Thời gian gần đây, Mỹ Tâm là cái tên được nhiều khán giả nhắc đến và khen ngợi thông qua hành động "hát cùng người khiếm thị trên phố". Trước đó, tại sân khấu lề đường vắng vẻ trong một đêm đông Hà Nội lạnh buốt, Mỹ Tâm đã dừng xe. Giọng hát "họa mi" song ca cùng chàng trai khiếm thị đã thu hút sự chú ý của hàng ngàn người tham gia giao thông đứng lại lắng nghe. Số tiền quyên góp từ buổi diễn rất ngẫu hứng và đầy chữ "Tâm" ấy, kết quả là một món quà vật chất đủ để ấm lòng những người tổ chức đêm nhạc may mắn ấy.
Mỹ Tâm song ca cùng người khiếm thị trên phố.
Sau buổi tối dừng lại ven đường, Mỹ Tâm đích thân mời chàng trai khiếm thị cùng mình thu âm Sầu tím thiệp hồng - ca khúc mà cô và "đối tác" cùng lựa chọn song ca trong buổi diễn đêm hội ngộ bất ngờ trước đó. Thêm một hành động đẹp, nhiều khán giả càng cảm kích sự ấm nóng từ trái tim của giọng ca gốc Đà Nẵng.
Nhưng cuộc sống luôn có nhiều ngả rẽ. Bên cạnh những ngợi khen, Mỹ Tâm cũng phải đối mặt với lời chỉ trích "làm màu, lấy người khuyết tật ra đánh bóng bản thân". Chọn cách im lặng trước ý kiến trái chiều về mình, "họa mi" vẫn như xưa, âm thầm làm công việc mà cô cho là đúng bất chấp bão tố thị phi. Tuy nhiên nhà văn Hoàng Anh Tú - "anh Chánh Văn" quen thuộc với bạn đọc thế hệ 8X, 9X đã không yên lặng.
Bằng quan điểm cá nhân, anh Chánh rất thẳng thắn nhìn nhận: Với những gì Mỹ Tâm làm thì dù đó là làm màu, màu ấy cũng là màu của trái tim; và dù đó là làm PR, đó là cách PR của người tử tế...
Hình ảnh Mỹ Tâm song ca cùng thanh niên khiếm thị đang gây ra sự chú ý.
Chúng tôi xin đăng nguyên văn lời chia sẻ của nhà văn Hoàng Anh Tú về sự kiện đang thu hút sự chú ý này:
"Nếu đây là làm màu, là PR... thì đó là màu của Trái Tim và PR cho người tử tế!
Có những người không ngờ nghi người khác không được. Có những người, chỉ luôn nhìn thấy điều tiêu cực. Như thể tất thảy những gì đang diễn ra trong cuộc sống này, qua mắt họ, đều sẽ trở thành điều đen đúa. Kiểu nhìn bầu trời trong xanh qua bãi nước bẩn vậy. Tôi vẫn luôn tôn trọng mọi sự khác biệt trong quan điểm của mỗi người. Nhưng tôi lựa chọn việc từ chối đối thoại với họ. Là bởi họ luôn là người khiến tôi cạn kiệt năng lượng mỗi khi phải tiếp xúc - đối thoại với họ. Tôi không học được điều gì từ họ. Nói chính xác hơn, tôi không học được điều gì từ sự tiêu cực. Cho dẫu là một bài học cảnh giác.
Có những người thậm ghét quảng cáo. Cứ thấy bài quảng cáo là nhăn mặt bỏ qua. Đọc một tờ báo có nhiều trang quảng cáo là ghét tờ báo đó. Xem một bộ phim có nhiều quảng cáo là ghét bộ phim đó. Thậm chí vào Facebook thấy Facebook nào nhiều quảng cáo là ghét. Đến độ nhìn đâu cũng thấy quảng cáo.
Mỹ Tâm song ca cùng cậu bé khiếm thị cũng là quảng cáo - PR làm màu. MC Phan Anh đồng hành với lũ lụt miền Trung cũng là quảng cáo - PR làm màu. Và thậm chí những kẻ tẹp nhẹp như tôi khoe vợ trên Facebook cũng là quảng cáo - PR làm màu. Tôi tôn trọng chọn lựa của họ - chọn lựa việc đọc, xem, kết bạn hay từ chối kết bạn. Nhưng tôi bất bình với việc họ “bày tỏ quan điểm” của họ theo kiểu phán xét người khác. Ai đó cho rằng đó là tự do ngôn luận, mình thích thì mình nói thôi! Nhưng làm tổn thương người khác bằng việc “tự do ngôn luận” thì là xấu xí rồi. Chúng ta không ai có quyền đó cả.
Nhà văn Hoàng Anh Tú: "Ai đó cho rằng đó là tự do ngôn luận, mình thích thì mình nói thôi!
Nhưng làm tổn thương người khác bằng việc “tự do ngôn luận” thì là xấu xí rồi...".
Có những người…
Xã hội này thì có hàng trăm kiểu người khác nhau. Tôi không có ý rằng các bạn phải giống tôi, các bạn phải thế này hay phải thế khác. Mỗi người đều có quan điểm và suy nghĩ của riêng mình. Chỉ là nếu không chung đường thì hãy hát: Chúng ta không thuộc về nhau.
Với riêng tôi, một lần nữa, tôi cho rằng nếu những gì Mỹ Tâm và Phan Anh làm thì dù đó là làm màu thì màu ấy là màu của trái tim, dù đó là làm PR thì đó là cách PR của người tử tế, PR cho sự tử tế".
Ben
Theo Vietnamnet