Một sự thật tồn tại trong nhạc Việt bấy lâu nay là các nghệ sĩ giải trí vẫn thường bị đánh giá thấp hơn những nghệ sĩ đi hát đơn thuần, và tư duy, sáng tạo của họ ít được công nhận.

Nhìn vào thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới hiện nay là US-UK, chúng ta đều thấy các nghệ sĩ giải trí có chỗ đứng và đẳng cấp riêng của họ, được công chúng đón nhận và giới chuyên môn đánh giá cao. Những nghệ sĩ như Madonna, Kylie Minogue, Michael Jackson… tuy đi theo con đường âm nhạc giải trí hiện đại nhưng vẫn thể hiện được đẳng cấp sáng tạo của mình và được công chúng đánh giá cao, nhận được nhiều giải thưởng danh giá.

Madonna và nghệ thuật trình diễn giải trí

Ngay cả những diva có giọng hát khủng như Whitney Houston, Mariah Carey, Celine Dion… đôi khi cũng phải thay đổi phong cách sáng tạo của mình, tiếp nhận thật nhanh cái mới để không bị tụt hậu. Whitney trong album thứ ba đã biết kết hợp giữa ca hát và vũ đạo, phối hợp với các dòng nhạc mới hiện đại, trẻ trung hơn.

Mariah Carey đến cuối thập niên 90 đã lột xác hoàn toàn, trở thành hình tượng ca sĩ mới, hiện đại, trẻ trung từ ngoại hình đến âm nhạc, chứ không còn đóng khung trong những bộ đầm kín đáo đứng ôm cột mic như trước. Còn Celine Dion trong thập niên 2000 đã biết cách ứng dụng công nghệ làm tour hiện đại với sự kết hợp cùng kịch bản, vũ đạo, ánh sáng, kĩ thuật trình diễn.

Celine Dion và đổi mới đầu tư sân khấu

Quay lại nhạc Việt, chúng ta thấy những nghệ sĩ giải trí như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà… rất hiếm khi được xem trọng về mặt chuyên môn. Chuyên môn trong nhạc Việt, với cả khán giả lẫn người trong nghề là phải thiên về kĩ thuật, giọng hát, làm nhạc, hòa âm, phối khí…, là cái gì đó hơi xưa, cổ điển, hoài niệm theo kiểu âm nhạc nghiêm túc. Những sáng tạo về mặt trình diễn, hình ảnh nghiễm nhiên bị coi thường, cho đó chỉ là trò giải trí dễ dãi của âm nhạc thị trường.

Hậu quả của quan niệm này để lại hàng loạt những ca sĩ hát hay, kĩ thuật tốt, nhưng chỉ biết cầm mic đứng một chỗ hát, thiếu tính năng động trên sân khấu, ít có khả năng trình diễn đa dạng để phục vụ khán giả. Ca sĩ Việt có thể ung dung trong một hình ảnh, hát đi hát lại một bài trong hàng chục năm mà không sợ bị thất thế. Trong tình trạng này, âm nhạc sẽ chỉ phục vụ được một số ít khán giả theo thị hiếu của riêng họ, không có khả năng đại chúng hóa cao để tiến thành thị trường âm nhạc đúng nghĩa để thu về lợi nhuận cho nước nhà như nhạc Hàn, nhạc Nhật hay nhạc Âu Mỹ.

Mỹ Tâm chắc chắn thua Thu Phương về kĩ thuật thanh nhạc lẫn giọng hát, lại luôn bị đánh giá thấp hơn về âm nhạc, chuyên môn. Trong một đêm diễn trước đó, khi cả bốn huấn luyện viên cùng hát chung với nhau một tiết mục, Thu Phương cũng đã “đánh bật” Mỹ Tâm để thể hiện một giọng hát điêu luyện, nội lực và cá tính trong lối nhả chữ, nên ai cũng nghĩ Thu Phương sẽ vượt qua Mỹ Tâm trên mọi “chiến trường”. Nhưng điều gì cần đến cũng đã đến, vòng chung kết Giọng hát Việt 2015 vừa qua là chiến thắng của sự sáng tạo năng động từ một nghệ sĩ giải trí với một ca sĩ được đánh giá là có chuyên môn cao, âm nhạc chất lượng, khi Mỹ Tâm có cơ hội thể hiện ở đất diễn riêng của mình.

Màn trình diễn của Mỹ Tâm và Đức Phúc

Màn trình diễn của Mỹ Tâm và học trò Đức Phúc được xem là ấn tượng nhất trong bốn màn trình diễn cuối cùng, khi được dàn dựng một cách công phu về mặt trình diễn, hình ảnh và biết cách khuấy động sân khấu.

Màn trình diễn của Thu Phương và Hoàng Dũng

Nếu Thu Phương chọn cách diễn đơn giản, đứng một chỗ để khoe giọng hát và cảm xúc thì Mỹ Tâm lại đầu tư hẳn một màn trình diễn công phu, chia bố cục, phân cảnh đàng hoàng.

Tiết mục đơn giản của Thu Phương và Hoàng Dũng

Màn trình diễn liên khúc của Mỹ Tâm có sự kết nối, liền mạch từ đầu tới cuối, khi cô lấy bối cảnh chủ đạo là nền văn hóa âm nhạc Disco trong những năm thập niên 70 làm xương sống để dàn dựng toàn bộ phần nhạc, cách trình diễn, chọn bài lẫn trang phục. Vì vậy, dù tiết mục rất dài, số ca khúc và phân cảnh diễn cũng nhiều, nhưng lại vẫn thống nhất trong một chỉnh thể mà không bị rối rắm.

Màn trình diễn của Đàm Vĩnh Hưng và Tố Ny

Cùng so sánh với màn trình diễn của Đàm Vĩnh Hưng và học trò Tố Ny, cũng là một màn trình diễn được đầu tư về phần dàn dựng trong đêm chung kết. Chúng ta sẽ thấy, màn trình diễn này dù được dàn dựng tốt nhưng không mới, vẫn là một mô típ trình diễn, sân khấu quen thuộc, nếu không muốn nói là quá cũ và lặp lại. Kiểu hát và dàn dựng tiết mục theo bối cảnh thời vua Hùng vốn đã xuất hiện quanh năm suốt tháng trên tivi, trong hàng trăm buổi ca nhạc, kỉ niệm, lễ hội khác nhau rồi, và Đàm Vĩnh Hưng cũng không làm được điều gì mới mẻ hơn ngoài việc lặp lại những cái đã có.

Tiết mục của Đàm Vĩnh Hưng được dàn dựng đầu tư nhưng vẫn cũ

Trong khi đó, Mỹ Tâm lại sáng tạo khi biết kết hợp giữa phong cách biểu diễn nhạc kịch với Disco, trong đó, ca sĩ vừa hát, vừa phải diễn và kết hợp cùng vũ đạo. Tất nhiên, Mỹ Tâm đã đảm nhiệm hết các phần này, vì Đức Phúc chưa đủ kinh nghiệm để diễn tự tin trên sân khấu như thầy của mình.

Mỹ Tâm trong bối cảnh đầu với vai hầu gái

Bối cảnh tiết mục được mở đầu bằng màn diễn “cô hầu gái” của Mỹ Tâm rồi kết thúc bằng màn nhảy Disco sôi động cùng trang phục lấp lánh để thể hiện tư tưởng rằng: Hãy sống và đam mê âm nhạc, để tài năng của mình trỗi dậy trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn sẽ được lột xác từ lọ lem thành ngôi sao lớn.

Với tư tưởng chủ đề ý nghĩa cùng sự phát triển bối cảnh, vũ đạo, trang phục thống nhất, kết hợp chặt chẽ cùng nhau, có thể nói đây là một màn trình diễn được đầu tư sáng tạo, tư duy rất kĩ càng, nghiêm túc, chứ không chỉ đơn giản là màn trình diễn giải trí đơn thuần nhưng người ta vẫn nghĩ. Đặc biệt, khi nhìn vào sự lột xác của Đức Phúc, từ một thí sinh không có ngoại hình tới một trong những thí sinh nổi bật nhất của Giọng hát Việt, chúng ta càng thấy có sự liên kết không thể ngờ tới giữa màn trình diễn được Mỹ Tâm dàn dựng với chàng thí sinh này.

Mỹ Tâm thoát xác lọ lem

Rõ ràng, một màn trình diễn giải trí cũng có thể trở nên vô cùng sâu sắc và chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa không thể ngờ tới, khi nó được đào sâu với một tư duy sáng tạo. Đây chính là điều mấu chốt mà Madonna đã từng làm để thay đổi cả thế giới âm nhạc về hình tượng một nghệ sĩ giải trí, dùng trình diễn giải trí để truyền đạt những tầng thông điệp tới khán giả đại chúng, cái mà nhiều nghệ sĩ chú trọng vào giọng hát chưa chắc đã làm được.

Mỹ Tâm và học trò hóa thân thành ngôi sao lớn, năng động

Ở màn trình diễn này, ngoài việc dùng vũ đạo, biểu diễn, Mỹ Tâm còn biết dùng trang phục để kết hợp cùng âm nhạc, gây ấn tượng với khán giả. Trang phục được sử dụng không những có sự liên kết theo bối cảnh trình diễn, thống nhất với toàn thể, mà còn chứa đựng tính bất ngờ. Việc Mỹ Tâm thay trực tiếp ba bộ đồ trên sân khấu trong chớp nhoáng khiến khán giả không khỏi bất ngờ khi có cảm giác đang được xem kết hợp âm nhạc với một màn trình diễn ảo thuật nào đó.

Màn thay trang phục chớp nhoáng gây ấn tượng của Mỹ Tâm

Người ta thường hay nói “nghe nhạc chứ không xem nhạc” để miệt thị các hình thức âm nhạc có kết hợp hình ảnh hiện đại mà ít chú trọng tới giọng hát ca sĩ. Nhưng đó là quan niệm đã lạc hậu, lỗi thời và bảo thủ. Bởi từ đài catset, con người đã tiến tới công nghệ hình ảnh 3D, 4D rồi. Con người ngày nay chủ yếu xem tivi chứ ít nghe catset.

Và trong nền nghệ hậu hậu hiện đại trên thế giới, âm nhạc vốn đã không còn đứng một mình, nó đã kết hợp với vô vàn loại hình nghệ thuật khác, trong đó có vũ đạo, trang phụ, ánh sáng, điện ảnh… để tạo nên chỉnh thể nghệ thuật đa năng, toàn diện hơn. Ngay cả opera là hình thức nghệ thuật âm nhạc cổ điển đến giờ cũng phải kết hợp rất nhiều với công nghệ dàn dựng hiện đại để thể hiện một trình độ nghệ thuật cao hơn, liên quan tới các trường phái hội họa, kiến trúc. Trên thế giới, khán giả tới một chương trình âm nhạc không chỉ để nghe mà còn nhìn, thưởng thức các loại hình nghệ thuật ánh sáng, dàn dựng, trình diễn…

Trong nghệ thuật có cả nghệ thuật thính giác lẫn nghệ thuật thị giác, nên âm nhạc với tư cách là nghệ thuật thính giác cũng có thể kết hợp với các hình thức đánh vào thị giác để phát triển. Mỹ học cũng nói, mắt và tai là hai cơ quan tiếp nhận thẩm mỹ quan trọng nhất của con người. Có lẽ những người chỉ biết quan niệm về “nghe nhạc” mà không “xem nhạc” đã tự xem thường khả năng cảm nhận thị giác của họ.

Sân khấu opera cũng luôn phải đổi mới công nghệ hình ảnh

Hiệu ứng khán giả đổ dồn về màn trình diễn của Mỹ Tâm và Đức Phúc sau 4 màn trình diễn đã cho thấy rằng, một nghệ sĩ giải trí cũng có thể chiến thắng nếu biết đầu tư sáng tạo, tư duy và làm ra cái mới.

Ngược lại, một nghệ sĩ có giọng hát, kĩ thuật, thẩm mỹ âm nhạc tốt cũng có thể bị lu mờ nếu chỉ biết dậm chân tại chỗ với đỉnh cao của riêng mình. Trường hợp của Mỹ Tâm và Thu Phương cũng giống như kiểu, nếu cho Madonna hát chung với các vocalist giọng tốt, bà sẽ bị lép vế, nhưng nếu cho bà hát riêng trong một màn trình diễn khác, bà sẽ làm lu mờ các vocalist đó nhờ khả năng trình diễn công phu của mình.

Đức Long
Theo Vietnamnet