nhiều câu hỏi đang được đặt ra về khả năng ngăn chặn lũ lụt của đập Tam Hiệp cũng như liệu công trình khổng lồ này có thể gặp rủi ro vì lũ lụt hay không.
"Một trong những sứ mệnh chính của đập Tam Hiệp là để kiểm soát lũ lụt, nhưng chưa đầy 20 năm sau khi hoàn thành, chúng ta chứng kiến đợt lũ cao nhất trong lịch sử", ông David Shankman, nhà địa lý học của Đại học Alabama chuyên nghiên cứu về lũ lụt Trung Quốc chia sẻ với Reuters.
"Thực tế là nó (đập Tam Hiệp) không thể ngăn chặn được những sự kiện nghiêm trọng như thế này", ông Shankman nói thêm.
Ngôi làng ở tỉnh Giang Tây chìm trong biển lũ ngày 13/7
Đập Tam Hiệp được hoàn thành chính thức vào năm 2006 và đây là một trong những dự án đắt đỏ và gây tranh cãi nhất của Trung Quốc.
Khoảng 1,4 triệu người đã phải tái định cư vì con đập khổng lồ trên sông Dương Tử. Con đập cũng được quảng bá là cách tốt nhất để chấm dứt tình trạng lũ lụt diễn ra suốt hàng thế kỷ qua dọc theo sông Dương Tử và cung cấp điện cho ngành công nghiệp Trung Quốc. Nhưng một số nhà địa chất cho rằng, việc xả quá nhiều nước trong hồ chứa gây nguy cơ cao xảy ra động đất và gây thiệt hại kéo dài cho hệ sinh thái của dòng sông.
Năm 2012, Bộ Tài nguyên đất cho biết, số vụ lở đất và các thảm họa khác xung quanh hồ chứa Tam Hiệp đã tăng 70% sau khi mực nước trong dự án trị giá 23 tỷ USD tăng lên tối đa vào năm 2010.
Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân qua vùng nước lũ ở Cửu Giang, tỉnh Giang Tây của Trung Quốc ngày 8/7
Những nhà phê bình dự án, như nhà địa chất học Trung Quốc Fan Xiao đã lên tiếng tuyên bố rằng, đập Tam Hiệp và các dự án đập thủy điện khổng lồ khác có thể làm cho lũ lụt tồi tệ hơn bằng cách thay đổi dòng chảy trầm tích của các con sông.
Ông cũng chia sẻ với Reuters rằng đập Tam Hiệp chỉ có thể ngăn chặn một phần và tạm thời lũ lụt ở thượng nguồn sông Dương Tử, còn bất lực trong việc ngăn lũ do mưa lớn ở giữa và hạ lưu sông Dương Tử.
Đồng quan điểm, ông Zhang Jianping, một nhà hoạt động ở Giang Tô bình luận: "Tôi nghĩ rằng tất cả những chuyên gia phản đối việc xây dựng Tam Hiệp đều đúng. Kể từ khi nó được xây dựng, nó chưa bao giờ đóng vai trò ngăn chặn lũ lụt hay hạn hán giống như chúng tôi từng nghĩ nó sẽ làm được điều đó".
Theo Dân Việt