Từ 1/1/2025, mức phạt đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP sẽ tăng lên gấp từ 3-6 lần so với quy định trước đây.

Trong đó, mức phạt đối với xe ô tô sẽ tăng từ 4-6 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng. Mức phạt đối với xe máy, xe mô tô tăng từ 800 nghìn – 1 triệu đồng lên thành 4-6 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị trừ 4 trên tổng số 12 điểm trên giấy phép lái xe.

Hiện nhiều nước trên thế giới cũng có chế tài nghiêm khắc với hành vi vượt đèn đỏ của người tham gia giao thông. Trong đó, hình phạt cao nhất thậm chí có thể là bỏ tù.

Mỹ

Ở Mỹ, mỗi tiểu bang đưa ra các hình phạt khác nhau đối với hành vi vượt đèn đỏ. Mức phạt còn có thể thay đổi tùy vào việc người lái xe đã từng bị phạt vì vượt đèn đỏ hoặc không tuân thủ biển báo dừng hay chưa.

Do đó, mức phạt cho lần vi phạm đầu tiên có thể sẽ nhẹ hơn nhưng sẽ tăng dần ở những lần vi phạm tiếp theo. Tuy nhiên vẫn có một số tiểu bang phạt nặng ngay từ lần đầu tiên vi phạm.

Mức phạt vượt đèn đỏ của các nước trên thế giới-1

Tại Alabama, tài xế có hành vi vượt đèn đỏ có thể bị bắt giam 10 ngày ngay trong lần vi phạm đầu tiên. Mức phạt có thể tăng lên thành 3 tháng tù đối với người tái phạm, bên cạnh khoản tiền phạt 500 USD (khoảng 12,7 triệu đồng)

Các tiểu bang như Arkansas, Oklahoma hay Mississippi cũng áp dụng hình thức phạt tù đối với người tái phạm hành vi vượt đèn đỏ. Tuy nhiên thời hạn phạt cao nhất có thể lên tới 6 tháng, cộng thêm tiền phạt 500 USD và trừ điểm giấy phép lái xe.

Trong khi đó ở tiểu bang Illinois, chế tài đối với lỗi vượt đèn đỏ sẽ là trừ thẳng 20 điểm vào giấy phép lái xe, đồng nghĩa với việc bị đình chỉ bằng lái ít nhất một tháng. Ngoài ra, người vi phạm còn phải nộp khoản tiền phạt 120 USD (khoảng 3 triệu đồng).

Đức

Vượt đèn đỏ được xác định là lỗi vi phạm giao thông nghiêm trọng tại Đức. Bởi lẽ hành vi này có thể gây ra ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn và nhiều vấn đề khác trên đường.

Vì vậy, các chế tài xử phạt hành vi vượt đèn đỏ tại Đức theo đó cũng rất nặng. Các mức phạt và hình phạt được quy định chi tiết tùy theo tình huống và mức độ nghiêm trọng. Bao gồm phạt tiền cao nhất 388,50 Euro (khoảng 10,3 triệu đồng), trừ điểm giấy phép lái xe và cấm điều khiển phương tiện.

Mức phạt vượt đèn đỏ của các nước trên thế giới-2

Đối với những trường hợp cố tình vượt khi đèn đã đỏ, dẫn tới gây nguy hiểm đến tính mạng, thân thể của người khác hoặc làm thiệt hại tài sản có giá trị lớn, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 5 năm theo luật hình sự Đức. Đáng chú ý, lỗi vi phạm đèn giao thông áp dụng cho cả xe đạp.

Mức phạt vượt đèn đỏ của các nước trên thế giới-3

Nhật Bản

Tương tự như Đức, Nhật Bản quy định chi tiết các hành vi vi phạm giao thông thành các mức độ. Lỗi được chia vào các nhóm được phân biệt bởi màu vé phạt gồm Trắng, Xanh Lam, Đỏ và Vàng.

Trong đó, lỗi vượt đèn đỏ được quy định vào nhóm Xanh Lam. Những lỗi thuộc nhóm này sẽ khiến lái xe bị cộng thêm một số điểm phạt trong bằng lái, kèm một khoản tiền phạt. Nếu số điểm cộng dồn lên thành 6, giấy phép lái xe sẽ bị đình chỉ trong 30 ngày.

Mức phạt vượt đèn đỏ của các nước trên thế giới-4

Với lỗi vi phạm đèn giao thông bao gồm cả hành vi vượt đèn đỏ và không dừng lại khi đèn nhấp nháy, điểm phạt sẽ là 2. Khoản tiền phạt đi kèm là 5.000-12.000 Yên (khoảng 810 nghìn - 1,95 triệu đồng), áp dụng tùy loại phương tiện từ xe gắn máy có dung tích 50cc đến ô tô cỡ lớn theo luật định.

Thái Lan

Luật giao thông sửa đổi của Thái Lan có hiệu lực từ 5/9/2022 quy định mức phạt lên tới 4.000 baht (gần 3 triệu đồng) đối với hành vi vượt đèn đỏ hoặc không dừng lại ở vạch kẻ dành cho người đi bộ. Con số này đã tăng tới 4 lần so với mức phạt theo quy định trước đó.

Mức phạt vượt đèn đỏ của các nước trên thế giới-5

Mức phạt tại Thái Lan có thể tăng lũy tiến nếu người vi phạm tái phạm nhiều lần, hoặc phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. Quy định này được ban hành nhằm giảm thiểu các hành vi vi phạm lặp lại, đồng thời củng cố ý thức tuân thủ giao thông của người dân.

Đáng chú ý, những đối tượng bị kết tội lái xe gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người khác sẽ phải đối mặt với mức án tù lên tới một năm và/hoặc khoản tiền phạt từ 5.000-20.000 baht (khoảng 3,7 - 14,8 triệu đồng), tăng gấp đôi so với mức phạt quy định trước đó.

Theo Tiền Phong