Ngày 21/12, đại tá Lê Văn Chương, Phó văn phòng C56 (Bộ Công an) cho biết, tội phạm mua bán người hiện nay được đánh giá là một trong 3 loại tội phạm nguy hiểm (sau tội phạm ma túy và buôn lậu vũ khí). Trong 7 năm (2005 - 2012) toàn quốc đã xảy ra hơn 3.000 vụ buôn bán người, với 6.500 nạn nhân. Riêng 2012 có đến 850 nạn nhân.


Đại diện Tổ chức di cư quốc tế phát biểu tại buổi hội thảo.


Ông Chương cho rằng, tình hình mua bán người ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp với tính chất và thủ đoạn tinh vi xảo quyệt. Bọn tội phạm thường tổ chức chặt chẽ để móc nối với người nước ngoài. Con số nạn nhân và các vụ án chỉ là bề nổi vì còn nhiều trường hợp chưa được phát hiện hoặc nạn nhân tự giải cứu mà không đến báo cho các cơ quan chức năng.

Sau nhiều năm thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em, công an cũng như bộ đội biên phòng xác định, hiện có hơn 50 tuyến trọng điểm cần tập trung đấu tranh, trong đó có 5 tuyến quốc tế (từ Việt Nam đi Trung Quốc, Campuchia, Lào; tuyến đường biển và tuyến đường hàng không), 18 tuyến liên tỉnh và hơn 30 tuyến liên huyện.

Đại diện C56 chỉ rõ, phần đông nhóm tội phạm thường tập trung ở tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc (chiếm hơn 60% tổng số vụ). Nạn nhân phần lớn đến từ các tỉnh thành phía Bắc với trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chúng thường lừa gạt các cô gái dưới danh nghĩa tìm giúp việc, rủ đi làm ăn cùng, đi du lịch, mang vác hàng hóa ở bên kia biên giới. Khi tạo được lòng tin, họ sẵn sàng bán nạn nhân vào các động mại dâm dọc biên giới hoặc đưa vào vùng sâu vùng sa để bán làm vợ bất hợp pháp. Không ít nạn nhân là người thân của tội phạm.

"Gần đây còn phát hiện hình thức buôn bán người mới dưới hình thức bắt cóc trẻ em, mua bán trẻ sơ sinh, bán trẻ còn trong bào thai, mua bán nội tạng hay mua bán nam giới để cưỡng bức lao động...", đại tá Hà Xuân Từ, Trưởng phòng 5 (C56) chia sẻ và nói, riêng tuyến đường biển (chủ yếu là Quảng Ninh, Hải Phòng), nhà chức trách đã phát hiện nhóm tội phạm cho nạn nhân vào các container hàng để đưa sang Hồng Kông, Đài Loan và Campuchia.

Bộ Công an cũng chỉ ra những thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người như đột nhập vào nhà dân để bắt cóc, chiếm đoạt trẻ; núp bóng dưới các trung tâm nhân đạo để lập hồ sơ hợp pháp nhận con nuôi rồi đưa ra nước ngoài; thiết lập các đường dây gái gọi qua mạng cũng như điện thoại di động để tổ chức các chuyến du lịch tình dục xuyên quốc gia.

Năm 2012 đã xuất hiện một số phương thức thủ đoạn mới như cho vay nặng lãi rồi ép bán nạn nhân vào động mại dâm; không làm các thủ tục cư trú để bắt các nạn nhân lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục. "Điển hình là vụ công an Tây Ninh triệt phá ổ tội phạm dưới hình thức cho vay nặng lãi rồi ép nạn nhân bán dâm. Vụ lao động cưỡng bức này xảy ra tại 2 vùng giáp ranh Bình Phước và Tây Ninh. Đã có 14 người bị bắt, 16 nạn nhân được giải cứu", đại tá Từ nói.


Hai má mì tuổi 17 bị bắt trong vụ đột kích
 mại dâm khách sạn ở Thái Nguyên năm 2011.


Còn bà Lê Thị Hà, Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) cho biết, căn cứ nguyện vọng và nhu cầu của các nạn nhân, trên 50% số người bị mua bán đều được học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh và trợ giúp pháp lý... Hiện, một số tỉnh thành như Lào Cai, Bắc Giang, Tây Ninh và Thừa Thiên Huế đã có nơi tiếp nhận những nạn nhân bị mua bán trở về vào lưu trú tại nhà Nhân ái.

Song, Cục trưởng Hà thừa nhận, hệ thống thu nhập thông tin dữ liệu về tình hình nạn nhân bị mua bán trở về địa phương hiện còn hạn chế, chưa cập nhật thường xuyên gây khó khăn cho công tác hỗ trợ các nạn nhân cũng như cho công tác phòng chống mua bán người.

Tại buổi hội thảo, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra như các bước tiếp nhận và xử lý nạn nhân buôn người ra sao; nạn nhân sau khi giải cứu có muốn quay trở về địa phương không hay mức hình phạt với nhóm buôn người đã phù hợp hay chưa... Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, để giải quyết và hạn chế các vụ mua bán người, ngoài việc cải thiện tình hình kinh tế, việc tuyên truyền giáo dục đến người dân để họ có biện pháp phòng ngừa cũng là khâu khá quan trọng. Riêng mức hình phạt hiện nay đối với tội buôn bán người là hợp lý và nghiêm khắc

Tuy nhiên, Phó văn phòng C56 (Bộ Công an) đưa ra quan điểm, điều 119 Bộ luật Hình sự (Tội mua bán người) chỉ dừng lại ở mức 20 năm tù là quá nhẹ. Để răn đe, ông Chương cho rằng có thể nâng lên mức chung thân.

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, hàng năm trên thế giới có khoảng 800.000 - 1 triệu người bị buôn bán, trong đó có trên 55% là các bé gái bị thành niên; khoảng 12 triệu người bị cưỡng bức lao động và lao động tình dục.

Ước tính mỗi năm thu lợi từ buôn bán người khoảng 30 - 40 tỷ USD. Khu vực Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương là địa bàn trọng điểm.

Theo VNN