Nếu trong TP HCM, âm nhạc sôi động với nhiều MV, single, game show ca nhạc, hát phòng trà, "thương hiệu" của thị trường Hà Nội lại là những đêm nhạc lớn.
Khán giả thủ đô vốn có thói quen thưởng thức âm nhạc tại nhà hát, đó cũng là một trong những lý do, nhiều giọng ca hải ngoại hoặc chủ yếu hoạt động ở miền Nam vẫn chọn Hà Nội để tổ chức live show riêng.
Đàm Vĩnh Hưng có live show "Sài Gòn, Bolero và Hưng" tại Hà Nội trong năm 2017.
Bùng nổ đêm nhạc Bolero
Những năm gần đây, Bolero được nhận xét là bùng nổ và phát triển trở lại. Nhiều album, sản phẩm âm nhạc Bolero ra đời. Nhiều game show, cuộc thi về Bolero được tổ chức trên sóng truyền hình. Những gương mặt mới xuất hiện, thậm chí có cả những ca sĩ vốn hát nhạc nhẹ cũng chuyển sang Bolero.
Trong trào lưu đó, đêm nhạc Bolero cũng áp đảo thị trường biểu diễn Hà Nội. Hàng chục chương trình lớn nhỏ đã đã diễn ra tại thủ đô.
Trong đó, riêng ca sĩ Lệ Quyên (tất nhiên không tính những đêm phòng trà) đã có tới 2 đêm cá nhân lớn là Lệ Quyên - Những tình khúc Lam Phương (tháng 1) tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô và Mùa thu vàng (tháng 8) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Lệ Quyên có tới 2 live show riêng về nhạc Bolero trong năm.
Đàm Vĩnh Hưng cũng có live show riêng về Bolero với tựa đề Sài Gòn, Bolero và Hưng. Đây là chương trình đã được tổ chức tại TP HCM trước khi mang ra Hà Nội. Lần đầu tiên nam ca sĩ có một đêm Bolero hoành tráng ở thủ đô giữa lúc nhạc này đang thịnh, nhiều người bảo anh biết chớp thời cơ.
Không chỉ ca sĩ hạng A, một số giọng ca không quá đại chúng cũng có live show Bolero trong năm như Hồ Quang 8 với Khuya nay anh đi rồi, Dương Ngọc Thái với Gọi đò. Điểm chung của đêm nhạc kiểu này là có sự góp mặt danh hài như Xuân Hinh, Hoài Linh và những giọng ca có tiếng như Ngọc Sơn, Thanh Thanh Hiền.
Ngoài concept đêm nhạc riêng của ca sĩ, nhiều đêm nhạc Bolero được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh tác giả - tác phẩm. Tác giả tự hát sáng tác của mình như đêm Tú Nhi của Chế Linh cũng được một bộ phận công chúng đón nhận.
Năm 2017, có nhiều đêm nhạc với các sáng tác của Lam Phương. Nhà hát Tuổi trẻ có hai đêm Lam Phương là Mùa thu yêu đương và Cho em quên tuổi ngọc. Ngoài ra còn có Tuyệt phẩm Lam Phương với góp mặt của Khánh Hà, Giao Linh, đêm nhạc này đã diễn ra nhưng không được nhiều người nhắc đến.
Ngọc Sơn cũng có một đêm nhạc tác giả quy mô nhỏ hơn Lam Phương hay Chế Linh, được tổ chức tại Nhà hát Âu Cơ. Năm vừa qua, với sự bùng nổ Bolero, Ngọc Sơn không chỉ đắt show ghế nóng truyền hình mà còn phủ sóng nhiều đêm nhạc tại Hà Nội.
Ca sĩ không ngại chi tiền tỷ làm show riêng
Không chỉ có Bolero, thị trường âm nhạc tại Hà Nội năm 2017 cũng sôi động với nhiều live show cá nhân, đa dạng về thể loại, từ nhạc đỏ, nhạc trẻ đến cả những đêm nhạc của giới indie, undergound.
Tùng Dương có live show Trời và Đất, tổ chức vào tháng 9. Đây là một chương trình âm nhạc độc dị, quái lạ và đầy triết thuyết đúng phong cách Tùng Dương. Divo nhạc Việt tổ chức tới 2 đêm tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô với tổng lượng vé phát hành khoảng gần 2.500 chiếc.
Trời và Đất là đêm nhạc mang đậm phong cách Tùng Dương.
Thu Minh cũng có đêm nhạc lớn đầu tiên tại Hà Nội với tựa đề Phượng hoàng lửa – Fire Phoenix. Không phải là cái tên bán được vé tại thủ đô nên khán phòng hơn 3.000 chỗ đã không được lấp đầy, nhưng giọng ca sinh năm 1977 đã có một đêm nhạc thăng hoa đúng nghĩa.
Một chương trình riêng không thể không nhắc đến là Fragile của Hà Anh Tuấn với những sáng tác của nhạc sĩ trẻ Phạm Toàn Thắng.
Nam ca sĩ vốn định tổ chức một đêm, nhưng vì "cháy vé" nên anh và ê-kíp quyết tổ chức ngay đêm thứ hai vào hôm sau. Fragile là một trong những đêm nhạc ấn tượng nhất trong năm, được nhiều khán giả 8X coi như "chiếc vé" trở về thanh xuân.
Không chỉ có ca sĩ nhạc nhẹ, những ngôi sao nhạc đỏ cũng góp mặt vào thị trường đêm nhạc năm vừa qua. Đăng Dương quyết định làm concert Mặt trời của tôi kỷ niệm 20 năm ca hát.
Kinh phí thực hiện được chính chủ nhân đêm nhạc thừa nhận là "tiền tỷ" với sự tham gia của một ê-kíp hùng hậu về mặt chuyên môn như Trần Mạnh Hùng, Lê Hà My và Dàn nhạc Giao hưởng Thăng Long.
Đăng Dương cho biết trước đêm nhạc vợ anh khóc và nói "sẵn sàng bán nhà để chồng thăng hoa trên sân khấu". Nhưng với thành công ngoài sức mong đợi của live concert vào trung tuần tháng 10, khán giả ngồi gần kín khán phòng và sự đồng hành của đơn vị tài trợ; hẳn vợ chồng Đăng Dương không đến mức phải bán nhà để bù lỗ cho Mặt trời của tôi.
Không chỉ Đăng Dương, nhạc đỏ năm vừa qua còn có show của Trọng Tấn - Anh Thơ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với sức chứa hơn 3.000 khán giả. Tình ta biển bạc đồng xanh 2 là đêm nhạc mang đậm hơi thở cách mạng, quê hương đất nước. Tuy nhiên, live show này không "cháy vé" như Tình ta biển bạc đồng xanh 1 vào năm 2013.
Chương trình "Ngọt band" cháy 2.500 vé chỉ sau vài ngày mở bán.
Ngoài những chương trình cá nhân hoặc rõ ràng về thể loại, năm 2017 tại Hà Nội cũng có nhiều đêm nhạc tổng hợp, được thực hiện theo một concept và mời các ca sĩ tham gia. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là đêm 5 giọng ca vàng: Nhớ mùa thu Hà Nội, đánh dấu việc lần đầu tiên Mỹ Tâm hòa giọng với "bộ tứ diva Việt" là Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh và Trần Thu Hà.
Theo Zing