Phụ nữ lấy chồng phải theo chồng, chăm sóc, vun vén cho gia đình nhà chồng đó là việc đương nhiên. Đồng thời họ cũng mong chồng biết quan tâm săn sóc tới bên ngoại giống mình. Tuy nhiên rất nhiều người đàn ông vô tâm, ăn ở không công bằng giữa hai bên nội ngoại khiến mâu thuẫn gia đình nhiều khi nảy sinh từ đó.

Anh chồng trong câu chuyện dưới đây cũng sống vô tâm với nhà ngoại như thế nhưng cách xử lý của vợ anh mới thật sự đặc biệt.

Cô vợ kể: "Không nhắc tới chồng thì thôi, nhắc tới lại chán nẫu ruột. 5 năm kết hôn, em lúc nào cũng dốc tâm sức, tận lực chăm lo cho gia đình nhà chồng. Thế mà ngược lại, đối với nhà ngoại chồng lại cứ dửng dưng như không, thậm chí còn lạnh nhạt như người dưng nước lã.

Nói chung xét về góc độ gia đình thì chồng em lo được cho vợ con cuộc sống sung túc, không cờ bạc gái gú. Chỉ có điều anh ấy sống gia trưởng, ích kỷ. Vì bản thân anh ấy kiếm ra tiền nên lúc nào cũng đòi hỏi vợ phải cung phụng, nghe lời chồng răm rắp kiểu như là nhà này tôi kiếm ra tiền, tôi làm chủ.

Muốn cho con về ngoại chơi 30/4 nhưng chồng quát: Biếu tiền rồi, cần gì về, vợ ấm ức hỏi ngược lại vài câu làm anh tái mặt, thay đổi thái độ gấp-1
Ảnh minh họa

Những năm đầu kết hôn, em cũng mệt mỏi với cách hành xử vô tâm, cứng nhắc của anh ấy. Nhưng góp ý các kiểu không được, thậm chí vợ chồng còn cãi vã chiến tranh 'nóng lạnh' cả tháng cũng không ăn thua. Em ghét nhất cái kiểu trọng nội khinh ngoại của chồng. Mỗi khi bên nội có việc là anh ráo riết nhắc vợ cách đó cả tuần. Thế nhưng nhà ngoại có việc anh lại bảo: 'Em là con gái lại đã lấy chồng. Công to việc lớn bên đó có anh trai, chị dâu em làm. Mình về được thì về, không về được thì thôi'.

Không chỉ thế, các con anh cũng hạn chế cho về ngoại. Năm nào nghỉ hè anh ấy cũng cho 2 đứa về ở với ông bà nội cả tháng, còn nhà ngoại cùng lắm về được ngày trước, ngày sau là anh bắt vợ về đón ngay.

Như đợt vừa rồi dịch, con được nghỉ học là anh thuê xe cho về ở với ông bà nội gần 2 tháng. Em nói cho 1 đứa về nội, 1 đứa về ngoại để ông bà 2 bên đều vui song chồng em trừng mắt: 'Không được, cả 2 đứa đều về nội hết. Gốc gác của chúng nó ở bên nội, về ngoại làm gì?'.

Lần này 30/4, được nghỉ 4 ngày em mới bàn với chồng: 'Mọi năm nghỉ lễ mình đều cho các con về nội. Vừa rồi bọn nó mới ở với ông bà gần 2 tháng rồi. Em tính 30/4 này cả nhà mình về thăm ông bà ngoại đi. Từ Tết tới giờ ông bà không được gặp cháu. Thi thoảng gọi lên, mẹ cứ bảo nhớ 2 đứa nhà mình quá'.

Em nhẹ nhàng nói chuyện nửa bàn, nửa thuyết phục chồng. Vậy mà vợ vừa dứt lời, chồng em trợn mắt quát vợ: 'Về ngoại làm sao được. Ngày nghỉ, vợ chồng con cái phải tập trung về nội cho ông bà vui. Bên ngoại hôm trước anh gửi tiền biếu rồi, cần gì về nữa'.

Nghe chồng nói em phát cùn, thái độ trọng nội coi thường ngoại của anh thật sự khiến em không thể nhịn được hơn. Vậy là em nói thẳng: 'Anh ăn ở cho công bằng 1 chút đi. Anh nghĩ chỉ có mình ông bà nội mong con mong cháu thôi còn ông bà ngoại thì không sao? Chỉ nội mới là gốc gác của các con còn bên ngoại là gì? Anh nên nhớ, các con mang 1 nửa dòng máu của em đó.

Còn nữa, bố mẹ em chưa bao giờ cần tiền của anh nên đừng anh đừng bao giờ nghĩ rằng biếu họ tiền rồi thì anh khỏi phải về thăm. Cái bố mẹ em cần là tình cảm, sự quan tâm gần gũi của con cháu. Bố mẹ anh mong gặp con cháu bao nhiêu thì bố mẹ em cũng mong như thế. Mong anh hiểu rằng, em đi lấy chồng không có nghĩa là chấm dứt hết mọi quan hệ với bố mẹ đẻ. Anh thương bố mẹ anh thế nào, em thương bố mẹ em như thế đó.

Nếu anh đã quyết đưa con về nội, em không cản. Có điều em sẽ về ngoại 1 mình.

Nói xong em nghĩ chồng sẽ trợn trừng mắt hằn học với vợ như mọi khi cơ. Không ngờ lần này anh ấy đứng yên, mặt bần thần 1 lúc rồi quay sang bảo vợ: 'Thôi được rồi, lần này anh sẽ chiều ý em. Mai cả nhà về chơi với ông bà ngoại. Dịp nghỉ lễ sau sẽ về nội'.

 

Muốn cho con về ngoại chơi 30/4 nhưng chồng quát: Biếu tiền rồi, cần gì về, vợ ấm ức hỏi ngược lại vài câu làm anh tái mặt, thay đổi thái độ gấp-2
Ảnh minh họa

Thay đổi của chồng làm em không khỏi ngạc nhiên. Qua đây em cũng rút ra kinh nghiệm, vợ chồng cứ phải thật thẳng thắn với nhau, thậm chí nhiều khi phải quyết liệt tranh luận mới giải quyết được vấn đề các chị ạ".

Tôn trọng bạn đời chính là yếu tố quan trọng tiên quyết để gìn giữ hạnh phúc hôn nhân. Chính vì sự đối xử thiếu công bằng, thiếu tôn trọng của chồng đối với gia đình vợ là nguyên nhân dẫn tới không ít mẫu thuẫn trong gia đình. Tâm lý bên trọng bên khinh của chồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý, suy nghĩ của người vợ.

Các anh chồng hãy hiểu rằng, muốn vợ toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình nhà nội thì bản thân các anh cũng phải biết quan tâm, gần gũi nhà ngoại. Suy cho cùng mọi mối quan hệ đều có đi có lại mới duy trì lâu dài được, kể cả hôn nhân gia đình cũng không ngoại lệ các đấng mày râu ạ.

Theo Tổ Quốc