Ý nghĩa của các con số trên tem của trái cây nhập ngoại
Đối với các loại trái cây được xuất khẩu từ nước này sang nước khác theo đường chính ngạch thì việc phải dán tem có mã số PLU (price look-up number) là một yếu tố bắt buộc. Vậy mã số PLU là gì?
Hiểu một cách đơn giản PLU là một loại mã số dùng để phân loại các mặt hàng tươi sống về nguồn gốc xuất xứ, phương thức nuôi trồng, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch.
Mã PLU được quy định bởi International Federation for Produce Standards (IFPS). Mỗi mã PLU sẽ bao gồm 4-5 chữ số và thường được in trên một con tem nhỏ dán trực tiếp lên sản phẩm.
Sử dụng mã PLU để chọn mua được trái cây ngon, sạch, phù hợp
Vào dịp cận Tết, rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn hoa quả nhập ngoại để làm quà biếu, đặt bàn thờ, dọn mời khách hay cho chính gia đình sử dụng. Theo kỹ sư nông nghiệp Phạm Ngọc Hùng, cách đơn giản và dễ nhớ nhất để người tiêu dùng có thể nhận diện, phân loại được mặt hàng hoa quả nhập ngoại, từ đó chọn mua được sản phẩm an toàn và phù hợp với mục đích sử dụng của mình là dựa vào ký tự đầu tiên của mã PLU.
Theo đó, có thể phân loại hoa quả nhập ngoại dựa vào mã PLU thành những nhóm chính sau:
Mã PLU có 4 chữ số và bắt đầu bằng số "4"
Chữ số "4" nằm ở đầu của dãy PlU là để chỉ những loại trái cây được canh tác theo phương pháp phổ thông, tức là vẫn sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu khi chăm bón, cũng như chất bảo quản khi đã thu hoạch.
Tuy nhiên, bạn cũng không cần phải quá lo lắng bởi với một sản phẩm xuất khẩu theo đường chính ngạch, liều lượng chất hóa học được dùng sẽ được kiểm soát một cách chặt chẽ. Đồng thời, các sản phẩm này cũng sẽ được đảm bảo đúng thời gian cách ly theo quy định để các loại phân, thuốc… không còn ảnh hưởng đến người sử dụng.
“Thông thường giá thành của các sản phẩm trái cây loại này sẽ rẻ hơn các đầu số mã PLU khác, bởi với việc cho phép sử dụng phân và thuốc hóa học, thời gian thu hoạch sẽ nhanh hơn và cho năng suất cao” – kỹ sư Hùng cho hay.
Mã PLU có 4 chữ số và bắt đầu bằng số “3”
Về cơ bản các loại trái cây này cũng gần tương tự với loại đã đề cập ở trên! Phân và thuốc bảo vệ thực vật hóa học vẫn sẽ được sử dụng một cách an toàn, có kiểm soát trong quá trình canh tác. Điểm khác biệt là sau khi thu hoạch, những sản phẩm này sẽ được xử lý bằng nguồn bức xạ để tiệt trùng, từ đó giúp tăng thời gian bảo quản.
Kỹ sư Phạm Ngọc Hùng cũng chia sẻ: “Chính vì được xử lý sau thu hoạch với công nghệ hiện đại và an toàn hơn nên trái cây có mã PLU bắt đầu bằng số “3” sẽ đắt hơn loại trên một chút”.
Mã PLU có 5 chữ số và bắt đầu bằng số “8”
Với những loại trái cây mang mã PLU dạng này, người tiêu dùng cũng nên chú ý và cân nhắc trước khi mua, bởi đây là sản phẩm biến đổi gen (GMO). Hiện nay tác động thực sự của các sản phẩm GMO đến sức khỏe của con người vẫn đang gây nhiều tranh cãi.
Mã PLU có 5 chữ số và bắt đầu bằng số “9”
Chữ số “9” ở đầu mã PLU đại diện cho những loại trái cây được trồng theo phương pháp hữu cơ. Cụ thể, trong suốt quá trình canh tác, chỉ những loại phân bón hữu cơ như phân chuồng, phân compost…, cùng với chế phẩm phòng trừ bệnh chiết xuất từ thiên nhiên mới được phép sử dụng. Đương nhiên, bất kỳ loại phân, thuốc hóa học nào cũng sẽ bị loại trừ.
“Phương thức canh tác hữu cơ giúp đảm bảo rằng, các sản phẩm đến tay người tiêu dùng là hoàn toàn tự nhiên! Mặc dù sản phẩm theo hướng hữu cơ sẽ có giá thành cao, bởi năng suất cây trồng thấp hơn hẳn, cũng như thường xuyên bị sâu bệnh tấn công, nhưng đổi lại là giá trị dinh dưỡng cao cùng hương vị thơm ngon hơn và đương nhiên là an toàn tuyệt đối”, kỹ sư Hùng nói.
Theo Dân Trí